1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao chiến dịch quân sự của Nga ở Syria thành công?

Trong bài phân tích công bố ngày 12-9, nhà sử học-Đại tá Michel Goya người Pháp đánh giá chiến dịch quân sự của Nga ở Syria thành công vì Nga đã đạt được mục tiêu chính trị đầu tiên, đó là củng cố chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Vì sao chiến dịch quân sự của Nga ở Syria thành công? - 1

Lực lượng viễn chinh Nga tại Syria đã góp phần ngăn chặn quân nổi dậy từ cuối năm 2015, sang năm 2016 đánh chiếm Aleppo và mở chiến dịch giải phóng Deir ez-Zor vào đầu tháng 9-2017.

Đáng lưu ý là Nga đạt được thành công với nguồn lực khá hạn chế. Nga chỉ điều động 4.000-5.000 quân và 50-70 máy bay với chi phí 3 triệu euro/ngày, tức chỉ bằng 1/4 hoặc 1/5 so với chi phí của liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu. Ngay từ đầu Nga đã bất ngờ điều động hàng loạt thiết bị đồng bộ tới Syria chứ không qua giai đoạn chuẩn bị và gia tăng từng bước như liên minh quốc tế.

Chiến tranh ở Syria là “cuộc chiến lắp ghép”, tức có nhiều bên tham chiến như nội chiến Lebanon. Mỗi bên có tính toán khác nhau, do đó xung đột vừa phức tạp lại vừa ổn định. Điểm quan trọng là các nước bảo trợ như Nga và Mỹ không định đối đầu trực tiếp. Trong bối cảnh đó, nếu phe này chiếm địa bàn thì phe kia rất khó xâm nhập. Đây được gọi là chiến lược “người qua đường bất cẩn” (đột ngột qua đường khiến xe phải dừng lại).

Yếu tố thành công của Nga còn xuất phát từ sức mạnh phòng không. Nga triển khai ngay thiết bị phòng không hiện đại, đặc biệt là tên lửa đất đối không và tên lửa biển đối không nhằm ngăn chặn các tác nhân khác xâm nhập khu vực cấm bay.

Yếu tố then chốt trong học thuyết quân sự của Nga là tác chiến phối hợp. Nga xây dựng một lực lượng phòng không hỗn hợp, sử dụng máy bay và trực thăng tùy thời tiết phối hợp với pháo binh trang bị pháo nhiều nòng BM-27 Uragan, máy bay không người lái Dozor 600 hoặc Altius, máy bay trinh sát điện tử Il-20 M1 và lực lượng đặc nhiệm. Mục đích nhằm chiếm các điểm then chốt, đánh tan rã đối phương hoặc gây sức ép với các phe có thể thương lượng.

Can thiệp vào Syria còn là cơ hội tốt để Nga thử nghiệm các thiết bị mới và phương pháp mới. Ngày 7-10-2015, bốn tàu chiến hạm đội Caspian đã bắn 26 tên lửa hành trình 3M14 Kalibr sang Syria với 22 quả trúng mục tiêu. Ngày 17-11-2015, 23 máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3, Tu-95 và Tu-160 đã bắn tên lửa hành trình KH-555. Nga cũng đã thử nghiệm phối hợp với bộ binh sử dụng xe mọi địa hình cực nhẹ. Loại xe chiến đấu mới này chở ba người với hỏa lực mạnh đủ sức tiêu diệt súng chống tăng, súng phòng không và máy bay không người lái rất hiệu quả.

Trong chiến dịch ở Syria, Nga cũng đã đạt được mục đích giảm thương vong thường dân do phi công Nga ngày càng tích lũy kinh nghiệm hơn và Nga sử dụng thiết bị tiên tiến hơn như sử dụng trực thăng Mi-28N và Ka-52 thay cho máy bay cường kích Su-25. Các chiến dịch phối hợp đã mang lại thành công trong năm 2016 và 2017. Tính chung có 4.000-5.400 thường dân thiệt mạng từ phía Nga so với 5.300-8.200 thường dân từ liên minh quốc tế. Thiệt mạng nhân mạng chính thức từ quân đội Nga chỉ 17 người.

Theo H.DUY

Pháp luật TP. Hồ Chí Minh