Vai trò của Nga với tương lai Syria thời hậu chiến
(Dân trí) - Nga không chỉ thể hiện vai trò hỗ trợ chính quyền Syria trong cuộc nội chiến kéo dài 7 năm mà còn góp phần tái thiết đất nước này bằng những dự án thương mại.
Trong cùng một ngày, khi các nhà ngoại giao Nga đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc thành lập vùng phi quân sự tại tỉnh Idlib - thành trì cuối cùng do phe nổi dậy kiểm soát ở Syria, hàng chục doanh nhân Nga cũng đáp chuyến bay từ thủ đô Damascus trở về nước, mang theo những bản hợp đồng thương mại được ký với chính quyền Syria thời hậu chiến.
Theo cây bút Angela Charlton của hãng thông tấn AP, dù cho có bất kỳ chuyện gì xảy ra với lực lượng nổi dậy tại Idlib, Nga vẫn quyết tâm giữ cho Syria luôn trong tầm ảnh hưởng của mình về dài hạn, vừa để duy trì vị thế của Moscow tại khu vực Trung Đông, vừa là lời cảnh báo tới Mỹ và các đồng minh nếu có ý định can thiệp quân sự vào Syria trong tương lai.
“Nga mong muốn một trật tự an ninh mới ở Trung Đông”, Emile Hokayem, chuyên gia an ninh về Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định.
Mặc dù phương Tây vẫn đổ lỗi cho Nga gây ra nhiều thương vong và thiệt hại tại Syria khi hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Bashar Assad, song các lực lượng Nga đã chứng tỏ vai trò quyết định của mình trong cuộc chiến quốc tế nhằm chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Chính điều này đã trao cho Moscow sự tín nhiệm mà các cường quốc phương Tây không thể có được.
“Sự can thiệp (của Nga vào Syria) đã mang lại kết quả tốt đẹp hơn nhiều so với sự kỳ vọng của bất kỳ ai”, chuyên gia Hokayem cho biết.
Hiện tại, thách thức lớn nhất đặt ra cho các nhà ngoại giao Mỹ và phương Tây khi thảo luận về vấn đề Syria tại các hội nghị của Liên Hợp Quốc trong tuần này là làm thế nào để duy trì vai trò tương xứng của các nước này tại Syria.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/9 tuyên bố ông đã góp phần cứu Idlib khỏi các cuộc tấn công do Nga hậu thuẫn tại Syria. Tuy nhiên gần như tất cả mọi người đều ghi nhận công lao của Tổng thống Nga và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ vì đã đạt được một thỏa thuận trong tuần này nhằm tránh nguy cơ xảy ra một trận chiến lớn tại Idlib.
Các nhà ngoại giao tham dự cuộc họp tại Liên Hợp Quốc về Syria đều hoan nghênh thỏa thuận trên, đồng thời bày tỏ hy vọng văn kiện này sẽ được duy trì cho dù số phận của Idlib cho đến nay vẫn chưa được quyết định.
Nga đã nhận được nhiều lời khen. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tham dự hàng loạt cuộc họp tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York trong tuần này. Trong các cuộc họp, ông Lavrov đều nhấn mạnh những lo ngại của Nga về vấn đề Syria với các nhà ngoại giao hàng đầu của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như đặc phái viên về Syria của Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura.
Trong tuần này Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức riêng môt cuộc họp về Syria tại trụ sở Liên Hợp Quốc. Trong khi đó, Pháp ngày 27/9 cũng tổ chức một cuộc họp của “Nhóm nhỏ” với nỗ lực xem xét tương lai của Syria mặc dù nỗ lực của Pháp trong việc ủng hộ phe đối lập tại Syria sau nhiều năm đã thất bại.
Tái thiết Syria sau chiến tranh
Ngay cả khi đang vui mừng với các thành công ngoại giao của mình, Nga vẫn đảm bảo một mối quan hệ quân sự ổn định với Syria. Nga hồi đầu tuần thông báo sẽ cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 hiện đại cho Syria.
Ngoài việc là khách hàng lâu năm của các nhà sản xuất vũ khí Nga từ trước khi xảy ra nội chiến, Syria cũng là một đối tác thương mại đáng tin cậy của Nga. Moscow ngày càng đưa mối quan hệ với Damascus tiến xa hơn bằng cách tham gia vào các dự án tái thiết hệ thống đường sá, đường ống và những tòa nhà chọc trời bị tàn phá sau 7 năm chiến tranh.
Một nhóm gồm 38 công ty Nga đã tham gia và Hội chợ Quốc tế Damascus hồi đầu tháng. Đây là hội chợ thứ 4 được tổ chức trong vòng một năm qua nhằm vực dậy quan hệ thương mại giữa Nga và Syria. Các công ty Nga sẽ quay trở lại Syria vào đầu tháng 10 tới để tham dự hội thảo về việc tái thiết quốc gia Trung Đông này.
Ngoài Nga, các nước láng giềng khác của Syria cũng có những động thái hợp tác tích cực, trong đó phải kể tới đồng minh thân cận của Damascus là Iran. Tuy nhiên giới phân tích nhận định, đối với Nga, các hoạt động kinh tế của nước này tại Syria còn gắn bó chặt chẽ với chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Moscow. Chẳng hạn, Nga muốn xây dựng lại mạng lưới tàu hỏa của Syria.
“Trước đây Nga là nước xây dựng, và bây giờ Nga muốn tái thiết mạng lưới này cũng như tái thiết mối quan hệ kinh tế chiến lược với Syria”, nhà phân tích độc lập Nga Vyacheslav Matuzov nhận định.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga, các công ty Nga đang tìm kiếm một nền tảng thương mại đa dạng với Syria, bao gồm các thỏa thuận về lương thực, nông nghiệp và năng lượng. Phó Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga Vladimir Padalko cho biết mong muốn của các doanh nghiệp Nga không chỉ là khôi phục lại hợp tác thương mại trước đây giữa hai nước, mà còn tích cực thúc đẩy mối quan hệ này tiến về phía trước.
Tuy nhiên Nga không muốn một mình chi trả toàn bộ chi phí khổng lồ cho dự án tái thiết Syria. Do vậy, Moscow đang tìm kiếm sự hỗ trợ của phương Tây và điều này được thể hiện rõ trong các cuộc họp của Ngoại trưởng Lavrov tại Liên Hợp Quốc.
“Nga muốn tái thiết Syria không chỉ vì lý do của riêng mình, mà còn xem đây là trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, nhà phân tích Matuzov nói.
Theo chuyên gia Hokayem, triển vọng tái thiết Syria vẫn còn thấp, tuy nhiên Nga hiện vẫn giữ vai trò cầm trịch tại Syria. Ông Hokayem cho rằng tiến trình hòa bình Astana về Syria mà Nga đạt được với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ thành công hơn nhiều so với các nỗ lực do phương Tây hoặc Liên Hợp Quốc dẫn đầu trước đây. “Nga luôn muốn đi trước một bước và có sức chịu đựng cao hơn khi phải đối mặt với những thăng trầm trong cuộc chiến tại Syria”, chuyên gia Hokayem cho biết.
Vài tuần tới được cho là giai đoạn sống còn với Syria. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Mistura nhận định tháng 10 sẽ là thời điểm “rất quan trọng” cho cả Idlib cũng như những nỗ lực của ông trong việc thúc đẩy hòa bình ở Syria.
Thành Đạt
Tổng hợp