1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vắc-xin lao có thể hiệu quả trong phòng chống Covid-19

(Dân trí) - Một nghiên cứu cho thấy những nước có chính sách tiêm chủng bắt buộc một loại vắc-xin phòng bệnh lao có số ca tử vong vì Covid-19 thấp hơn quốc gia không có chính sách này.

Vắc-xin lao có thể hiệu quả trong phòng chống Covid-19 - 1

Vắc-xin BCG đang được xem xét thử nghiệm khả năng chống virus SARS-CoV-2 (Ảnh minh họa: iStock)

Theo Bloomberg, một nghiên cứu được đăng tải trên trang medRxiv đã chỉ ra mối liên hệ tương quan giữa chính sách bắt buộc người dân tiêm vắc-xin BCG phòng lao của một số nước với số ca nhiễm và tử vong vì virus corona mới (SARS-COV-2). Cụ thể, những nước có chính sách bắt buộc phải dùng BCG được cho là có số ca Covid-19 và số người thiệt mạng vì dịch bệnh thấp hơn nhiều so với những nước không có chính sách nói trên.

Gonzalo Otazu, chuyên gia từ viện Công nghệ New York - một trong những tác giả của nghiên cứu nói trên, bắt đầu nghiên cứu về tác dụng của vắc-xin BCG sau khi chứng kiến số lượng ca Covid-19 ở mức thấp tại Nhật Bản. Quốc gia Đông Á là một trong những nước ghi nhận trường hợp nhiễm virus corona mới sớm nhất ở châu Á bên ngoài Trung Quốc nhưng hiện vẫn chưa ban hành các biện pháp phong tỏa như nhiều nước khác.

Chuyên gia Otazu nói rằng ông biết về một nghiên cứu trước đó nói rằng vắc-xin BCG được cho không những bảo vệ con người khỏi vi khuẩn lao mà còn một số bệnh truyền nhiễm khác. Vì vậy, nhóm của ông đã tiến hành chạy các mô hình dữ liệu ở các nước có chương trình tiêm chủng bắt buộc BCG. Sau đó, họ so sánh với số lượng ca Covid-19 ghi nhận và số ca tử vong để tìm ra mối tương quan.

Trong các nước phát triển có số ca Covid-19 lớn, Mỹ và Italia khuyến nghị tiêm vắc-xin BCG nhưng chỉ cho người có nguy cơ. Trong khi đó, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Anh từng có chính sách tiêm vắc-xin BCG nhưng đã chấm dứt nhiều năm trước. Trung Quốc cũng có chính sách nói trên nhưng không được thực thi hiệu quả trước năm 1976, theo ông Otazu. Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc - 2 quốc gia được xem đã có dấu hiệu kiểm soát được dịch - có chính sách tiêm chủng toàn quốc vắc-xin BCG.

Thế giới hiện có trên 1 triệu ca Covid-19 và hơn 50.000 nghìn ca thiệt mạng. Trong bối cảnh này, các nhà nghiên cứu đang tìm cách để kiểm soát Covid-19. Để chế tạo vắc-xin mới, thế giới cần tối thiểu hơn 1 năm. Đó là lý do vì sao giới nghiên cứu đang xem xét các lựa chọn có sẵn, bao gồm vắc-xin BCG, để ngăn chặn Covid-19, theo giáo sư đại học Toronto (Canada) Eleanor Fish.

Nghiên cứu của ông Otazu hiện vẫn chưa được bình duyệt.

Nghiên cứu dùng vắc-xin BCG phòng chống Covid-19

Hiện nghiên cứu liên quan tới việc dùng vắc-xin BCG cũng đang được tiến hành ở Australia, Đan Mạch, Đức, Anh, Mỹ và Hà Lan.

Hiện các bác sĩ lâm sàng ở các nước đang thử nghiệm tiêm cho các nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi vắc-xin BCG để quan sát mức độ bảo vệ của vắc-xin này trước virus gây nên bệnh Covid-19, theo Bloomberg.

Chuyên gia Mihai Netea từ đại học Y Radboud (Hà Lan) cho rằng vắc-xin BCG có thể tạo nên “dấu ấn” để hệ miễn dịch nhạy cảm hơn với bất cứ virus nào có cơ chế tấn công như vi khuẩn lao. Từ đó, hệ miễn dịch của những người dùng BCG có thể hoạt động hiệu quả hơn những người không được tiêm.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo ngay cả khi BCG có hiệu quả, không có lý do gì để người dân tích trữ loại vắc-xin này.

“Mọi người không nên thu mua đồng loạt BCG. Vẫn có khả năng vắc-xin này có thể làm gia tăng nguy cơ nhiễm virus corona, nhưng các nhà khoa học chưa thể biết chính xác cho tới khi các thử nghiệm lâm sàng hoàn tất”, ông Otazu cảnh báo.

Đức Hoàng

Theo Bloomberg

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm