1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vết thương dai dẳng của những nô lệ tình dục IS tại Mosul

(Dân trí) - Cuộc chiến giải phóng Mosul, Iraq tuy đã kết thúc và các nô lệ tình dục được cứu thoát từ những địa ngục trần gian. Tuy nhiên, những tổn thương về những trận cưỡng hiếp, đòn roi, bạo hành có lẽ sẽ in hằn dài lâu trong tâm trí họ.

Souhayla, nô lệ tình dục của IS. (Ảnh: New York Times)
Souhayla, nô lệ tình dục của IS. (Ảnh: New York Times)

Souhayla, 16 tuổi, nằm trên tấm đệm ở góc sàn nhà, yếu ớt đến mức không thể ngẩng đầu lên được. Bác của cô ở bên cạnh cố gắng cho cháu uống nước, nhưng cô gái dường như không thể nuốt nổi. Giọng nói lộ rõ sự suy kiệt, Souhayla thậm chí không thể nói ra thành tiếng đủ để nghe.

Souhayla đã trốn thoát khỏi khu vực giao tranh ác liệt nhất Mosul, sau khi tên phiến quân giam giữ cô bị tiêu diệt trong một trận không kích. Sau 3 năm bị giam giữ như nô lệ tình dục, hứng chịu những trận cưỡng hiếp hàng loạt, cô đã được bác miêu tả tình trạng hiện nay bằng một từ: “sốc”.

Trong vòng hơn 1 năm trước khi trốn thoát, ông Taalo, bác của Souhayla, đã biết được vị trí cháu mình bị giam giữ, biết cả tên kẻ phiến quân giam giữ cháu mình, nhưng quá nguy hiểm để giải cứu. Chỉ đến khi tên phiến quân bỏ mạng, Souhayla mới có cơ hội để chạy thoát.

Ông Taalo kể rằng giây phút Souhayla đoàn tụ với gia đình, cô dường như vẫn bình thường, vẫn khóc, cười. Nhưng sau một vài giờ sau đó, cô đã trở nên hoàn toàn im lặng. Các bác sỹ chữa trị cho Souhayla đã chẩn đoán cô bị nhiễm trùng đường tiểu và suy dinh dưỡng.

Triệu chứng của Souhayla cũng gần tương tự với triệu chứng của 2 chị em giấu tên thuộc cộng đồng Yazidi, 20 và 26 tuổi. Hai nạn nhân này đã bị các phiến quân cưỡng hiếp và thậm chí sinh con cho chúng. Điều bi kịch là khi được giải thoát, họ đã từ chối nuôi dưỡng 3 đứa trẻ và những người ở trại tị nạn buộc phải làm giấy tờ bàn giao những đứa trẻ cho nhà nước.

Theo báo cáo của Cục cứu trợ người Iraq, có khoảng 180 phụ nữ, trẻ em, thiếu nữ thuộc cộng đồng thiểu số Yazidi bị bắt giữ từ năm 2014 đã được giải thoát khỏi sự giam giữ của IS.

Các phụ nữ được giải thoát sau 2 năm đầu tiên bị giam giữ trở về với những vết thương nhiễm trùng, chân tay bị gãy, và mang ý định tự sát. Tuy nhiên, những người bị giam giữ lâu hơn như Souhayla phải đối diện với chấn thương nặng hơn, có dấu hiệu sang chấn tâm lý. Bác sỹ phụ khoa Nagham Nawzat Hasan, người đã điều trị cho hơn 1.000 người bị cưỡng hiếp, mô tả về các nạn nhân bằng những cụm từ “mệt mỏi”, “vô thức”, “sốc nặng nề về mặt tâm lý”.

Thành phố Mosul của Iraq đã rơi vào tay phiến quân IS và bị biến thành thành trì của IS tại Iraq, bên cạnh thành trì Raqqa tại Syria. Sau nhiều tháng giao tranh, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi ngày 10/7 đã chính thức tuyên bố Mosul được giải phóng sau 3 năm bị IS chiếm đóng.

Đức Hoàng

Theo NYT