1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

“Văn hóa phong bì” - vấn nạn của báo chí quốc tế

Chống tiêu cực trong báo chí cũng là một mặt trận của chống tham nhũng. Làng báo Nhật có từ omiyage; báo Hàn Quốc có từ ch’ongi; báo Indonesia có từ wartawan amplop và tại Mỹ, người ta thường nhắc đến loại nhà báo envelope journalist.

Tất cả đều nhắc đến hiện tượng “phong bì phong bao” trong giới báo chí. “Nhà báo phong bì” không hiếm. Có trường hợp nhà báo biến chất lạm dụng nghề nghiệp để “ăn” nhưng cũng có nhà báo bị đặt vào thế “phải nhận”…

“Phong bì” gợi ý

Trên chuyên san Columbia Journalism Review, Robert Love - giáo sư trợ giảng Đại học Báo chí Columbia (một trong những trường đào tạo báo chí số một Mỹ) - đã nhắc đến vụ phóng viên Jared Paul Stern vòi vĩnh 220.000USD từ tỉ phú Ronald Burkle. Sự việc từng trở thành ngòi nổ loạt tranh luận liên quan vấn đề đạo đức báo chí.

Scandar được New York Daily News miêu tả như sau. 16 giờ ngày 22-3-2006, tại nhà riêng của tỉ phú Ronald Burkle (kinh doanh siêu thị; nhà gây quỹ nổi tiếng của đảng Dân chủ), chủ nhà tiếp phóng viên Jared Paul Stern và có cuộc nói chuyện kéo dài khoảng 1 giờ.

Ngày 31-3-2006, hai người lại gặp nhau - như kết quả cuối cùng của cuộc dàn xếp vào lần gặp trước. Cụ thể, Stern “mơi” Burkle 220.000USD để đổi lấy sự “im lặng” trong một năm không bị lôi ra chi tiết tiêu cực trong đời sống cá nhân lên mặt báo, chẳng hạn quan hệ với “các em người mẫu”.

“Văn hóa phong bì” - vấn nạn của báo chí quốc tế
Cây bút kỳ cựu Doug Bandow phải từ chức khỏi Viện Cato khi thừa nhận có nhận phong bì từ chuyên gia vận động hành lang Jack Abramoff

Chết nỗi, Jared Paul Stern không hề biết rằng, hai buổi “làm tiền” của mình đã bị bí mật ghi hình toàn bộ vụ mặc cả và Stern bị sa thải.

Trước khi xảy ra scandar, Stern viết bình luận cho cột Page Six trên tờ New York Post đồng thời làm biên tập cho Tạp chí Page Six The Magazine… Trước vụ Jared Paul Stern, cây bút kỳ cựu Doug Bandow cũng từ chức khỏi Viện Cato (một tổ chức nghiên cứu độc lập có uy tín) ngày 15-12-2005, khi thừa nhận có nhận lót tay từ chuyên gia vận động hành lang Jack Abramoff để viết khoảng 12-14 bài mang nội dung tích cực cho các khách hàng của Abramoff.

Cần nói thêm, Bandow từng là trợ lý đặc biệt của Tổng thống Ronald Reagan. Một tùy viên Abramoff cho biết, Bandow và một chuyên gia bình luận chính trị khác từng nhận 2.000USD/bài. Nhân vật thứ hai được nhắc đến trong vụ này là Peter Ferrara, cố vấn chính sách cấp cao thuộc Viện Chính sách Cải cách, với nhiều bài viết trong đó có bài đăng trên Washington Times…

“Phong bì” lót tay

Chủ động làm tiền bằng cách hù dọa kiểu Jared Paul Stern là một “biến thái” méo mó trong hoạt động báo chí và nhận tiền để bẻ cong ngòi bút cũng là một kiểu biến thái nữa. Năm 2005, báo chí Mỹ từng rùm beng vụ Nhà Trắng lẫn Lầu Năm Góc “đi đêm” với một số nhà báo nhằm tranh thủ ủng hộ một số chính sách nhà nước liên bang. Người thứ nhất là Michael McManus, cây bút phụ trách chuyên mục “Đạo đức và tôn giáo” cho 50 tờ báo Mỹ (Washington Times, Dallas Morning News, Charlotte Observer…).

Theo điều tra Salon Magazine, Michael McManus là “lính đánh thuê” của Bộ Y tế và Dịch vụ cộng đồng Hoa Kỳ (được trả 10.000USD cho chiến dịch tuyên truyền Sáng kiến hôn nhân lành mạnh cộng đồng của Tổng thống Bush). Theo Los Angeles Times, McManus nhận phong bì từ một hãng tư vấn làm việc cho Bộ Y tế và dịch vụ cộng đồng. Ngoài khoản tiền nêu trên, đương sự còn được trả tiền đi công tác, cùng 49.000USD cho tổ chức Marriage Savers Inc của mình.

“Văn hóa phong bì” - vấn nạn của báo chí quốc tế
 
Cây bút Howard Kurtz (Washington Post) phanh phui thêm Bộ Y tế cũng từng mua nhà báo Maggie Gallagher với giá 41.500USD trong hai “hợp đồng” để viết bài ủng hộ chính sách y tế Nhà Trắng. Còn USA Today cho biết, Bộ Giáo dục Hoa Kỳ - qua hợp đồng với Công ty Quan hệ đối ngoại Ketchum - đã chi cho Armstrong Williams (cây bút quen thuộc viết cho CNN và CNBC) 241.000USD để được viết tốt cho chương trình giáo dục No Child Left Behind (một trong những “chủ điểm” trong chính sách đối nội nhiệm kỳ hai của Tổng thống Bush).

USA Today tiết lộ Nhà Trắng đã xài cho các công ty quan hệ đối ngoại 250 triệu USD nhằm thực hiện chiến dịch tuyên truyền chính sách của mình. Theo CBS News, Nhà Trắng đã chi 88 triệu USD cho các hợp đồng “quan hệ đối ngoại” chỉ trong năm 2004. Và không chỉ Nhà Trắng, theo Los Angeles Times, Lầu Năm Góc đã dúi tay cho một số tờ báo Iraq nhằm tung ra các bài viết mang nội dung tích cực về tình hình Iraq…

Tuyên chiến với “văn hóa lì xì”!

Dù chủ động hoặc bị động, “văn hóa phong bì, phổ biến trong giới truyền thông, cũng làm giảm tính trung thực báo chí và bản thân nhà báo” - phát biểu của Heru Hendratmoko, Chủ tịch Liên minh các nhà báo độc lập (AJI), tại buổi ra mắt chiến dịch chống hối lộ và nhận hối lộ tổ chức tại Jakarta tháng 5-2015.

“Chúng ta bây giờ phải chịu trách nhiệm trong cuộc chiến chống tham nhũng trong báo chí” - nhấn mạnh thêm của Christopher Warren, Chủ tịch Liên đoàn Báo chí thế giới (IFJ) - “Chúng ta cần nhiều chiến dịch hơn để chống lại nạn “nhà báo phong bì”. Theo AJI, 85% trong 400 nhà báo khảo sát tại Indonesia đều thừa nhận từng nhận phong bì.

Tổng biên tập Tạp chí Tempo, Bambang Harimurti, cho biết cơ quan mình chỉ cho phép nhà báo nhận quà kỷ niệm trị giá dưới 6USD… Ở Mỹ, vấn đề nhà báo và phong bì cũng là quan tâm xã hội. Một thăm dò của Gallup cho thấy dư luận chung tại Mỹ nhìn nhà báo thậm chí tiêu cực hơn cả ngân hàng và viên chức nhà nước.

Cuộc khảo sát với chi phí thực hiện một triệu USD do Đại học Connecticut tiến hành cho biết, 50% học sinh phổ thông nói rằng, giới chức trách nên giám sát nhiều hơn đối với báo chí. Cách đây ba năm, một khảo sát toàn cầu phối hợp giữa nhiều trường đại học và viện nghiên cứu (trong đó có Ngân hàng Thế giới, Mạng Báo chí quốc tế, Viện Quan hệ công chúng Hoa Kỳ…) đã xếp hạng mức độ trong sạch báo chí thế giới, với Phần Lan nằm đầu bảng trong 66 quốc gia và Trung Quốc cùng một số nước châu Á nằm gần cuối bảng.

Làng báo Trung Quốc chẳng lạ gì “văn hóa lì xì”. Theo kết quả khảo sát, “lì xì” chiếm trung bình 21% thu nhập phóng viên và tiền hối lộ có thể chiếm 1/4 hoặc 1/3 thu nhập tòa soạn (phóng viên đi “tác nghiệp” nhận lì xì phải lại quả cho các vị trưởng phòng, ban trực tiếp điều hành).

Từ năm 1993, Cục Báo chí - Xuất bản thuộc Bộ Văn hóa Thông tin Trung Quốc từng nghiêm cấm tất cả cơ quan báo chí hoặc phóng viên nhận “tiền cám ơn” hoặc quà cáp biếu xén bằng bất kỳ hình thức nào. Chỉ riêng ở khoản này, có thể thấy vấn đề còn phức tạp ở lối hành xử theo thói quen văn hóa, khi xã hội góp phần làm “hư” nhà báo. Chống tham nhũng trong báo chí còn là vấn đề tiêu diệt hình thức ứng xử kiểu hối lộ và nhận hối lộ trá hình như vậy.

Tháng 9-2014, vì liên quan website 21st Century Net có 8 người bị bắt về tội nhận hối lộ, có cả tổng biên tập và tổng thư ký tòa soạn. Trong vài năm, ban lãnh đạo 21st Century Net đã “ăn” đến 50 triệu USD từ hơn 100 công ty. Văn hóa phong bì trong làng báo Trung Quốc bùng nổ gần như không thể kiểm soát.

Năm 2002, hai phóng viên Tân Hoa Xã đã nhận không phải tiền mà là... vàng thỏi để bưng bít loạt sự cố tai nạn hầm lò mỏ than. Năm 2009, 10 nhà báo Trung Quốc bị kết tội nhận hối lộ hơn 300.000USD để che giấu một sự cố hầm mỏ làm thiệt mạng hàng chục người.

Theo Cao Minh
PetroTimes