1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên

"Phá huỷ tháp hạt nhân chỉ là phần dễ dàng nhất"

(Dân trí) - Phải mất nhiều năm thương thuyết, nhượng bộ, mới có thể thuyết phục được Triều Tiên “lùi” một bước trong vấn đề hạt nhân, dẫn tới buổi phá huỷ tháp làm lạnh tại Yongbyon vào ngày hôm qua. Nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đó mới chỉ là phần dễ dàng nhất.

Theo các nhà phân tích, những diễn biến trong quá khứ cho thấy CHDCND Triều Tiên sẽ không vội tìm kiếm thêm “phần thưởng” nữa để đổi lại tiến thêm một bước trong vấn đề giải giáp hạt nhân. Và Bình Nhưỡng chỉ giao nộp kho vũ khí nguyên tử của mình sau khi một danh sách dài yêu cầu của họ được đảm bảo.

 

Dấu hiệu khó khăn đã nổi lên chỉ vài giờ sau khi tháp làm lạnh tại cơ sở hạt nhân Yongbyon được cho nổ tung. Trong khi ca ngợi Mỹ bắt đầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, Bộ ngoại giao Triều Tiên cho biết họ sẽ theo dõi chặt chẽ các bên khác trong vòng đàm phán 6 bên, xem họ có thực hiện đúng cam kết của mình hay không.

 

“Trong những ngày tiếp theo điều quan trọng là Mỹ, về cơ bản, phải từ bỏ chính sách thù địch đối với Triều Tiên, chính sách đã ép buộc Triều Tiên phải tiến tới sở hữu vũ khí hạt nhân để phòng thủ”, Bộ ngoại giao Triều Tiên tuyên bố qua hãng thông tấn chính thức của nước này.

 

Cho đến nay, Mỹ và các nước khác đã đồng ý chuyển giao cho Triều Tiên 1 triệu tấn dầu hoặc những mặt hàng có giá trị tương đương khác, đổi lại Triều Tiên phải tháo dỡ cơ sở hạt nhân chính cũng như cung cấp danh sách các chương trình hạt nhân của mình. Ngoài ra, Mỹ cũng đang chuẩn bị xoá bỏ một số lệnh cấm vận đối với Bình Nhưỡng.

 

Trong khi đó, CHDCND Triều Tiên có 45 ngày để thoả thuận về các bước chứng thực bản báo cáo của họ. Đây cũng là ngày Mỹ sẽ chuẩn bị đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố.

 

Bước tiếp theo và phức tạp hơn nhiều trong tiến trình giải giáp hạt nhân là Bình Nhưỡng sẽ phải tháo dỡ và từ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Cho đến nay, các nước khác trong bàn đàm phán 6 bên chưa nó rõ họ sẽ “trao đổi” với Bình Nhưỡng những gì.

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà phân tích, để tháo dỡ lò phản ứng, Bình Nhưỡng sẽ yêu cầu một loại lò phản ứng mới, sẽ chỉ dùng để sản xuất điện.

 

Theo thoả thuận đạt được năm 1994 với Mỹ, Triều Tiên sẽ được cung cấp hai lò phản ứng để sản xuất điện. Tuy nhiên, công cuộc xây dựng hai lò này đã bị bỏ bễ từ rất lâu trước khi vấn đề hạt nhân của Triều Tiên rơi vào khủng hoảng mới nhất, bắt đầu vào năm 2002. Khi đó Mỹ tố cáo Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình làm giàu uranium.

 

Triều Tiên vẫn muốn có các lò phản ứng, và đã giành được sự nhượng bộ trong thoả thuận hồi tháng 9/2005, rằng các nước khác sẽ bàn về lò phản ứng mới trong “một thời gian thích hợp”.

 

Còn về phía Mỹ, để ngăn chặn mối đe doạ vũ khí hạt nhân, nước này muốn Triều Tiên giao nộp, tháo dỡ các quả bom nguyên tử của nước này. Nhưng đổi lại, Triều Tiên chắc chắn sẽ yêu cầu được đảm bảo về an ninh từ phía Washington và bình thường hoá qua hệ giữa hai nước.

 

Sớm nhất là thứ hai tới, các trưởng đoàn đàm phán của 6 nước, gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, và Nga, sẽ nhóm họp ở Bắc Kinh để bắt đầu thảo luận chi tiết xem bản báo cáo về chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ được chứng thực như thế nào. Yếu tố chính là xác thực lượng plutonium mà Triều Tiên đã khai báo. Theo các quan chức thuộc vòng đàm phán 6 bên, sẽ phải mất nhiều tháng để tiến hành việc này.

 

Rồi sớm nhất là vào tháng 7, thậm chí là trước khi bản báo cáo được kiểm định, cuộc tiếp xúc cấp cao nhất giữa Mỹ và Triều Tiên kể từ năm 2000 sẽ diễn ra tại cuộc họp các ngoại trưởng của 6 quốc gia tham gia vào vòng đàm phán 6 bên. Ngoại trưởng Mỹ Rice sẽ tham dự cuộc họp chưa được lên kế hoạch này cùng với người đồng cấp Triều Tiên.

 

Xét theo đúng lý, Mỹ vẫn đang ở trong thời kỳ chiến tranh với Triều Tiên.  Khoảng 28.500 lính Mỹ hiện vẫn đang đồn trú ở Hàn Quốc, “tàn dư” của cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Lý do bởi cuộc chiến tranh mới chỉ tạm ngừng bằng một thoả thuận đình chiến vào năm 1953 chứ chưa có một hiệp ước hoà bình nào được ký kết.

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc phá huỷ tháp làm lạnh ngày hôm qua là một cột mốc cho thấy Triều Tiên và Mỹ đã tiến xa tới đâu.

 

Phan Anh
Theo AP