Vai trò tại Interpol của cựu Thứ trưởng Công an Trung Quốc vừa “sa lưới”
(Dân trí) - Cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Mạnh Hoành Vĩ được bầu làm chủ tịch Interpol từ năm 2016 và là người Trung Quốc đầu tiên được đảm nhận vị trí cấp cao này. Tuy nhiên, sự nghiệp của ông đang đứng trên bờ vực sụp đổ sau cáo buộc nhận hối lộ.
Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) trong tuần này đã trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế sau khi chủ tịch của tổ chức này, ông Mạnh Hoành Vĩ, bị mất tích trong nhiều ngày sau khi trở về quê nhà Trung Quốc. Bộ Công an Trung Quốc đã ra thông báo, xác nhận ông Mạnh đang bị điều tra vì cáo buộc nhận hối lộ.
Cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Mạnh Hoành Vĩ được bầu làm chủ tịch Interpol từ năm 2016 và nhiệm kỳ công tác của ông sẽ kéo dài tới năm 2020. Ông là người Trung Quốc đầu tiên đảm nhận chức vụ cấp cao này tại Interpol.
Interpol được thành lập từ năm 1923 và đặt trụ sở tại thành phố Lyon, Pháp. Cơ cấu hoạt động của Interpol, tổ chức với hơn 190 quốc gia thành viên, có nhiều điểm tương đồng với Liên Hợp Quốc.
Đại hội đồng của Interpol do một chủ tịch, vị trí mà ông Mạnh Hoành Vĩ đang nắm giữ, làm người đứng đầu. Interpol cũng có một ủy ban điều hành gồm đại diện của tất cả các khu vực trên thế giới.
Một vị trí lãnh đạo quan trọng khác tại Interpol là tổng thư ký. Hiện Jurgen Stock, người mang quốc tịch Đức, là Tổng thư ký Interpol. Interpol có đội ngũ nhân sự khoảng 800 người với ngân sách hàng năm khoảng 130 triệu USD.
Trên cương vị là chủ tịch Interpol, nhiệm vụ của ông Mạnh Hoành Vĩ là chủ trì các cuộc họp của đại hội đồng và ủy ban điều hành, đồng thời phối hợp chặt chẽ với tổng thư ký. Ông Mạnh chịu trách nhiệm giám sát ủy ban điều hành Interpol - nơi đặt ra toàn bộ chiến lược phát triển của tổ chức. Trong khi đó, tổng thư ký chịu trách nhiệm về các hoạt động hàng ngày của Interpol.
Vị trí chủ tịch của ông Mạnh Hoành Vĩ tại Interpol được đánh giá là ít thực quyền hơn so với tổng thư ký, thậm chí nhiều người cho rằng chủ tịch Interpol chỉ là chức danh mang tính biểu tượng. Tuy vậy, vai trò của ông trong việc kết nối cơ quan hành pháp của 192 nước thành viên trong khuôn khổ Interpol là không thể phủ nhận.
Khác với suy đoán của nhiều người, Interpol không hoạt động giống như một sở cảnh sát.
“Công chúng thường nghĩ rằng Interpol là nơi tập hợp các nhà điều tra được huấn luyện bài bản và họ sẽ đi khắp mọi nơi trên thế giới để truy bắt các tội phạm quốc tế. Thực chất Interpol là một tổ chức toàn cầu, được thiết lập với hai mục đích chính là nhằm thúc đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa lực lượng cảnh sát của các nước và nhằm cải thiện năng lực chia sẻ thông tin”, John Cohen, cựu thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ, cho biết.
Interpol cũng có các sĩ quan cảnh sát thường trực từ các nước. Họ được chính quyền quê nhà trao giấy ủy nhiệm và đưa đến Interpol công tác theo nhiệm vụ tạm thời hoặc dài hạn. Các sĩ quan cảnh sát của Interpol đôi khi cũng tham gia vào việc điều tra hoặc giải quyết các công việc thông thường của cảnh sát ở nhiều nơi trên thế giới, tuy nhiên họ chỉ được phép làm vậy khi một quốc gia nào đó đề nghị Interpol hợp tác.
Không giống các sở cảnh sát thông thường, Interpol không được phép đưa các sĩ quan cảnh sát tới một nước nào đó để truy lùng tội phạm, tiến hành điều tra hoặc bắt giữ các nghi phạm. Hiến chương của Interpol không cho phép tổ chức này thực hiện các hành động can thiệp mang tính quân sự, chính trị, tôn giáo hoặc phân biệt chủng tộc.
Interpol cũng thành lập các trung tâm chia sẻ thông tin trên toàn thế giới để giúp các nước thành viên đối phó với các mối đe dọa tội phạm hoặc khủng bố. Vai trò của Interpol chủ yếu là cầu nối giữa các cơ quan thực thi pháp luật của các quốc gia thành viên. Interpol có khả năng ban hành 8 loại thông báo khác nhau tương ứng với từng màu, trong đó “Thông báo Đỏ” có chức năng tương đương với lệnh bắt giữ toàn cầu.
“Interpol tạo ra hệ thống chia sẻ các lệnh bắt giữ, chia sẻ thông tin về các tội phạm nguy hiểm, tạo ra nền tảng kỹ thuật để cho phép các nước hợp tác với nhau”, ông Cohen cho biết.
Vợ cựu Chủ tịch Interpol tin chồng vô tội
Liên quan tới vụ cựu Chủ tịch Interpol bị điều tra tại Trung Quốc, bà Grace Mạnh, vợ ông Mạnh Hoành Vĩ, đã chỉ trích việc chính quyền Bắc Kinh cáo buộc chồng bà nhận hối lộ. Bà Grace khẳng định ông Mạnh vô tội.
“Là vợ của ông ấy, tôi nghĩ ông ấy không có khả năng làm chuyện đó”, bà Grace nói về cáo buộc ông Mạnh nhận hối lộ, đồng thời cho biết bà sẵn sàng cung cấp công khai các tài khoản ngân hàng của cả hai vợ chồng bà để chứng minh ông Mạnh trong sạch.
Theo bà Grace, những vụ mất tích đột ngột như trường hợp của chồng bà “rất phổ biến ở Trung Quốc” khi chính phủ Trung Quốc đang tìm cách bắt giữ các nghi phạm tham nhũng. Bà Grace cho rằng cách hành xử của Trung Quốc đối với chồng bà là thiếu minh bạch.
Ngoài ra, bà Grace cũng tiết lộ nội dung cuộc điện thoại đe dọa bằng tiếng Trung Quốc mà bà nhận được tại nhà riêng ở Lyon sau khi ông Mạnh mất tích vài ngày.
“Ông ta nói: “Bà chỉ được lắng nghe và không được lên tiếng. Chúng tôi đã chia thành hai nhóm, hai nhóm này sẽ chỉ theo dõi bà. Chúng tôi biết bà ở đâu. Bà không được nói gì cả, bà chỉ được nghe lời chúng tôi””, bà Grace thuật lại nội dung cuộc gọi.
Trước đó, trong tin nhắn cuối cùng trước khi mất liên lạc hồi cuối tháng 9, ông Mạnh đã gửi cho vợ hình ảnh một con dao. Điều này làm dấy lên nghi ngờ rằng đây có thể là ám hiệu của cựu chủ tịch Interpol để báo cho vợ răng ông đang gặp nguy hiểm. Hiện bà Grace và hai con đang được cảnh sát Pháp bảo vệ.
Vợ cựu Chủ tịch Interpol bị mất tích họp báo tại Pháp
Thành Đạt
Theo ABC, SCMP