1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Kết thúc Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN:

Vấn đề Biển Đông không thể bị nhấn chìm

Diễn đàn thường niên của ngoại trưởng 10 quốc gia Ðông Nam Á với ngoại trưởng của 15 quốc gia khác có liên quan đến an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương tập trung thảo luận và tìm giải pháp cho những vấn đề có liên quan đến chính trị và an ninh trong khu vực ASEAN.

Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm hoàn toàn thích hợp để đưa vấn đề Biển Đông ra trước Diễn đàn An ninh của ASEAN, một diễn đàn an ninh hiếm hoi ở châu Á.

Không đáng tin

Trước sự công kích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Bắc Kinh đã ngừng hoạt động cải tạo bồi đắp ở Biển Đông. “Trung Quốc đã dừng lại rồi. Quý vị xem ai đang xây dựng? Hãy lên máy bay, bay ra xem tận mắt đi!”.

Ông Vương Nghị mạnh dạn khẳng định như vậy khi được một phóng viên hỏi liệu Trung Quốc sẽ tạm dừng công tác cải tạo bồi đắp ở Biển Đông hay không, bên lề những cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN ở Malaysia ngày 6/8. Đây được coi là một động thái để xoa dịu căng thẳng với những nước khác có tuyên bố chủ quyền trong vùng biển mà mỗi năm giao dịch thông thương qua hải trình này ước trị giá tương đương 5.000 tỉ USD.

Phát biểu này tương đồng với những tuyên bố gần đây của Trung Quốc rằng hoạt động bồi đắp đất đai ở Biển Đông đang được hoàn tất. Tháng 6 vừa qua, Trung Quốc cho biết sẽ sớm hoàn tất một số hoạt động xây cất trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nhưng ông Vương không hề khẳng định rằng Bắc Kinh đã ngưng tất cả các hoạt động xây dựng. Điều quan trọng là liệu Trung Quốc dừng hay vẫn đang tiếp tục các hoạt động xây dựng trên các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp.

Không ai tin đó là sự thật vì trước giờ những gì Trung Quốc nói và làm là hoàn toàn trái ngược nhau. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose đưa ra nhận định rằng, sở dĩ Bắc Kinh đã dừng công việc bồi đắp, đó là vì họ đã “chuyển sang giai đoạn hai, tức là xây dựng cơ sở trên các đảo đã bồi đắp xong”.

Theo Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mira Rapp Hooper, giai đoạn thứ hai là xây dựng có thể sẽ kéo dài. Bước này sẽ khó hoàn tất trong năm nay. Hoạt động xây dựng dĩ nhiên sẽ bao gồm các cơ sở lắp đặt, bố trí các thiết bị dân sự cũng như các thiết bị liên quan đến quân sự. Có khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục công việc xây dựng với những giai đoạn khác nhau trong vài tháng hay vài năm.

Vấn đề Biển Đông không thể bị nhấn chìm - 1
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN ở Kuala Lumpur (Malaysia).

Một trong những nước gay gắt tố cáo Trung Quốc là Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc vụ Nhật Bản Minoru Kiuchi, Trưởng đoàn Nhật Bản tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần này, đã cho biết là ông “quan ngại sâu sắc trước các hoạt động cải tạo đất trên quy mô lớn, việc xây dựng các tiền đồn và sử dụng các cơ sở này vào mục tiêu quân sự”.

Giới nghiên cứu chính trị quốc tế cũng như giới quân sự Mỹ từng cảnh cáo rằng những đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp tại khu vực Trường Sa sẽ là những căn cứ quân sự cỡ lớn nhằm khống chế toàn bộ Biển Đông. Việc Trung Quốc tuyên bố Vùng nhận diện Phòng không (ADIZ) tại khu vực này chỉ còn là vấn đề thời gian. Tiến sĩ Hooper cho rằng, trong tương lai gần, từ nay tới thời điểm Chủ tịch Tập Cận Bình săng thăm Mỹ, có thể Trung Quốc sẽ không tiến hành các hoạt động xây cất khẩn trương.

“Tôi sẽ ngạc nhiên khi thấy họ xây đường băng trên Đá Subi hay đặt bất kỳ thiết bị quân sự quan trọng nào từ nay tới tháng 9-2015 khi ông Tập sang Mỹ. Trung Quốc có thể sẽ tạm ngưng bất kỳ dự án xây mới nào gây tranh cãi cho tới khi một số cuộc họp thượng đỉnh quan trọng ở khu vực như Thượng đỉnh Đông Á hay APEC kết thúc vào cuối năm nay. Tuy nhiên, sau đó, thấy họ sẽ tiếp tục các hoạt động xây dựng và các hoạt động bán quân sự hóa các đảo đó”- bà Hooper nói.

Liên quan đến ý nghĩa thực thụ và mục tiêu các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, tiến sĩ Hooper cho biết: “Mục tiêu của Trung Quốc là cải thiện sự hiện diện của họ ở Biển Đông và chứng tỏ sức mạnh, củng cố các tuyên bố chủ quyền trải rộng của họ theo bản đồ đường lưỡi bò. Không có các đảo nhân tạo này, trước đây Trung Quốc không thể có các hoạt động tiếp tế để cho phép duy trì công tác tuần tra thường xuyên trong khu vực. Với các đảo nhân tạo họ vừa bồi đắp, mục tiêu đó càng dễ dàng thực hiện hơn rất nhiều”.

Trước thực tế cam kết của Trung Quốc không đi đôi với hành động, các nước nhỏ có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và cả các nước không có tuyên bố chủ quyền nhưng quan tâm đến an ninh khu vực như Mỹ cần phải làm rất nhiều điều để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc. Quan trọng đầu tiên là cần phải xúc tiến các hành động đa phương.

Vấn đề Biển Đông không thể bị nhấn chìm - 2
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 48 tại Kuala Lumpur, Malaysia.

Các nước đang mong muốn xúc tiến các cuộc thương lượng để đạt một Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông cho dù Trung Quốc có tham gia hay không. Mỹ nên ủng hộ điều đó. Mỹ cũng muốn tham gia các nỗ lực xây dựng khả năng đối tác với hải quân và lực lượng tuần duyên của các nước ASEAN. Gần đây Mỹ cũng đề nghị luật thành lập quỹ bảo đảm cho Đông Nam Á.

Mỹ có thể cùng với các nước khác trong vùng cũng quan tâm đến nỗ lực xây dựng khả năng đối tác như Nhật hay Australia để điều phối nguồn quỹ viện trợ này một cách đa phương để bảo đảm rằng các luồng quỹ viện trợ được củng cố qua lại lẫn nhau.

Mưu toan nhấn chìm vấn đề Biển Đông thất bại hoàn toàn tại Hội nghị ASEAN

Vấn đề Biển Đông đã được bàn thảo sâu rộng tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF) và các cuộc gặp song phương khác bất chấp lời đe dọa trước đó của Trung Quốc. Mưu toan nhấn chìm vấn đề Biển Đông của Bắc Kinh đã thất bại hoàn toàn.

Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48 (diễn ra từ ngày 4 đến 6/8 tại Malaysia), Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman vẫn đề cập đến Biển Ðông. Ông Aman cho rằng, ASEAN có thể và cần phải đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra một giải pháp nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Ðông một cách ôn hòa.

Sau phiên khai mạc, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã dành nhiều thời gian thảo luận sâu rộng về tình hình Biển Đông và những diễn biến liên quan. Trong cuộc thảo luận, các Bộ trưởng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) trên toàn bộ khu vực.

Sang ngày 5/8, cuộc họp tay đôi giữa ASEAN với Trung Quốc kéo dài hơn dự kiến. Theo kế hoạch ban đầu sẽ diễn ra trong 1 tiếng nhưng sau đó đã kéo dài thành 2 giờ đồng hồ. Nội dung cuộc họp chưa được tiết lộ, tuy nhiên theo phát biểu của các quan chức của các bên trước thềm hội nghị thì vấn đề Biển Đông là nội dung bao trùm cuộc gặp này.

Cùng ngày, tại cuộc gặp song phương giữa Mỹ và Trung Quốc, Ngoại trưởng John Kerry đã tái nhấn mạnh mối quan ngại của Mỹ về các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang tiến hành tại Biển Đông, và yêu cầu Bắc Kinh đình chỉ mọi hoạt động “có vấn đề”, trong đó có việc quân sự hóa các hòn đảo, để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động ngoại giao.

Trước đó trong một cuộc gặp riêng với các đối tác ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ một lần nữa nhấn mạnh mong muốn của Mỹ về một Biển Đông ổn định: “Chúng tôi muốn đảm bảo sự an toàn cho các ngư trường và tuyến đường biển quan trọng, và muốn rằng các tranh chấp trong khu vực được xử lý một cách hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế”.

Ngoài ra, các Ngoại trưởng Australia, Philippines cũng đã mạnh mẽ nêu vấn đề Biển Đông tại các cuộc hội thảo trong khuôn khổ Hội nghị ASEAN và Diễn đàn ARF.

Vấn đề Biển Đông không thể bị nhấn chìm - 3
Hình ảnh vệ tinh cho thấy đường băng dài 3.000 mét mà Trung Quốc đã xây dựng trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Như vậy có thể thấy mưu toan muốn nhấn chìm vấn đề Biển Đông của Trung Quốc lần này tại ASEAN đã thất bại hoàn toàn. Ngay trước thềm Hội nghị ASEAN và Diễn đàn ARF, ngày 3/8, Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, từng khuyến cáo: Không đưa Biển Ðông vào nghị trình của Diễn đàn ARF. Ông Dân cho rằng, ARF năm nay không nên đề cập đến Biển Ðông “vì đây là vấn đề rất nhạy cảm và các quốc gia bên ngoài ASEAN không nên can dự vào vấn đề này”.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, bản chất của ARF là thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên với nhau, vì vậy tại ARF lần này, nếu Mỹ muốn bàn luận về Biển Ðông, Trung Quốc sẽ phản đối.

Sau khi Lưu Chấn Dân lên tiếng, đến lượt chính Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhập cuộc. Phát biểu ngày 3/8 tại Singapore, ông Vương Nghị đã nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh là không muốn ASEAN đề cập đến vấn đề Biển Đông. Theo ông, “Trung Quốc không hề tin rằng một diễn đàn đa phương là địa điểm thích hợp để giải quyết những tranh chấp song phương”.

Ngoại trưởng Trung Quốc không ngần ngại cảnh cáo là khi nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị ASEAN sẽ “phản tác dụng” và làm tình trạng đối đầu thêm nghiêm trọng.

Vì sao lại không bàn về Biển Đông, một vấn đề đe dọa an ninh tại diễn đàn an ninh ARF? ARF là diễn đàn thường niên của ngoại trưởng 10 quốc gia Ðông Nam Á với ngoại trưởng của 15 quốc gia khác có liên quan đến an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương để thảo luận và tìm giải pháp cho những vấn đề có liên quan đến chính trị và an ninh trong khu vực ASEAN. ARF vẫn được xem như một phần của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN.

Mark Toner, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói, ARF là một diễn đàn để thảo luận về các vấn đề an ninh tối quan trọng. Tranh chấp Biển Đông là một vấn đề liên quan đến an ninh khu vực. Nếu không đưa ra trước Diễn đàn an ninh của ASEAN, một diễn đàn an ninh hiếm hoi ở châu Á, thì thảo luận ở đâu?

Trung Quốc đã từng sử dụng nhiều phương cách khác nhau để phân hóa nội bộ ASEAN, khiến tổ chức này không thể tìm được sự đồng thuận cần thiết, nhằm xác lập giải pháp chung cho việc giải quyết tranh chấp về chủ quyền trên Biển Ðông giữa một số quốc gia thành viên của ASEAN (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei) với Trung Quốc.

Vấn đề đối với Trung Quốc là do việc các yêu sách chủ quyền và hành động thái quá của nước này tại Biển Đông bị phản đối rộng khắp, Bắc Kinh không muốn bị vạch mặt chỉ tên trên các diễn đàn đa phương. Bên cạnh đó, Trung Quốc chỉ muốn giải quyết tranh chấp Biển Đông song phương với từng nước, một chủ trương bị cáo buộc là để dễ dàng bắt nạt các nước yếu hơn mình.

Trong Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48 công bố tối 6/8, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã bày tỏ “lo ngại nghiêm trọng” về công việc xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh một số bộ trưởng đang lo ngại các hoạt động này có thể “phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông”.

Để có được bản tuyên bố cứng rắn này, công lớn thuộc về nước Chủ tịch luân phiên ASEAN Malaysia. Phát biểu với Hãng tin AFP, một nhà ngoại giao tham gia trực tiếp các cuộc họp tại Kuala Lumpur đã có một nhận định rằng Malaysia chủ trì Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN lần này khác hẳn Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN diễn vào năm 2012 tại Phnom Penh. Vấn đề Biển Đông vẫn là vấn đề an ninh hàng đầu trong khu vực và nhất thiết phải đưa vào tuyên bố chung của Hội nghị.

Theo Mộc Thạch (tổng hợp)

An ninh Thế giới

Vấn đề Biển Đông không thể bị nhấn chìm - 4

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm