1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vấn đề Biển Đông “nóng” trước Diễn đàn Khu vực ASEAN

(Dân trí) - Những hoạt động ngoại giao liên quan đến căng thẳng ở Biển Đông đã dồn dập trong vài ngày qua, trước khi các lãnh đạo khu vực họp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 18 tại đảo Bali, Indonesia từ ngày 19-23/7.

 
Vấn đề Biển Đông “nóng” trước Diễn đàn Khu vực ASEAN - 1
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm (hàng đầu, thứ hai từ trái sang) chụp ảnh chung cùng trưởng đoàn các nước thành viên tham dự ARF tại Hà Nội tháng 7/2010. (Ảnh: Phan Anh)

ASEAN

Kể từ hội nghị tại Hà Nội một năm trước, tình hình tranh chấp biển đảo tại Đông Nam Á ngày càng trở nên căng thẳng, khiến ASEAN có hy vọng dùng diễn đàn khu vực năm nay để hoàn tất bản quy tắc hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm tìm ra một giải pháp chung.

Hiện cộng đồng quốc tế cũng như ASEAN không chấp nhận việc Trung Quốc đòi chủ quyền đối với Biển Đông, một đòi hỏi được cho là đi ngược lại thông lệ quốc tế.

Trung Quốc và ASEAN đã ký DOC năm 2002 nhằm giải quyết một cách hòa bình những tranh chấp ở Biển Đông, với mục tiêu đề ra là hướng tới một bộ luật. Thế nhưng cho đến nay, phía Trung Quốc vẫn tránh ký kết một thỏa thuận mang tính ràng buộc. Trước mắt, các nước Đông Nam Á và Trung Quốc cố gắng đạt được đồng thuận về bộ quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC làm cơ sở cho việc soạn thảo bộ luật.

Tổng Thư ký ASEAN hy vọng sẽ hoàn tất văn bản quan trọng này vào cuối năm nay và các bên liên quan sẽ thông qua vào năm tới, tại Campuchia, đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày ký kết DOC. Bản dự thảo quy tắc hướng dẫn sẽ giúp ASEAN xây dựng bộ luật về ứng xử và đây là mục tiêu cuối cùng, có tầm quan trọng sống còn đối với các nước Đông Nam Á.

Ngày 20/7, các quan chức cao cấp của ASEAN và Trung Quốc sẽ thảo luận về dự thảo bổ sung này trước khi đệ trình lên hội nghị bộ trưởng Ngoại giao của hai nhóm nước, sẽ họp vào ngày 21/7 tại Bali.

Philippines

Là một trong nhiều thành viên ASEAN kiên quyết phản đối những động thái xâm lấn và gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng Philippines cũng vẫn phải tỏ thiện chí muốn giải quyết tranh chấp bằng đường lối thương thuyết, bằng biện pháp ngoại giao hòa bình, trong khi cũng tỏ lập trường cứng rắn về quân sự.

Ngoại trưởng Philíppines Albert del Rosario tuần trước đã thăm Trung Quốc, với vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nổi bật trong nghị trình. Trước đó, ông del Rosario đã có chuyến thăm dài ngày tới Mỹ để tìm kiếm sự ủng hộ của đồng minh trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Chuyến thăm được báo giới trong nước và phương Tây đánh giá là “thành công vượt quá mong đợi” với những cam kết từ phía Mỹ và khiến Trung Quốc lo ngại.

Tổng thống Aquino tuyên bố sẽ thăm Trung Quốc trong năm nay và chuyến công du của ông nhằm giải quyết những tranh chấp về lãnh hải giữa hai nước. Ông nói cần phải đối thoại với phía bên kia để có cơ hội đạt thoả thuận. Nhưng cùng lúc, Manila tuyên bố xem nghị quyết Biển Đông được Hạ viện Mỹ thông qua hôm 15/7 - trong đó kêu gọi cách tiếp cận hòa bình, đa phương và dựa vào luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp - là bằng chứng được Mỹ hậu thuẫn trong bối cảnh bị Trung Quốc đe dọa.

Trung Quốc

Các tuyên bố chủ quyền và sự quyết đoán gần đây của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông đang làm gia tăng tình trạng căng thẳng ở vùng biển này. Báo chí khu vực hôm nay dẫn một số nguồn tin ngoại giao ASEAN cho hay ASEAN và Trung Quốc đã quyết định lần đầu tiên tổ chức cuộc họp cấp cao về vấn đề tranh chấp tại Biển Đông vào ngày mai, 20/7.

Tin này chưa được kiểm chứng, nhưng những động thái gần đây của Trung Quốc sẽ rất đáng chú ý vì liên quan đến vấn đề Biển Đông, cho tới nay, Trung Quốc luôn muốn đối thoại song phương. Nhưng cũng chính lập trường này của Bắc Kinh khiến nhiều nhà quan sát nghi ngờ về khả năng có bước đột phát về tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải nhanh chóng.

Trung Quốc luôn phản đối và rất lo ngại sự can thiệp của Mỹ trong tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt khi vấn đề này phần chắc sẽ “nằm cao” trong chương trình nghị sự của các hội nghị ở Bali lần này. Nhưng cũng có những nhận định cho rằng giới quân sự Mỹ và Trung Quốc đã trao đổi với nhau nhiều lần về chủ đề này trong năm qua, và nhờ vậy, Trung Quốc đã có sự chuẩn bị để nói chuyện với ASEAN về Biển Đông.

Khi tiếp Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ tại Bắc Kinh vài ngày trước đây, Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc Trần Bính Đức đã thể hiện những quan ngại, thất vọng về vấn đề Biển Đông.

Bất đồng lớn giữa Bắc Kinh và Washington là theo cách hiểu Công ước LHQ về Luật Biển của Trung Quốc thì tự do hàng hải là được phép trong khu vực kinh tế độc quyền (EEZ) của nước khác nhưng các hoạt động quân sự như giám sát là không được phép. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh khẳng định rằng những hoạt động quân sự thông thường, bao gồm cả giám sát, là hoàn toàn được phép ở những nơi họ xem là vùng biển quốc tế, bao gồm cả EEZ.

Mỹ

Theo lịch trình, ngày 21/7 sẽ là Đối thoại ASEAN +3, nhưng đến 23/7, hội nghị cấp cao sẽ gồm 27 nước với cả Mỹ và Nga. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tới ngày 22/7 mới đến Bali, nhưng giới phân tích khu vực cho rằng sự hiện diện của Mỹ luôn là yếu tố không thể thiếu, thậm chí quyết định cho việc thành bại của các sáng kiến chung mà ASEAN đưa ra.

Truyền thông Nhật Bản và Hồng Kông dẫn các nguồn ngoại giao cho biết dù Trung Quốc luôn phản đối sự can dự của các nước bên ngoài vào vùng biển Đông Nam Á, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton có thể vẫn nêu vấn đề tại cuộc họp Diễn đàn Khu vực ASEAN vào ngày 23/7 này, đưa ra kiến nghị mới về vấn đề Biển Đông nhằm tỏ rõ quyết tâm bảo vệ “lợi ích quốc gia” của Mỹ trong khu vực này.

Mỹ đã phản đối hành động quyết đoán của Trung Quốc tại nhiều diễn đàn khu vực bằng cách nhấn mạnh sự quan tâm của nước này đối với tự do hàng hải. Gần đây, Mỹ đã thông báo triển khai các tàu chiến ven biển ở Singapore với hy vọng rằng sự hiện diện của chúng sẽ làm tăng tác dụng răn đe đối với sự quyết đoán của Trung Quốc.

Hội nghị Cấp cao Đông Á sẽ tổ chức tại ASEAN vào cuối năm nay, Mỹ sẽ chính thức tham dự hội nghị. Vẫn theo giới phân tích, việc Mỹ tham dự hội nghị là nhằm “kiềm chế Trung Quốc” bằng sức mạnh của mình.

Bali nóng bỏng

Hội nghị Ngoại trưởng và Diễn đàn ARF vốn là hội nghị thường niên. Hội nghị năm ngoái đặc biệt thu hút quan tâm chú ý của các bên. Trong thời gian diễn ra hội nghị năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bày tỏ tranh chấp trên Biển Đông liên quan tới lợi ích quốc gia của Mỹ.

Hội nghị tại Bali lần này nhóm họp cũng vẫn để thảo luận về các vấn đề an ninh trong khu vực, là dịp để ASEAN tỏ ra có khả năng tìm giải đáp cho một loạt câu hỏi từ tranh chấp biên giới Thái Lan-Campuchia đến tranh cãi chủ quyền trên biển của một số nước ASEAN với Trung Quốc. Vấn đề tranh chấp trên Biển Đông được Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan xác nhận sẽ là chủ đề quan trọng tại ARF.

Cho tới nay, Trung Quốc vẫn chống lại việc ARF đưa vấn đề tranh chấp lãnh hải ra bàn thảo, trong khi những nước có liên quan đến tranh chấp chủ quyền Biển Đông muốn giải quyết vấn đề này với sự hợp tác của những nước như Nhật Bản và Mỹ.

Tiến sĩ Wang Hanling, Giám đốc Trung tâm các vấn đề hải dương và luật biển tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng phái đoàn Trung Quốc dự ARF đã chuẩn bị sẵn sàng để thảo luận về “những nỗ lực hợp tác”, song cũng cảnh giác trước nguy cơ phải hứng chịu “đòn hội đồng”.

Dư luận đang chờ đợi các tín hiệu từ ARF. Theo báo chí Nhật Bản, bản tuyên bố của Chủ tịch ARF, dự kiến được công bố ngày 23/7, có thể sẽ nhấn mạnh rằng ARF “phải đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định khu vực”, trong một nỗ lực dường như là nhằm mở rộng vai trò của cơ chế này. Bản tuyên bố của ARF cũng có thể sẽ kêu gọi thực hiện “ngoại giao ngăn ngừa”, cũng như kêu gọi các nước tham gia diễn đàn đề ra các biện pháp để tránh xảy ra tranh chấp.

Nguyễn Viết
Tổng hợp