Vì đâu Kosovo biến thành "vườn ươm" cho IS?
Kosovo giờ đây là một vùng đất rất khác xưa - nơi "xuất khẩu" chủ yếu những tay súng Hồi giáo thánh chiến cho IS ở Syria và Iraq. Đó là kết quả của đồng tiền tài trợ từ Arập Xêút.
Kosovo, từng là một tỉnh của Cộng hòa Serbia thuộc Nam Tư cũ, từng là miếng mồi tranh giành ảnh hưởng địa chính trị của phương Tây với Nga, là niềm tự hào cho chiến thắng của sức hút đồng tiền và sự tôn vinh tội phạm...
Cuộc "xâm lăng" của các nhà truyền giáo Wahhabi
Cứ vào thứ sáu hàng tuần, cách bức tượng ông Bill Clinton chừng vài chục mét, hàng trăm thanh niên để râu bờm xờm tụ tập bên vệ đường làm lễ thánh tại một ngôi thánh đường nhỏ, tuềnh toàng.
Ngôi thánh đường này trước đây từng là một cửa hàng bán đồ trang trí nội thất, được tận dụng làm thánh đường, với sự tài trợ không phải từ các tổ chức, quốc gia từng là "ân nhân" tách Kosovo ra khỏi Serbia, mà từ một vương quốc Hồi giáo ở Trung Đông - Arập Xêút.
Kosovo ngày nay có hơn 800 thánh đường Hồi giáo, trong đó có 240 cái được xây dựng từ sau cuộc chiến Nam Tư năm 1999. Những nhà thờ xây sau này là sản phẩm của một chiến dịch truyền bá chủ nghĩa Wahhabi, một chiến dịch dài hơi được đầu tư bởi Arập Xêút nhằm tái thiết lại hình ảnh đạo Hồi không chỉ ở Kosovo mà còn trên toàn thế giới.
Enver Rexhepi, một imam ôn hòa ở thị trấn Gjilan cho biết, đồng tiền tài trợ của Arập Xêút đến Kosovo bằng con đường tài trợ từ thiện, thông qua các tổ chức từ thiện Hồi giáo. Sau cuộc chiến tàn khốc năm 1999, cộng đồng Hồi giáo ở Kosovo (chiếm 95% dân số) rơi vào tình trạng khốn đốn cùng cực, rất cần sự trợ giúp từ bên ngoài, và họ sẵn sàng đón nhận bất cứ sự trợ giúp nào. Đó chính là điểm thuận lợi đầu tiên để thế lực Hồi giáo cực đoan Wahhabi từ Arập Xêút truyền bá vào Kosovo.
Đồng tiền tài trợ từ Arập Xêút được đầu tư vào Kosovo theo hai hình thức: xây dựng thánh đường và tài trợ học bổng du học. Học bổng du học được cấp cho những thanh niên trẻ tuổi để họ sang Arập Xêút học cao đẳng, đại học và sau đó trở về Kosovo mang theo nhiệm vụ truyền bá tư tưởng Wahhabi.
Tính đến thời điểm hiện nay, đã có ít nhất 200 người Kosovo nhận học bổng sang Arập Xêút du học rồi trở về đảm nhận vai trò imam chủ trì các thánh đường do Arập Xêút tài trợ. Ở độ tuổi 30, các imam này tỏ ra là những nhà truyền giáo Wahhabi rất hăng hái, nhiệt tình, sẵn sàng trừng trị bất cứ ai không tuân theo giáo lệnh.
Từ năm 2004, các imam trẻ tuổi sau khi du học ở Arập Xêút trở về bắt đầu công việc truyền bá tư tưởng Hồi giáo cực đoan bằng cách thuyết giảng ở các thánh đường cũ tại các trung tâm đô thị lớn, đồng thời dùng tiền tài trợ từ Arập Xêút để lập ra các tổ chức từ thiện và xây dựng các thánh đường ở các thị trấn nhỏ, vùng nông thôn hẻo lánh nhằm truyền bá giáo lý Wahhabi.
Những thánh đường lâu đời hàng thế kỷ, như thánh đường 400 năm tuổi ở thị trấn Gjakova, bị san ủi để thay thế bằng những tòa thánh đường mới. Từ các thánh đường mới này, các imam bắt đầu truyền dạy cho trẻ em Kosovo và những người dân theo đạo Hồi một thứ giáo lý xa lạ đối với họ.
Các tổ chức từ thiện Arập Xêút thường trả tiền lương và các chi phí hoạt động khác và tài trợ các khóa học về tôn giáo, cũng như các khóa học tiếng Anh. Nhưng tiền tài trợ này luôn kèm theo điều kiện. Các gia đình nhận tiền tài trợ học hành cho con cái mình buộc phải đến dự các buổi lễ cầu nguyện trong thánh đường và phụ nữ, trẻ em gái phải mang tấm che mặt.
Dần dần, trẻ em và người lớn hành lễ không theo cách truyền thống ở Kosovo nữa mà ngày càng trở nên nghiêm khắc hơn. Các imam Wahhabi cực đoan diễn giải Kinh Koran theo hướng nghiêm khắc đến cực đoan.
Các trẻ em trai và gái không được phép bắt tay nhau. Các imam còn tuyên truyền cho trẻ em và người dân địa phương tư tưởng "tử vì đạo", dùng bạo lực thánh chiến để duy trì trật tự xã hội, cho phép giết chết những người theo Hồi giáo ôn hòa, không tuân theo đường lối của họ.
Trở thành vùng đất Hồi giáo cực đoan
Nhưng vấn đề nghiêm trọng không nằm ở đó, mà chính là sự lan truyền của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và khủng bố, là việc các imam và một số tổ chức từ thiện bí mật tuyển mộ người đưa sang Syria và Iraq tham gia thánh chiến.
Trong 17 năm sau cuộc chiến Nam Tư, Kosovo được đặt dưới sự giám sát của lực lượng hỗn hợp quốc tế tại Kosovo, gọi tắt là KFOR, với hàng chục ngàn binh sĩ đa quốc gia trú đóng. Nhưng cũng ngần ấy thời gian và với ngần ấy quân đội kiểm soát, xã hội Hồi giáo ôn hòa Kosovo vẫn bị đồng tiền và sức ảnh hưởng mạnh của thế lực Hồi giáo cực đoan biến thành một xã hội cực đoan theo kiểu Trung Đông.
Kosovo hiện đang trở thành một trong những địa phương ở châu Âu "xuất khẩu" các tay súng thánh chiến sang Syria và Iraq cho IS.
Dân số chỉ có khoảng 1,8 triệu người, nhưng Kosovo có số người tham gia IS khá đông, 314 người, trong đó có 2 kẻ đánh bom liều chết, 44 phụ nữ và 28 trẻ em. Đây là tỉ lệ tham gia IS cao nhất ở châu Âu tính trên quy mô dân số. Họ bị cực đoan hóa và tuyển mộ bởi lực lượng các imam cực đoan và các tổ chức, hiệp hội bí mật do Arập Xêút tài trợ.
Imam Enver Rexhepi từng là nạn nhân của những kẻ cực đoan theo tư tưởng Wahhabi. Ông kể, vào năm 2004, do bất đồng về tư tưởng giữa ông và một sinh viên Hồi giáo Wahhabi trẻ tuổi tên là Zekirja Qazimi mà ông bị những kẻ bịt mặt bắt cóc và đánh đập dã man. Sau đó, Rexhepi tố cáo Qazimi với cảnh sát nhưng cuộc điều tra không có kết quả do không có bằng chứng buộc tội anh ta.
Mười năm sau, năm 2014, sau khi hai người Kosovo trẻ tuổi thực hiện các vụ nổ bom tự sát tại Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà điều tra mở rộng cuộc điều tra để truy tìm nguồn phát sinh chủ nghĩa cực đoan. Qazimi bị bắt cũng tại khu rừng nơi anh ta đã bắt cóc Rexhepi.
Trước khi bị bắt, Qazimi đã tạo được ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng Hồi giáo ở Kosovo, với sự tài trợ, hậu thuẫn của các lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Ai Cập, Arập Xêút và một số quốc gia khác trong khu vực. Sau hai năm mở rộng điều tra, cảnh sát Kosovo đã buộc tội 67 người, bắt giữ 14 imam và đóng cửa 19 tổ chức Hồi giáo do hoạt động đi ngược lại Hiến pháp, kích động thù hận và tuyển mộ người cho khủng bố.
Trong phiên xử vừa kết thúc hôm 20-5, Qazimi đã bị tòa án tuyên mức án 10 năm tù cho các tội danh khủng bố. Qazimi bị cáo buộc đã tổ chức các khóa đào tạo mùa hè để tuyển mộ và huấn luyện các thánh chiến quân sau đó đưa sang Syria và Iraq để tham gia thực hiện các hoạt động khủng bố. Trong số các "học viên" do Qazimi tuyển mộ có cả ba người từng là nhân viên các công ty làm việc tại Camp Bondsteel, nơi các lực lượng KFOR trú đóng.
Trong quá trình điều tra, cảnh sát Kosovo phát hiện ra tổ chức đứng sau tài trợ cho 19 tổ chức từ thiện ở Kosovo là Al Waqf al Islam, một tổ chức Hồi giáo bí mật của Arập Xêút ra đời từ năm 1989, hoạt động bao trùm ở vùng Balkan. Hầu hết nguồn tài chính cho hoạt động của tổ chức này đến từ Arập Xêút, Qatar, Kuwait và Bahrain.
Al Waqf al Islam có văn phòng tại Pristina. Các nhà điều tra cũng phát hiện từ giữa những năm 2000 đến 2010, đồng tiền và các giáo sĩ Wahhabi do Arập Xêút đào tạo đã gây ảnh hưởng sâu sắc lên cộng đồng Hồi giáo Kosovo, tạo nên một "vườn ươm" khổng lồ tư tưởng Hồi giáo cực đoan, trong đó các giáo sĩ cực đoan như Qazimi mặc nhiên tuyển mộ và đào tạo người cho khủng bố.
Hầu hết các hoạt động của tổ chức Al Waqf al Islam tại Kosovo không được ghi nhận rõ ràng, hồ sơ giấy tờ không thể hiện rõ số tiền tài trợ đã được chi cho những việc gì. Nhưng theo báo cáo điều tra, hơn 1 triệu euro đã được chi cho việc xây dựng thánh đường Wahhabi, và khoảng 1,5 triệu euro nữa được phân phối cho các imam để phục vụ cho các hoạt động bí mật không được thể hiện trên giấy tờ.
Chính quyền Kosovo bất lực
Trước thực trạng cực đoan hóa người Hồi giáo ở Kosovo, dư luận đặt câu hỏi tại sao KFOR và chính quyền do họ dựng lên ở Kosovo không có hành động gì trong thời gian dài để ngăn chặn sự lan truyền của chủ nghĩa cực đoan? Đây đang là một vấn đề gây tranh cãi quyết liệt ở Kosovo và cả trong nội bộ KFOR.
Từ năm 2004, "Thủ tướng" Kosovo khi đó là Bajram Rexhepi đã cố gắng ban hành một luật nhằm cấm các giáo phái cực đoan hoạt động tại Kosovo. Nhưng, trong một phát biểu gần đây, Rexhepi nói rằng điều đó sẽ vi phạm "quyền tự do tôn giáo"!? Rexhepi cho rằng, thời điểm đó, việc ngăn cấm chủ nghĩa cực đoan không phải là mối bận tâm của phương Tây, cho nên họ chẳng muốn làm gì cả. Nhưng như thế không phải là không ai biết đến mối nguy hại của chủ nghĩa cực đoan tại Kosovo.
Richard C. Holbrook, cựu đặc phái viên Mỹ tại Balkans đã từng cảnh báo các lãnh đạo Kosovo là "đừng hợp tác với Ủy ban liên hợp Cứu trợ Kosovo", vốn là một tổ chức bao trùm của các tổ chức từ thiện tham gia xây dựng các thánh đường Hồi giáo sau chiến tranh Nam Tư.
Bên cạnh đó, ông Holbrook cũng cảnh báo chính quyền Kosovo không nên hợp tác với một tổ chức từ thiện khác của cựu Bộ trưởng Nội vụ Arập Xêút, Hoàng tử Naif bin Abdul-Aziz. Một năm sau lời cảnh báo đó, chi nhánh tổ chức này tại Kosovo bị đóng cửa do bị nghi ngờ có dính líu đến Al-Qaeda. Một tổ chức khác nữa tên là Al-Haramain cũng bị Bộ Tài chính Mỹ liệt vào danh sách có liên quan đến khủng bố.
Trong những năm gần đây, Arập Xêút đã giảm hẳn tài trợ cho Kosovo, chỉ còn khoảng 100.000 euro một năm, theo số liệu Ngân hàng Trung ương Kosovo. Thay vào đó , mỗi năm Kosovo vẫn nhận được 1 triệu euro từ Kuwait, Qatar và UAE.
Tuy các quốc gia Arập này đã cải thiện nhiều trong việc kiểm soát các tổ chức Hồi giáo cực đoan, nhưng mức độ ảnh hưởng của chủ nghĩa cực đoan tại Kosovo ngày nay vẫn còn rất nặng nề. Đặc biệt là, các vị trí lãnh đạo cấp cao trong tổ chức Cộng đồng Hồi giáo Kosovo hiện vẫn hiện diện nhiều giáo sĩ cực đoan đã được đào tạo từ Arập Xêút trước đây. Điều đó giải thích tại sao Kosovo hiện là quốc gia có tỉ lệ dân theo IS cao nhất châu Âu.
Theo Nguyên Khang (tổng hợp)
An ninh thế giới