1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

“Một vành đai, một con đường” đối mặt các cường quốc:

Ván cờ mới kiềm chế "Giấc mộng Trung Hoa" của Mỹ

Mục tiêu của Mỹ không chỉ duy trì vị trí lãnh đạo cũng như tầm ảnh hưởng, mà quan trọng không kém, là hạn chế đến mức thấp nhất cơ hội hợp tác, đầu tư của Trung Quốc (TQ) tại đây.

Để nhanh chóng hiện thực hóa chiến lược “một vành đai, một con đường”, TQ không ngần ngại rót vào lượng tiền lớn chưa từng có trong lịch sử: 50 tỷ USD cho Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), 41 tỷ USD cho Ngân hàng Phát triển mới, 40 tỷ USD cho vành đai kinh tế Con đường tơ lụa và 25 tỷ USD cho Con đường tơ lụa trên biển. Bắc Kinh cũng đã cam kết sẽ đầu tư 1.250 tỷ USD trên toàn thế giới vào năm 2025.

Tham vọng xây dựng “siêu dự án” là một phần trong chiến lược của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình nhằm đưa TQ ra khỏi sân chơi Đông Á, trở thành một cường quốc toàn cầu, phục hưng “giấc mơ Trung Hoa”.

Đây cũng là kế hoạch của TQ nhằm hạn chế chính sách tái cân bằng của Mỹ, cũng như tạo thế đối trọng với các Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Từ đó, nước này muốn giành quyền chủ đạo chính sách, xác định lại luật chơi theo hướng có lợi cho mình.

Song những thách thức với giấc mơ đầy tham vọng này không hề nhỏ.

Ván cờ mới kiềm chế "Giấc mộng Trung Hoa" của Mỹ - 1

(Ảnh: Tân Hoa Xã/ TBKTSG)

Thách thức từ Mỹ và phương Tây

Trong những năm gần đây, các cường quốc trong khu vực và thế giới luôn điều chỉnh chiến lược, chính sách theo nhiều cách khác nhau nhằm tìm kiếm một chỗ đứng, tầm ảnh hưởng. Chính vì thế, “một vành đai, một con đường” của TQ sẽ vấp phải sự cạnh tranh từ các nước như Mỹ, Ấn Độ, Liên Bang Nga và cả châu Âu.

Tháng 7/2011, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã chính thức đưa ra ý tưởng “con đường tơ lụa mới” và tư duy “Đại Trung Á”, chủ trương xây dựng mạng lưới phát triển kinh tế và hệ thống giao thông kết nối toàn bộ khu vực Nam Á, Trung Á với Tây Á. Tháng 9/2011, nữ ngoại trưởng giới thiệu chi tiết kế hoạch thực hiện: lấy Afghanistan làm trung tâm, kêu gọi các quốc gia láng giềng của nước này ủng hộ, duy trì vị trí lãnh đạo của Mỹ tại khu vực vốn dĩ là trung tâm của cả châu Âu và châu Á.

Thực chất mục đích của kế hoạch này là làm suy giảm sức ảnh hưởng của TQ, đồng thời tác động đến kết quả hợp tác kinh tế thương mại giữa TQ với các quốc gia trong khu vực này. Mục tiêu của Mỹ không chỉ duy trì vị trí lãnh đạo cũng như tầm ảnh hưởng, mà quan trọng không kém, là hạn chế đến mức thấp nhất cơ hội hợp tác, đầu tư của TQ tại đây.

Ngoài ra, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục duy trì chính sách Tái cân bằng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào các quốc gia ở khu vực này để đối phó với TQ là chưa đủ. Vì vậy, Washington buộc phải kéo cả các nước Nam Á vào cuộc, trong đó Ấn Độ có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Không phải ngẫu nhiên mà giới chính trị gia của Mỹ đã nhiều lần đưa ra khái niệm “Ấn - Thái” (Indo – Pacific) vào các bài phát biểu. Tháng 3/2013, Tư lệnh Vùng chiến đấu Thái Bình Dương của Mỹ, ông Samuel J. Locklear III chính thức đưa ra khái niệm “Ấn – Thái” trước Quốc hội. Mặc dù vậy, cơ quan truyền thông của Bộ này nhiều lần khẳng định việc dùng khái niệm mới hoàn toàn không mang hàm ý cô lập hay kìm hãm TQ, mà chỉ muốn nhấn mạnh khu vực châu Á Thái Bình Dương ngoài Thái Bình Dương ra còn bao gồm cả Ấn Độ Dương nữa.

Với khái niệm mới này, khu vực châu Á Thái Bình Dương đã được Mỹ kéo dài đến tận Ấn Độ - một đồng minh quan trọng của Mỹ tại Nam Á. Đồng thời lợi dụng những tranh chấp về lãnh thổ, xung đột biên giới giữa TQ với các nước láng giềng, Mỹ từng bước can dự và hỗ trợ các quốc gia này trong việc đối phó với một TQ đang trỗi dậy. Đây là cách Mỹ hạn chế và tìm cách “tiêu hao” sức mạnh của TQ mà không cần đối đầu trực tiếp.

Ngoài Mỹ ra, năm 2009, EU đã đưa ra “kế hoạch của con đường tơ lụa mới”. Thông qua việc khôi phục lại đường ống dẫn khí đốt Nabucco, EU triển khai kết nối nhiều mặt như thương mại, năng lượng, thông tin… với các quốc gia khu vực Trung Á, tích cực triển khai đầu tư nhằm bảo đảm nguồn cung về năng lượng, đồng thời tăng cường sức ảnh hưởng.

Có hai lý do khiến EU chen chân vào khu vực này. Thứ nhất, nó sẽ có lợi trong việc cạnh tranh và cân bằng sức ảnh hưởng của Mỹ - Nga. Thứ hai, có thêm EU, cục diện chính trị tại khu vực này sẽ trở nên đa cực hơn. Điều này sẽ bất lợi cho dự án “một vành đai kinh tế” của TQ khi đi qua khu vực này bởi cả Mỹ, Nga và EU đều là những cường quốc và liên minh khu vực hàng đầu thế giới.

(Còn tiếp)

Theo Nguyễn Tăng Nghị

Vietnamnet