1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì hung hăng, Trung Quốc có thể "mất bạn" ở Đông Nam Á

(Dân trí) - Chuyên gia Vijay Sakhuja người Ấn Độ cho rằng những hành động của Trung Quốc thời gian qua tại Biển Đông có thể khiến nước này "mất bạn" tại Đông Nam Á.

Tàu hải giám Trung Quốc. (Ảnh:

Tàu hải giám Trung Quốc. (Ảnh: AFP

AFP tuần này dẫn nhận định trên của chuyên gia Vijay Sakhuja viết trên  trang mạng chuyên về hàng hải của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS).

Trong bài viết, nhà nghiên cứu Sakhuja chỉ ra rằng nhiều nước Đông Nam Á đã bày tỏ quan ngại trước cách hành xử và thái độ của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời đưa ra hàng loạt lời phản đối sau các vụ quấy nhiễu của lực lượng hải giám Trung Quốc với ngư dân Việt Nam và Philippines. Những vụ việc này đã dẫn tới tình trạng căng thẳng giữa lực lượng tuần duyên các nước. 

Bên cạnh đó, các vấn đề như tự do hàng hải hay khả năng Trung Quốc lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông cũng làm cho các quốc gia trong khu vực mất kiên nhẫn. Nếu xu hướng này tiếp tục, có khả năng quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á sẽ bị ảnh hưởng, điều có thể dẫn tới việc Bắc Kinh sẽ sớm mất bạn bè tại khu vực này. 

Thời gian qua, căng thẳng đã xuất hiện giữa Malaysia và Trung Quốc do sự xuất hiện của tàu hải giám Haijing số hiệu CCG-1123 tại vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á. Sau khi phát hiện tàu Trung Quốc ở gần bãi Luconia, cách Sarawak 90 hải lý về hướng Bắc, chính phủ Malaysia đã yêu cầu Hải quân và Cơ quan Thực thi Luật biển (MMEA) nước này triển khai tàu và máy bay tới theo dõi những hoạt động của tàu Trung Quốc. 

Báo chí địa phương dẫn lời Tư lệnh Hải quân Malaysia Abdul Aziz Jaafar đã bày tỏ quan ngại về vụ việc nêu trên, đồng thời khẳng định các lực lượng của nước này sẽ tiếp tục theo sát tàu Trung Quốc. Tư lệnh Jaafar đã thừa nhận rằng kể từ tháng 9/2014, các vụ tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Malaysia đã gia tăng.

"Ngày nào chúng tôi cũng thấy họ. Ngày nào chúng tôi cũng phản đối", ông Jaafar cho biết và bổ sung rằng không có phản ứng từ tàu Trung Quốc mỗi khi các lực lượng đề nghị tàu này rời khỏi vùng biển của Malaysia. 

Trong khi đó, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Malaysia Shahidan Kassim đã khẳng định bãi Luconia nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Do đó, nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành vi vi phạm như trên, Thủ tướng Malaysia Najib Rarak sẽ có kiến nghị trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 

Lịch sử những lần xâm phạm lãnh hải các quốc gia Đông Nam Á của tàu Trung Quốc đã có từ lâu. Philippines từng cáo buộc Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công ngư dân của họ rồi có những lần còn cố tình đâm thủng thuyền. 

Năm 2014, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết 2 tàu khảo sát thủy văn của Trung Quốc bị phát hiện thấy gần bãi Cỏ Rong, cách Palawan khoảng 80 hải lý, và trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. 

Tổng thống Aquino cho biết thêm tàu Trung Quốc thường bị phát hiện đang làm nhiệm vụ tuần tra tại bãi đá Thomas. Ngoài ra, vào tháng 5/2014, hai tàu khảo sát Trung Quốc cũng xuất hiện ở Galoc, một khu vực biển có tiềm năng ở phía Tây Palawan. Đầu năm nay, chính phủ Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế. Đây được coi là hành động phản đối mạnh mẽ của Manila sau những vụ va chạm trên biển thời gian qua. 

Còn tại vùng biển của Việt Nam, tàu Trung Quốc cũng có những hành động hiếu chiến gây hấn với Việt Nam. Một video đã được công bố cho thấy tàu Trung Quốc đã dùng vòi rồng phun nước vào tàu Việt Nam và máy bay Trung Quốc bay uy hiếp trên các tàu tuần tra của cảnh sát biển Việt Nam. Năm ngoái, Trung Quốc còn đưa giàn khoan thăm dò Hải Dương-981 tới vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. 

Ở một góc độ khác, ngư dân Trung Quốc cũng đánh bắt trái phép tại nhiều vùng biển trong đó có Biển Đông. Tổ chức Hòa bình Xanh mới đây đã ra báo cáo cho biết tàu đánh cá của Trung Quốc xuất hiện ở vùng phía Tây châu Phi. Hồi tháng 5/2015, chính phủ Indonesia cũng đã ra lệnh đánh chìm 41 tàu thuyền, trong đó có tàu đánh cá nặng 300 tấn Gui Xei Yu, của Trung Quốc vì đã đánh bắt trái phép trong vùng biển của nước này hồi năm 2009. Tuy nhiên, ngư dân Trung Quốc dường như không quan tâm tới vụ việc trên và tàu cá Trung Quốc sau đó lại được phát hiện thấy ở gần eo biển Makassar và Vịnh Tomini (Indonesia). 

Chuyên gia Sakhuja lập luận rằng những vụ va chạm với tàu thuyền Trung Quốc hay hoạt động cải tạo đảo của nước này ở Biển Đông thời gian qua có thể dẫn tới bế tắc ngoại giao với những hậu quả đáng tiếc. Dù Trung Quốc từng "lấy lòng" được nhiều quốc gia trong khu vực bằng các thỏa thuận kinh tế, nhưng với tình hình hiện nay, tác giả Vijay Sakhuja đánh giá các nước sẽ tẩy chay dự án xây dựng Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) mà Trung Quốc rất kỳ vọng. 

Ngoài ra, các quốc gia Đông Nam Á cũng có thể không tham gia dự án Con đường Tơ lụa trên biển mà giới lãnh đạo Trung Quốc từng giới thiệu và hy vọng sẽ là bước đột phá trong quá trình phát triển của nước này. 

Riêng về việc tại bãi Luconia, Bắc Kinh đang đứng trước nguy cơ mất đi một đối tác quan trọng tại khu vực Đông Nam Á. Malaysia hiện đang là nước giữ chức Chủ tịch ASEAN và tình hình hiện nay có thể dẫn tới việc nước này sẽ tham gia cùng các quốc gia trong khu vực phản đối mạnh mẽ các hành động và thái độ ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông. 

Ngọc Anh 
Tổng hợp