1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vai trò trọng tài của Nga bị lung lay vì giao tranh Syria-Thổ Nhĩ Kỳ?

Đứng giữa 1 bên là “đồng minh” chủ chốt Syria và bên kia là “khách hàng” thân thiết Thổ Nhĩ Kỳ, Nga sẽ vô cùng khó xử khi phải lựa chọn một trong hai.

Chiến tranh vẫn chưa kết thúc ở Syria

Cuộc đụng độ trực tiếp giữa binh lính Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến cả 2 bên đều tổn thất. Trong khi 7 binh sĩ và 1 dân thường của Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng vì giao tranh thì Syria cũng tổn thất 13 binh lính.

Căng thẳng leo thang ở tỉnh Idlib - thành trì cuối cùng của phe nổi dậy tại Syria đã làm sụp đổ những nỗ lực mong manh giữa Ankara và Moscow trong việc dàn xếp tình hình tại quốc gia Trung Đông này.

Vai trò trọng tài của Nga bị lung lay vì giao tranh Syria-Thổ Nhĩ Kỳ? - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: Sputnik

Ngày 5/2, Tổng thống Erdogan đã ra "tối hậu thư" yêu cầu Syria rút khỏi Idlib vào cuối tháng này, nếu không Ankara sẽ có các biện pháp mạnh mẽ hơn: "Bất kỳ cuộc tấn công trên bộ hoặc trên không nào nhằm vào binh lính Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib hoặc nhằm vào các khu vực hoạt động của chúng tôi sẽ bị đáp trả thích đáng bất kể nguồn gốc là từ đâu. Nếu sự an toàn của các binh lính Thổ Nhĩ Kỳ không thể được đảm bảo, thì không ai có thể phản đối việc chúng tôi thực hiện các quyền chính đáng của mình”.

Cùng với đó, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng đề nghị Nga ngăn các cuộc tấn công của chính phủ Syria vào Idlib "ngay lập tức".

Trong khi đó, quân đội của Tổng thống Assad đã tiến vào bao vây thị trấn then chốt Saraqeb ở tỉnh Idlib - nơi giao nhau của 2 con đường nối thủ đô Damascus với các khu vực ở phía bắc, đông và tây của đất nước.

Xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ chưa dứt thì Syria lại xác nhận phòng không nước này vừa chặn đứng được cuộc tấn công tên lửa của Israel nhằm vào các mục tiêu mà Tel Aviv cho là của Iran.

Cuộc nội chiến Syria tưởng đã đến hồi kết nay lại nóng lên với những bất đồng và căng thẳng khiến tất cả các bên đều rơi vào tình thế khó xử.

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra về những diễn biến tại Syria, chẳng hạn như liệu Tổng thống Assad và Tổng thống Erdogan có lao vào một cuộc xung đột quân sự với quy mô lớn hơn? Hay Nga - với vai trò ngày càng được khẳng định tại Trung Đông, giữa một bên là "đồng minh" Syria, một bên là "khách hàng" Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa ra quyết định như thế nào? Nga sẽ tiếp tục vai trò trọng tài hay sẽ đứng về một phía với những toan tính riêng của mình? Cuộc chiến Syria khi nào sẽ thực sự kết thúc?

Vai trò trung gian tương đối của Nga

Trước tiên, rõ ràng cuộc tấn công của chính phủ Syria vào binh lính Thổ Nhĩ Kỳ là một "cú đánh" vào ngoại giao Nga. Từ khi xuất hiện với vai trò trung gian hòa giải ở Syria kể sau khi can thiệp vào quốc gia Trung Đông này hồi tháng 9/2015, Nga luôn tìm cách dàn xếp và điều hòa mối quan hệ giữa các bên tham chiến khác nhau: Israel và Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Syria. Đây là lần đầu tiên Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu trực tiếp với nhau, một tình huống đặt Nga vào thế "khó xử".

Dù vậy, vai trò trung gian của Nga ở Trung Đông cũng chỉ mang tính chất tương đối. Điều đó tức là Nga không phải lúc nào cũng ngả về các bên như nhau bởi đằng sau mối quan hệ bạn - thù là những toan tính về lợi ích quốc gia. Không ít lần, Nga "nhắm mắt cho qua" khi Israel tấn công các mục tiêu của Iran trong 3 năm qua mặc dù vào thời điểm đó, hệ thống phòng không của Nga hiện diện ngay trên đất Syria.

Tương tự vậy, lực lượng người Kurd cũng đôi lần bị Nga làm cho thất vọng khi mục tiêu của Moscow là khiến Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xa rời đồng minh Mỹ. Lực lượng của Nga đã rời khỏi khu vực Afrin, khiến Thổ Nhĩ Kỳ có thể tấn công vào khu vực này và khiến 300.000 người Kurd phải rời bỏ nơi này trong Chiến dịch Nhành Ô liu của Ankara hồi đầu năm 2018.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Iran và lực lượng người Kurd ở Syria sẽ quay lưng hoàn toàn với Nga. Trái lại, cả 2 lực lượng này đều cần duy trì mối quan hệ với Moscow, ít nhất là để đạt được một phần những thứ họ muốn. Nếu không có sự hiện diện của Nga, các hành động của Israel với các mục tiêu của Iran tại Syria sẽ ngày càng dữ dội hơn. Trong khi đó, Nga đã góp phần ngăn cản hậu quả thảm khốc của Chiến dịch Nhành Ô liu thứ hai với quy mô lớn hơn ở bờ đông sông Euphrates vào tháng 10/2019 bằng cách bố trí các lực lượng dọc bờ sông và dàn xếp một thỏa thuận ngừng bắn ngày 22/10 để ngăn chặn cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đối tác không thể thiếu

Sau khi Mỹ quyết định rút phần lớn quân khỏi Syria, Nga không chỉ trở thành một nhân tố quân sự mang tính quyết định mà còn là một lực lượng ngoại giao chính ở quốc gia Trung Đông này. Bởi vì mỗi bên đều cần thực hiện những toan tính của mình nên Nga vẫn luôn là một đối tác không thể thiếu của tất cả các bên.

Và điều này cũng đúng với trường hợp của chính phủ Syria và Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib.

Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng không hài lòng với những cuộc tấn công của chính phủ Syria với sự hỗ trợ từ Nga tại tỉnh Idlib. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng: "Các lực lượng bộ binh và không quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ di chuyển tự do tại tất cả các khu vực chiến dịch ở Syria và tỉnh Idlib. Họ sẽ tiến hành các chiến dịch nếu cần thiết. Không có điều gì còn như trước nữa sau khi chính quyền Tổng thống Assad tấn công Idlib và khiến binh lính Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng".

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu chính quyền Tổng thống Assad có chú ý đến lời cảnh báo này hay không. Hiện quân đội Syria chỉ cách thành phố Idlib - thành trì cuối cùng của phe nổi dậy 8km, trong khi Tổng thống Assad không ít lần khẳng định quyết tâm sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ và thống nhất đất nước. Với vị thế và mục tiêu hiện tại ở Syria, Nga sẽ ủng hộ quyết định này.

Thổ Nhĩ Kỳ đã mất niềm tin vào Mỹ và không hoàn toàn tin tưởng Nga mặc dù mối quan hệ với Moscow khiến Ankara có một chính sách đối ngoại độc lập hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế, Ankara cần Moscow nhiều hơn việc chỉ để cứu vãn thể diện và ngăn chặn dòng người tị nạn mới ở tây bắc Syria. Mối quan hệ với Nga có ý nghĩa quan trọng để Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy các lợi ích của mình trong việc đối phó với người Kurd ở phía đông Euphrates. Hơn nữa, Ankara còn đang trong giai đoạn mua hệ thống phòng không S-400 của Moscow và là một đối tác của Nga trong dự án đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ nhằm cung cấp khí đốt tới châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần vai trò của Nga để ngăn chặn cuộc tấn công do Tướng Libya Khalifa Haftar tiến hành nhằm vào các đồng minh của nước này trong chính phủ lâm thời Libya tại thủ đô Tripoli.

Cuối cùng, Thổ Nhĩ Kỳ không còn nơi nào để quay lại. Mỹ không thể hiện dấu hiệu nào cho thấy nước này sẽ tham gia vào những diễn biến mới tại Syria ở phía tây Euphrates. Hợp tác với Nga có thể không phải lựa chọn duy nhất nhưng sẽ là lựa chọn tốt nhất để Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các mục tiêu của mình ở khu vực.

Dù vậy, cùng cần phải lưu ý rằng mối quan hệ này không phải chỉ đến từ một phía. Nga vẫn sẽ tiếp tục duy trì quan hệ đối tác với Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là sau hợp đồng mua bán S-400 trị giá 2,5 tỷ USD. Việc có một thành viên quan trọng trong NATO nhằm gây sức ép Mỹ có ý nghĩa quan trọng trong chính sách an ninh của Nga.

Nga đang xây một nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 20 tỷ USD. Nước này cũng mở đường ống dẫn khí Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng trước để vận chuyển khí tự nhiên dưới Biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước ở đông nam châu Âu nhằm làm giảm sự phụ thuộc của Moscow vào mạng lưới của Ukraine. Ankara hiện nằm trong top 3 khách hàng mua khí đốt của Nga.

Về mối quan hệ với Tổng thống Assad, sau tất cả những gì đã làm trong những năm qua, Nga không dễ gì “buông” Syria. Trái lại, duy trì quan hệ đồng minh với chính phủ Syria là nền tảng để Nga dàn xếp tình hình tại quốc gia này cũng như khu vực.

Mặc dù căng thẳng ở Idlib leo thang những ngày gần đây nhưng sẽ khó có một cuộc tấn công trên quy mô lớn giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra bởi những vấn đề từ bản thân mỗi quốc gia và bởi mối quan hệ không thể thay thế của 2 nước này với Nga.

Theo Kiều Anh

VOV