1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vết nhơ của Colin Powell

“Đó là vết nhơ. Tôi là người đã tố cáo (chuyện Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt) với toàn thế giới. Điều đó luôn làm tôi đau lòng”. Cựu ngoại trưởng Mỹ Colin Powell nay thừa nhận điều đó trong một trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình Mỹ ABC hôm 8/9.

Bài diễn văn của ông đọc trước LHQ vào tháng 2/2003 với những chi tiết đầy chất tố cáo đã làm tăng thêm tính đáng tin cậy cho những lời kết án của Tổng thống Bush đối với chính quyền Saddam Hussein và như là sự biện minh cho cuộc chiến của Mỹ tại Iraq.

 

Trong báo cáo lần đó, ông Powell hùng hồn giải thích rằng mình dựa trên những thông tin do CIA cung cấp. Nay thì ông thừa nhận trước ống kính truyền hình rằng “hệ thống tình báo lúc đó hoạt động không tốt”. Ông kết luận: “Điều đó đã giáng cho tôi một cú tệ hại”.

 

Những gì ông Powell thú nhận trên truyền hình ắt hẳn sẽ làm Tổng thống Bush thất vọng. Ông Powell nay thừa nhận mình chỉ là “một chiến binh bất khả kháng”: “Khi tổng thống quyết định là không dung thứ cho chính quyền (Saddam Hussein) tiếp tục vi phạm mọi nghị quyết của LHQ thì tôi đã đồng ý với ông ấy về việc dùng vũ lực”.

 

Cùng ngày, một chuyên gia đã khẳng định cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ là kém hiệu quả vì tiêu tốn nhiều tiền mà cứu sống được ít mạng người. Tiến sĩ Erica Frank của Đại học Y Emory tại Atlanta cho rằng lẽ ra tiền dùng cho chiến tranh nên được đầu tư nghiên cứu và phòng ngừa thiên tai.

 

Trong bài viết của mình đăng trên tạp chí y học British Medical Journal, tiến sĩ Frank dẫn ra các số liệu cụ thể: trong sự kiện 11/9/2001 có 3.400 người thiệt mạng nhưng cũng trong cùng ngày có 5.200 người Mỹ thiệt mạng vì bệnh tật, tai nạn và thiên tai.

Theo bà, nếu xài tiền đúng chỗ sẽ bớt đi những nhân mạng chết oan uổng. Bà dẫn chứng: “Tháng 9/2002, chính quyền New York chi 1,3 triệu USD để nghiên cứu phòng chống bệnh tim mạch, loại bệnh đang làm thiệt mạng nhiều người dân New York nhất, trong khi bang lại chi đến 34 triệu USD cho đối phó khủng bố sinh học”.

 

Bà dẫn chứng chuyện gần nhất là chính quyền liên bang cắt kinh phí để tu bổ đê điều ở New Orleans khiến đê vỡ trong bão làm cả thành phố chìm trong biển nước. Bà đặt câu hỏi như một cách cật vấn chính quyền: “Nếu gọi là đầu tư chống khủng bố để bảo vệ người Mỹ thì câu hỏi là đồng đôla tiêu ở Iraq tốt hơn hay ở đây tốt hơn?”.

 

Theo Tú Anh

Tuổi trẻ/AFP, AP