1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao "bà hỏa" nhanh chóng nhấn chìm chung cư 24 tầng ở London?

(Dân trí) - Các bộ trưởng Anh từng nhiều lần được cảnh báo về độ an toàn của lớp phủ ngoài dễ cháy, được sử dụng để tạo lớp "áo mới" cho các chung cư cũ giống tòa nhà Grenfell, nhưng họ đã phớt lờ lời khuyên của các chuyên gia, báo chí Anh đưa tin.

Lửa nhấn chìm tòa nhà 24 tầng ở London


Diễn biến vụ hỏa hoạn tại chung cư 24 tầng Grenfell (Đồ họa: Dailymail) Bấm vào đây để xem ảnh cỡ lớn

Diễn biến vụ hỏa hoạn tại chung cư 24 tầng Grenfell (Đồ họa: Dailymail) Bấm vào đây để xem ảnh cỡ lớn


Lớp phủ bên ngoài tòa nhà làm bằng vật liệu dễ cháy được cho là nguyên nhân khiến ngọn lửa lan nhanh (Đồ họa: Dailymail)

Lớp phủ bên ngoài tòa nhà làm bằng vật liệu dễ cháy được cho là nguyên nhân khiến ngọn lửa lan nhanh (Đồ họa: Dailymail)

Vụ hỏa hoạn thiêu rụi chung cư Grenfell ở thủ đô London rạng sáng ngày 14/6 được coi là tồi tệ nhất trong lịch sử nước Anh, khiến ít nhất 17 người thiệt mạng, 65 người bị thương và còn nhiều người còn mất tích.

Daily Mail ngày 15/6 đưa tin các bộ trưởng Anh đã nhiều lần được cảnh báo rằng lớp phủ chống thấm bên ngoài tòa nhà Grenfell cũng như nhiều tòa nhà khác trong khu vực có thể khiến lửa lan nhanh hơn khi xảy ra hỏa hoạn. Bộ Nội vụ Anh đã tiến hành khảo sát mức độ an toàn đối với hàng trăm tòa chung cư vào những năm 1990, nhưng không có động thái gì để sửa chữa và lắp đặt thêm các thiết bị an toàn cho những tòa nhà này.

Chuyên gia Sam Webb về phòng cháy chữa cháy cho biết vụ hỏa hoạn xảy ra tại Grenfell là một “thảm họa đã được báo trước”. “Chúng tôi nhận thấy các tòa nhà không đảm bảo độ an toàn nhưng không ai làm gì để thay đổi điều đó”, ông Sam Webb cho biết.

Theo các chuyên gia, tòa nhà Grenfell được lắp đặt lớp phủ chống thấm bên ngoài từ tháng 5/2016. Đây có thể là nguyên nhân khiến ngọn lửa lan nhanh chóng ra toàn bộ các tầng nhà bởi lớp phủ này rất bén lửa.


Vụ hỏa hoạn tại tháp Grenfell nhìn từ trên cao (Ảnh: DM)

Vụ hỏa hoạn tại tháp Grenfell nhìn từ trên cao (Ảnh: DM)

Lớp chống thấm bên ngoài Grenfell được làm từ các tấm ốp kim loại và các vật liệu polystyrene được tạo thành từ bọt chất dẻo hữu cơ dễ cháy. Ở giữa những lớp này là các lỗ hổng. Cùng với hệ thống cửa sổ, lớp phủ này giúp tòa nhà giữ được nhiệt, bảo vệ tòa nhà khỏi sự tác động của thời tiết và mang lại diện mạo mới hiện đại hơn cho tòa nhà được xây dựng từ những năm 1970.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, chính lớp phủ này là nguồn dẫn khiến ngọn lửa lan nhanh ra khắp các tầng nhà. Những lỗ hổng giữa các tấm phủ đóng vai trò như những ống khói, tiếp thêm oxy khiến lửa cháy dữ dội hơn. Các nhân chứng miêu tả tòa Grenfell bốc cháy như một ngọn đuốc.

Đơn vị thi công lớp phủ này là Harley Facades Limited. Công ty này cho biết đây là những vật liệu được sử dụng rộng rãi.

Hiện trường đám cháy dữ dội tại tòa nhà 24 tầng ở London

Nguy cơ với hàng trăm tòa nhà khác

Người ta lo ngại rằng hàng trăm tòa nhà cao tầng khác ở khắp nước Anh cũng được trang bị lớp phủ giống Grenfell bất chấp việc giới chức nước này đã cảnh báo về nguy cơ hỏa hoạn cách đây gần 20 năm.

Ông Reg Kerr-Bell, cựu Chủ tịch Tổ chức Nhà ở, cho biết ông đã từng bày tỏ mối lo ngại về sự an toàn của tòa nhà Grenfell.

“Chúng tôi cảm thấy đây là một thảm họa tiềm ẩn chỉ đợi lúc để xảy ra. Mọi việc chưa kết thúc, nó mới chỉ bắt đầu”, ông Reg Kerr-Bell cảnh báo.

Một báo cáo công bố năm 1999 từng cảnh báo: “Chúng ta cần làm ngay những việc cần thiết để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trước khi những vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra”.

Các nghị sĩ Anh đã yêu cầu hệ thống bảo vệ bên ngoài các tòa nhà phải làm bằng các vật liệu không dễ cháy hoặc phải chứng minh được chúng đảm bảo an toàn, ngăn ngọn lửa lan nhanh khi xảy ra hỏa hoạn.

Theo chuyên gia Sam Webb, việc sử dụng chất liệu lớp phủ giúp giữ nhiệt trong tòa nhà có thể khiến tòa nhà dễ bắt lửa hơn.

Nhật Minh

Theo Daily Mail