1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vết thương sắc tộc khó lành

Vết thương sắc tộc trong lòng nước Mỹ dường như chưa lành khi một lần nữa tiếng súng lại nổ ở thành phố Dallas, bang Texas. Một công dân da màu bắn hạ 5 cảnh sát Mỹ để trả thù việc cảnh sát bắn chết người gốc Phi đã cho thấy việc giải quyết mâu thuẫn sắc tộc vẫn là “giấc mơ thế kỷ” của nước Mỹ.

Thực tế mà nói, bạo lực của cảnh sát là một vấn đề nhức nhối nhiều năm tại Mỹ. Lý do là người Mỹ được tự do sở hữu súng và cảnh sát lúc nào cũng nơm nớp với ý nghĩ là nếu mình không kịp ra tay thì nguy cơ bị bắn là rất lớn. Nhưng điều đáng nói ở đây là sự kỳ thị chủng tộc đã hằn sâu vào ý thức của một bộ phận lực lượng cảnh sát vốn đa số là người da trắng khi họ luôn có định kiến rằng người da màu đồng nghĩa với “thành phần nguy hiểm”. Và chính nó gây lo ngại về một câu chuyện lớn hơn - vấn đề mâu thuẫn sắc tộc tại Mỹ.

Hơn 50 năm trước, trong bài phát biểu lịch sử “I have a dream” (Tôi có một giấc mơ), nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King đã thể hiện khát khao mãnh liệt của người da màu tại Mỹ về một xã hội công bằng và bình đẳng cho mọi sắc tộc. Giấc mơ của Luther King không phải là một sự ngẫu nhiên. Trong lịch sử, mâu thuẫn sắc tộc và kỳ thị người da màu luôn là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong chính trị và xã hội Mỹ. Thậm chí cho đến hôm nay, hơn 5 thập kỷ sau bài diễn văn lịch sử của Luther King, mâu thuẫn sắc tộc vẫn là căn bệnh kinh niên bám rễ trong xã hội đa sắc tộc của Mỹ, hiện hữu trong đời sống hằng ngày của người dân Mỹ.

Các cuộc khảo sát gần đây đã chỉ ra rằng, người da màu vẫn là một cộng đồng tụt hậu về kinh tế, giáo dục và xã hội nếu so sánh với người da trắng. Dù cho người da màu đã được hưởng nhiều quyền lợi bình đẳng với người da trắng nhưng cuộc sống của người da màu tại Mỹ vẫn khá chật vật.

Thái độ thiếu quan tâm đến cộng đồng người da màu không chỉ thể hiện ở thành kiến sắc tộc, sự nghi ngờ, nỗi sợ hãi qua lời nói hay hành động mà còn thể hiện trong các hệ thống và thể chế công lý. Phân tích khảo sát hiện nay cho thấy, con số người da màu thất nghiệp vẫn cao hơn người da trắng, lương bổng thấp hơn, trong khi tỷ lệ tù tội lại cao hơn người da trắng. Cùng với đó, các cuộc nổ súng hướng vào những người da màu vẫn liên tục xảy ra như cứa sâu thêm vào vết sẹo chưa bao giờ lành trong xã hội Mỹ

Nhưng điều đó không có nghĩa là nước Mỹ không nỗ lực hàn gắn vết thương chủng tộc.

5 thập kỷ sau bài phát biểu của Luther King, không thể phủ nhận một thực tế là giấc mơ đã được hiện thực hóa phần nào. Cộng đồng người Mỹ gốc Phi ngày nay đang ngày càng có vị thế trong đời sống chính trị và xã hội của xứ Cờ hoa. Họ được hưởng nền giáo dục bình đẳng cũng như quyền công dân bình đẳng (đi bầu cử). Đặc biệt, sự kiện Thượng nghị sĩ Barack Obama trở thành vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử, như một minh chứng về sự bình đẳng giữa các chủng tộc ở Mỹ.

Cùng với đó, kể từ khi lên nắm quyền, đặc biệt từ sau các vụ cảnh sát nổ súng bắn người da màu, Tổng thống Obama đã công bố nhiều kế hoạch nhằm giải quyết vấn đề mâu thuẫn sắc tộc. Kể từ năm 2014 đến nay, chính quyền 24 bang đã áp dụng ít nhất 40 biện pháp ngăn chặn nạn cảnh sát bạo hành người da đen, như gắn máy quay lên đồng phục cảnh sát, giáo dục lại về định kiến màu da, mở các cuộc điều tra độc lập đối với các trường hợp cảnh sát sử dụng vũ lực, giới hạn các loại trang bị dành cho cảnh sát từng địa phương.

Đến đây, câu hỏi đặt ra là nếu như thế, tại sao vết thương sắc tộc của nước Mỹ vẫn chưa lành?

Hiển nhiên, sự hàn gắn không thể chỉ đến từ một phía. Sự chia rẽ cũng thế.

Trên thực tế, do bị đối xử phân biệt lâu dài, người da màu vẫn phải đối đầu với nhiều vấn đề. Sự thiếu thốn về vật chất, giáo dục, y tế… là nguyên nhân dẫn đến gia tăng các hành vi phạm pháp của một bộ phận người da màu. Trong các nhà tù ở Mỹ, người Mỹ gốc Phi chiếm tới 40% số tù nhân dù đối tượng này chỉ chiếm 13% dân số Mỹ (khoảng 45 triệu người). Phần là bị oan từ định kiến xã hội, nhưng không thể phủ nhận phần khác là do thực sự phạm tội.

Cũng không thể không kể đến những vụ bạo lực có liên quan đến người da màu mà bắt nguồn từ sự thiếu lòng tin cộng mặc cảm đối với cộng đồng da trắng và hệ thống chính trị. Hẳn người ta vẫn còn nhớ một người da màu đã lạnh lùng xả 8 phát đạn vào 2 đồng nghiệp ở Đài truyền hình WDBJ ở Moneta, bang Virginia (Mỹ) hồi năm ngoái vì cho rằng một trong 2 nạn nhân đã có những từ ngữ phân biệt chủng tộc với thủ phạm.

Trong khi đó, sau vụ nổ súng ở Dallas, nhiều vụ nổ súng bắn cảnh sát đã xảy ra ở 3 bang Georgia, Missouri và Tennessee. Những sự việc như thế cũng phần nào khiến cho định kiến đối với người da màu càng sâu hơn, cản trở những nỗ lực hàn gắn.

Trong bài phát biểu hôm 10-7, Thị trưởng thành phố Dallas Mike Rawlings hối thúc người dân Mỹ phải thừa nhận vấn đề mâu thuẫn sắc tộc đang là thách thức lớn với nước này, đồng thời kêu gọi người dân cùng đứng lên để chữa lành những vết thương của sự phân biệt.

Nhưng để giải quyết được vấn đề mâu thuẫn sắc tộc không phải là chuyện một sớm một chiều, bởi nó đã hằn sâu trong xã hội Mỹ. Bất kỳ sáng kiến nào nhằm đạt được sự hòa hợp cũng đòi hỏi nhiều nguồn lực, nỗ lực bền bỉ và thiện chí. Nước Mỹ chỉ có thể giải quyết các bức xúc về sắc tộc nếu người dân, các nhóm lợi ích và các chính trị gia cùng đoàn kết chung tay.

Theo Ngọc Hà

Quân đội nhân dân