1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vai trò của ASEAN trong hóa giải khủng hoảng ở Myanmar

Nguyễn Nhâm

(Dân trí) - Nỗ lực hòa giải của cả ASEAN và cộng đồng quốc tế là rất cần thiết vào lúc này để đưa Myanmar vượt khỏi cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài và đẫm máu.

Vai trò của ASEAN trong hóa giải khủng hoảng ở Myanmar - 1

Một người biểu tình trúng đạn của lực lượng an ninh đang được đưa đi cấp cứu tại Thingangyun, Yangon, Myanmar ngày 14/3 (Ảnh: Reuters).

Khủng hoảng Myanmar là vấn đề chung của ASEAN

Myanmar là một trong những quốc gia ở Đông Nam Á, là một phần không thể thiếu của ASEAN. Trên thực tế, sự kết nối giữa Myanmar và ASEAN vượt ra ngoài yếu tố địa lý. Tầm nhìn, chuẩn mực, giá trị, định hướng chính sách giúp các nước trong khu vực hợp tác với nhau như một tổ chức.

Chính sách trung lập, không liên kết, duy trì quan hệ thân thiện với tất cả các quốc gia, đặc biệt với các nước láng giềng là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Myanmar. Năm 1997, Myanmar trở thành thành viên chính thức của ASEAN trong khi vẫn giữ được bản sắc, nhận được sự công nhận trong khu vực.

Để tạo được sự thống nhất với Cộng đồng ASEAN, chính sách đối nội của Myanmar gắn kết chặt chẽ với mục tiêu hòa bình, ổn định khu vực. Myanmar tích cực đóng góp vào việc thực hiện các dòng hành động trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị An ninh ASEAN thông qua việc tuân thủ, thúc đẩy nguyên tắc đảm bảo quan hệ hài hòa giữa các quốc gia thành viên ASEAN.

Myanmar luôn hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên ASEAN để tạo tiếng nói chung, cùng phối hợp ứng phó với thay đổi địa chiến lược mới nổi hay bất ổn toàn cầu ngày càng gia tăng để thúc đẩy hòa bình, tiến bộ trong khu vực đồng thời mang lại lợi ích cho công dân ASEAN.

Vai trò quan trọng của Myanmar với ASEAN là vậy, nhưng đã hơn một tháng trôi qua từ cuộc chính biến ngày 1/2, chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc khủng hoảng chính trị tại Myanmar sẽ kết thúc.

Các chuyên gia dự báo, tình hình Myanmar có thể diễn biến theo ba kịch bản: Một là, chính quyền quân sự thỏa thuận thành lập chính phủ lâm thời có đại diện của quân đội, Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD), một số đảng phái khác hoặc nhượng bộ khôi phục chính quyền dân sự. Hai là, chính quyền quân sự nỗ lực chuẩn bị để đảng được quân đội hỗ trợ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử mới (khả dĩ nhất). Ba là, biểu tình, bạo lực lan rộng, bên ngoài can dự, khủng hoảng toàn diện, xung đột kéo dài.

Cho dù kịch bản khả thi nhất thì chính biến ở Myanmar cũng ảnh hưởng lớn đến sự ổn định, phát triển đất nước và đời sống người dân. Nền kinh tế Myanmar bị suy thoái, có nguy cơ rơi vào khủng hoảng. Mâu thuẫn sắc tộc, mâu thuẫn giữa NLD với quân đội có thể trầm trọng hơn. Myanmar vốn đã khó khăn, sau chính biến lại càng khó khăn hơn.

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho rằng tình hình chính trị ở Myanmar là diễn biến "nghiêm trọng" và là "bước lùi trong tiến trình dân chủ của đất nước". Ông đồng thời lo ngại những bất ổn ở Myanmar có thể ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Singapore khẳng định: "Khủng hoảng Myanmar càng để lâu sẽ không có lợi cho nước này nói riêng và toàn Đông Nam Á nói chung. ASEAN phải cho thấy khối này đủ khả năng bảo vệ các giá trị mình đang theo đuổi là quyền con người và quản trị dân chủ".

Sự nỗ lực hòa giải của ASEAN

Dù ráo riết chuẩn bị cho nỗ lực hòa giải tại Myanmar, ASEAN được dự báo sẽ gặp nhiều trở ngại. Theo đó, nếu ASEAN duy trì tiếp xúc với chính quyền quân sự Myanmar sẽ giúp lực lượng này củng cố tính chính danh, trong khi người dân Myanmar đang quyết liệt tỏ ý không chấp nhận sự lãnh đạo của quân đội. Tuy nhiên, nếu không tiếp xúc với chính quyền quân sự thì ASEAN không thể giải quyết được khủng hoảng, bởi lực lượng này đang là bên nắm quyền cao nhất tại nước này.

ASEAN cũng sẽ rất khó có thể làm trung gian để hai bên Myanmar đối thoại khi gần như toàn bộ lãnh đạo chính quyền dân sự đã bị phía quân đội bắt giữ. Hơn nữa, ASEAN cũng không thể công khai thúc giục Myanmar một cách quá quyết liệt, vì điều đó đồng nghĩa với vi phạm nguyên tắc ASEAN, can thiệp sâu vào tình hình chính trị nội bộ của các quốc gia thành viên.

Theo giới quan sát, để kịch bản khả thi nhất, tức chính quyền quân sự Myanmar nỗ lực chuẩn bị để đảng được quân đội hỗ trợ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử mới có thể diễn ra, điều quan trọng là ASEAN và cộng đồng quốc tế cần phối hợp hành động để có thể giúp giải quyết khủng hoảng chính trị ở Myanmar.

Các giải pháp được ASEAN hướng tới bao gồm cả việc hỗ trợ các nỗ lực nhân đạo; kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tham gia đối thoại, duy trì tiếp xúc với chính quyền quân sự, bảo đảm cho lực lượng này giữ đúng lời hứa tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực. 

Theo tuyên bố của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN sau cuộc họp thảo luận tình hình Myanmar ngày 2/3, quân đội Myanmar cần trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân sự, trong đó có bà Aung San Suu Kyi. ASEAN cũng cam kết không vi phạm "nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ" của nhau.

Chính quyền quân sự cũng được kêu gọi ngưng sử dụng bạo lực gây nguy hiểm đến tính mạng người dân và thực hiện tiến trình hạ nhiệt, nhằm ngăn chặn tình trạng đổ máu và thiệt mạng hiện nay. Đồng thời, các bên ở Myanmar tham gia đối thoại đa phương để tìm ra các giải pháp chính trị lâu dài, bao gồm cả việc trở lại với quá trình dân chủ hóa ở nước này.

Mặc dù không có lệnh trừng phạt tổng thể mang tính phối hợp quốc tế, nhưng một số quốc gia đã đơn phương áp đặt trừng phạt Myanmar sau vụ chính biến. Tuy nhiên, theo Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, nếu áp đặt các biện pháp trừng phạt thì người chịu thiệt hại sẽ không phải quân đội, hay các tướng lĩnh mà chính là người dân Myanmar. Các biện pháp trừng phạt sẽ tước đi thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm và cơ hội học hành của người dân nước này.

Như vậy, sự nỗ lực hòa giải của ASEAN rất quan trọng cho ổn định chính trị ở Myanmar, hòa bình và an ninh khu vực. Kavi Chongkittavorn, nhà nghiên cứu thuộc Viện An ninh và Quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), cho rằng uy tín và vai trò trung tâm của ASEAN trong mắt cộng đồng quốc tế tùy thuộc rất lớn vào mức độ thành công của những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng tại Myanmar.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm