Vì sao Bình Nhưỡng quyết định công khai chương trình hạt nhân?
(Dân trí) - Sau 6 tháng trì hoãn, cuối cùng, thời khắc có tính đột phá đã đến. Bên trong những cánh cửa đóng kín ở Bộ ngoại giao Bắc Kinh, một quan chức Bình Nhưỡng đã trao bản tài liệu hạt nhân cho người đồng cấp Trung Quốc.
Quá trình chuyển giao tài liệu này được coi như là thời khắc ngoại giao vô cùng quan trọng. Việc Triều Tiên công khai chương trình hạt nhân mà thế giới chờ đợi bấy lâu được coi như là một bước quan trọng tiến tới phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên.
Vòng đàm phán 6 bên bao gồm Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Mỹ, đã trải qua hàng loạt cuộc thương lượng nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của mình để đổi lại lấy viện trợ về kinh tế cũng như những nhượng bộ ngoại giao khác.
Theo các nhà phân tích, mỗi lần có một bước tiến mới trong tiến trình phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng đều được “đền bù” xứng đáng.
Thỏa thuận gần đây nhất được ký kết tại bàn đàm phán 6 bên là vào ngày 3/10 năm ngoái, theo đó Triều Tiên đã hứa sẽ cung cấp “bản báo cáo chính xác và đầy đủ về tất cả các chương trình hạt nhân của mình”. Điều đó cũng có nghĩa là bản báo cáo phải được chuyển giao cho đến cuối năm 2007. Và bây giờ, dù hơi muộn một chút, nhưng Bình Nhưỡng có thể mong chờ một phần thưởng hậu hĩnh.
Đầu tiên, Mỹ sẽ phải có những động thái tương tự, tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao với nhà nước mà họ từng liệt vào “trục ma quỷ”.
Và gần như ngay lập tức, Mỹ sẽ bắt đầu quá trình đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố của nước này, cũng như chấm dứt sự kiềm tỏa của những quy định về thương mại đối với các nước thù địch, một bước sẽ giải phóng Bình Nhưỡng khỏi hàng loạt những giới hạn phiền toái trong vấn đề thương mại quốc tế và các giao dịch tài chính.
Nền kinh tế của Bình Nhưỡng cũng sẽ được “khích lệ” bằng một triệu tấn dầu khí đốt hoặc các dạng viện trợ có giá trị tương đương khác.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao Bình Nhưỡng vẫn trì hoãn giao nộp bản báo cáo về các hoạt động hạt nhân của mình, vẫn lưỡng lự trước những “phần thưởng” hậu hĩnh đến vậy?
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Christopher Hill hồi tháng hai vừa qua đã cho biết: “Hãy để tôi nói rõ, một bản báo cáo đầy đủ và chính xác có nghĩa là một bản báo cáo đầy đủ và chính xác”. Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Mỹ đã nói như vậy về hi vọng của ông đối với bản báo cáo hạt nhân của Bình Nhưỡng. “Bản báo cáo này phải bao gồm tất cả các vũ khí, chương trình, thiết bị, cơ sở hạt nhân, và phải giải thích rõ về tất cả các hoạt động phát triển hạt nhân”, ông nói.
Ông cũng khẳng định bản tài liệu phải thỏa mãn những lo ngại liên quan đến chương trình làm giàu uranium của CHDCND Triều Tiên.
Như vậy là Mỹ muốn biết Triều Tiên đang thực sự có gì để biết nước này thực sự cần phải dỡ bỏ những gì.
Tài liệu được chuyển giao được cho là sẽ tập trung vào các hoạt động tái xử lý plutionium ở cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên. Khi nội dung của nó chưa được công bố, nhiều nhà quan sát tin rằng bản báo cáo sẽ không đề cập đến kho vũ khí hạt nhân hiện tại của Bình Nhưỡng hoặc sẽ không có bằng chứng nào cho thấy quốc gia này đã làm giàu uranium. Các nhà phê bình cũng nghi ngờ Triều Tiên sẽ không có ý định giải giáp hạt nhân hoàn toàn, để họ có thể còn một chút gì đó “hăm dọa” được cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, chính quyền Mỹ đã xác nhận một số tiến bộ thực sự. Lò phản ứng Yongbyon, nguồn cung cấp nguyên liệu cho vụ thử vũ khí hạt nhân thành công duy nhất của Triều Tiên từ trước đến nay, đang được tháo dỡ dưới sự giám sát của Mỹ.
Theo các nhà phân tích, có thể thấy sự thay đổi rõ rệt trong chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên thời gian gần đây. Sự thay đổi này diễn ra chỉ vài năm sau khi Tổng thống Bush liệt Triều Tiên vào “trục ma quỷ”. Hiện chiến lược của ông Bush không phải là cô lập Triều Tiên, mà bắt đầu cố gắng đạt được từng bước tiến dù nhỏ, nhưng thực tế hơn để tiến tới mục đích lớn hơn. Và theo họ, chính điều này đã có tác động không nhỏ tới những động thái mới nhất của CHDCND Triều Tiên trong mấy ngày trở lại đây.
Phan Anh
Theo BBC