1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao chiến đấu cơ đảo chính không bắn máy bay chở Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ?

(Dân trí) - Máy bay chở Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã chuyển sang dùng tín hiệu chuyến bay dân sự, trong khi đó phe đảo chính do dự không dám bắn máy bay dân sự.


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Ảnh: Sputnik)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Ảnh: Sputnik)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cuối tuần qua đã thoát chết trong gang tấc khi máy bay của ông bị hai chiến đấu cư F-16 của phe đảo chính ngắm bắn.

Ngay sau khi chiếc Gulfstream chở ông Erdogan cất cánh từ khu vực nghỉ dưỡng ở Marmaris đến Istanbul do tin cấp báo về âm mưu ám sát ông tại đây, hai chiến đấu cơ F-16 của phe đảo chính đã áp sát và khóa radar ngắm bắn với máy bay này.

Chỉ cần súng máy và một tên lửa Sidewinder, các máy bay F-16 của phe đảo chính đã có thể bắn rơi máy bay Gulfstream để thực hiện âm mưu ám sát Tổng thống Erdogan. Tuy nhiên, các máy bay này đã không làm vậy, máy bay của ông Erdogan vẫn hạ cánh an toàn ở sân bay quốc tế Ataturk ở Istanbul. “Tại sao các chiến đấu cơ đảo chính không bắn vẫn là một bí ẩn”, một cựu quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói với Reuters.

Tuy nhiên, theo lý giải của tờ Daily Beast, điều này có thể là do các phi công máy bay chở ông Erdogan trước đó đã chuyển tín hiệu máy bay sang tín hiệu chuyến bay dân sự. Chiếc Gulfstream chở ông Erdogan đã lấy tín hiệu nhận dạng là chuyến bay THY 8456 - một chuyến bay dân sự của hãng hàng không Turkish Airlines. Trả lời phỏng vấn CNN sau đó về khoảnh khắc thoát chết trong gang tấc, ông Erdogan không nêu trực tiếp đến mẹo này mà chỉ nói rằng là do “lầm tưởng trong tín hiệu liên lạc”.

Được tiếp liệu trên không thông qua máy bay KC-135, các chiến đấu cơ F-16 của phe đảo chính thời điểm đó bắt đầu tìm kiếm mục tiêu là chiếc máy bay Gulfstream chở ông Erdogan - một dạng máy bay thương mại - bằng các radar gắn ở mũi. Khi tiếp cận chiếc Gulfstream với tín hiệu chuyến bay dân sự, chiến đấu cơ của phe đảo chính lại không dám bắn. “Lo sợ bắn nhầm và sợ mất mặt có thể là một yếu tố khiến các máy bay F-16 của phe đảo chính không bắn máy bay và hạ sát ông Erdogan”, David Cenciotti, chuyên gia hàng không người Italia của trang The Aviationist, nhận định.

Chuyên gia này cũng lý giải việc tại sao các máy bay F-16 của lực lượng thân chính phủ dân sự không bắn rơi một máy bay tiếp liệu KC-135 của phe đảo chính khi máy bay này bị chặn ở không phận phía trên khu vực dân cư ở phía bắc Thổ Nhĩ Kỳ hôm 16/7. Ông Cenciotti cho rằng, điều này có thể là do KC-135 chứa hàng nghìn gallon nhiên liệu dễ cháy, nếu bắn hạ máy bay này có thể gây ra một vụ nổ lớn, và khiến nhiều người trên mặt đất thiệt mạng. Thay vào đó, chính quyền của ông Erdogan quyết định cắt điện ở căn cứ Incirlik, nơi các máy bay KC-135 đồn trú, nhưng đây cũng là nơi các máy bay quân sự Mỹ đồn trú để phục vụ chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria.

Lực lượng đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã chiếm ít nhất 4 chiếc F-16, khoảng 4 máy bay KC-135, ít nhất 2 máy bay vận tải Blackhawk, ít nhất một trực thăng Cobra, 2 trực thăng cứu hộ AS532 và khoảng 6 máy bay vận tải C-160 và C-130, 2 máy bay vận tải 4 động cơ cỡ lớn A400.

Minh Phương

Tổng hợp