Vạch trần các hành vi tăng tốc bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông
(Dân trí) - Các diễn biến trên Biển Đông cho thấy vùng biển chiến lược này ngày càng nóng lên với các hành vi bành trướng của Trung Quốc, dẫn tới sự hiện diện ngày càng tăng của nhiều nước lớn trên thế giới.
Kể từ đầu năm 2021, Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động nhằm phục vụ các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp trên Biển Đông, tiếp tục làm suy yếu tuyên bố chủ quyền của các nước Đông Nam Á thông qua hoạt động trên thực địa cũng như hoạt động tuyên truyền về yêu sách chủ quyền phi lý.
Gần đây, Trung Quốc có hàng loạt các hành động vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Từ ngày 7/3, hơn 200 tàu vỏ sắt Trung Quốc neo đậu trái phép tại bãi Ba Đầu trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các tàu này được tin là thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc.
Ngày 1/4, Thời báo Hoàn Cầu đưa tin, quân đội Trung Quốc bắt đầu loạt tập trận quân sự mới ở Biển Đông và kéo dài đến hết tháng 4. Cuộc tập trận quân sự này diễn ra ở phía Tây của Bán đảo Lôi Châu. Đợt tập trận diễn ra sau 20 năm ngày xảy ra vụ va chạm trên không giữa máy bay đánh chặn của Trung Quốc với máy bay trinh sát hàng hải của hải quân Mỹ ở Biển Đông.
Cùng thời gian trên, Trung Quốc đưa trái phép 3 tàu hải quân đến bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa - một trong 3 bãi đá mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép và xây dựng hạ tầng quy mô lớn. Trước đó, trong hai ngày 29 và 30/3, Bắc Kinh còn tiến hành tập trận quân sự trong khu vực nằm giữa phía nam đảo Hải Nam của Trung Quốc và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà nước này chiếm đóng trái phép.
Hải quân Trung Quốc mới đây cũng đưa tàu sân bay Liêu Ninh cùng 5 tàu hộ tống tiến hành tập trận quanh đảo Đài Loan. Ngày 10/4, truyền thông Hong Kong đưa tin nhóm tàu tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đã bắt đầu tiến vào Biển Đông.
Một điều đáng chú ý là từ khi ban hành Luật hải cảnh mới, Trung Quốc cho phép lực lượng hải cảnh tăng cường sự hiện diện trên các vùng biển. Đặc biệt, Trung Quốc trao quyền cho lực lượng hải cảnh được phép thực thi các nhiệm vụ tác chiến phòng ngự với vai trò là một đơn vị vũ trang bán quân sự và sẽ dần hợp nhất với hải quân. Lực lượng này được dự đoán sẽ đẩy mạnh hoạt động trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Trung Quốc đang nghiên cứu thiết bị không người lái, gồm tàu nổi, máy bay và thiết bị tự hành dưới nước. Một số chuyên gia cảnh báo thiết bị đó sẽ giúp Bắc Kinh gia tăng đáng kể khả năng "quấy rối" ở Biển Đông. Chuyên gia an ninh Timothy Heath thuộc tổ chức nghiên cứu RAND (Mỹ) cho rằng, những thiết bị không người lái có thể cung cấp thông tin tình báo cho các tàu tuần duyên cũng như tàu và máy bay hải quân.
Cùng các hoạt động trên thực địa, chiến dịch tuyên truyền về yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông của Bắc Kinh cũng đang được mở rộng thông qua rất nhiều cách thức như cài cắm "đường lưỡi bò" trong các tài liệu hội thảo, phim ảnh, gây sức ép với các nhãn hàng nước ngoài sử dụng bản đồ phi pháp...
Những động thái mới của Trung Quốc trên Biển Đông được cho là nhắm đến mục tiêu hiện thực hóa những tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana, Bắc Kinh đang tìm cách chiếm thêm nhiều khu vực ở Biển Đông.
Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Macquarie (Australia) Ben Schreer cho rằng, hoạt động của nhóm tàu sân bay thể hiện tham vọng của Trung Quốc về lãnh thổ. Ông bình luận: "Đó là một tín hiệu cho Nhật Bản, Mỹ và các nước khác trong khu vực rằng hải quân Trung Quốc đang dần phát triển khả năng tác chiến tàu sân bay, dù hiện tại họ vẫn chưa đạt được điều này".
Mỹ và nhiều nước lên tiếng mạnh mẽ
Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hành động bành trướng, Mỹ đã tỏ ra quyết tâm tiếp tục tham gia tích cực vào các chương trình tăng cường năng lực trên biển, đồng thời duy trì nỗ lực thúc đẩy tự do đường biển và đường không trong khu vực.
Ngày 9/4, nhóm tác chiến đổ bộ USS Makin và nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã hội tụ trên Biển Đông để diễn tập hải quân đa mặt trận. Chuyên gia Ben Schreer cho biết, tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông nhằm phản đối các yêu sách vô lý của Bắc Kinh và báo hiệu cho các đồng minh, như Philippines, rằng Washington là một "đồng minh hiệp ước đáng tin cậy và có năng lực".
Canada, Nhật Bản, Australia, Anh đã chỉ trích những hành động của Trung Quốc gây leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Canada cho rằng Bắc Kinh đang "phá hoại sự ổn định khu vực", theo đài ABS-CBN News. Australia "quan ngại về những hành động gây mất ổn định mà có thể gây leo thang tình hình" ở Biển Đông. Các nước Anh, Pháp, Đức đều đã có kế hoạch triển khai tàu chiến tới Biển Đông nhằm thúc đẩy tự do hàng hải trong khu vực, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Mỹ và Đài Loan ngày 25/3 đã ký thỏa thuận về việc thành lập Nhóm công tác tuần duyên nhằm phối hợp chính sách trong bối cảnh các hành động trên biển của Trung Quốc đang gây ra lo ngại trong khu vực. Cuộc họp "2 + 2" giữa ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Indonesia ngày 30/3 được xem như tín hiệu thể hiện sự phản đối các hoạt động khiêu khích gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông.
Philippines tiếp tục gửi công hàm phản đối các tàu Trung Quốc hiện diện ở vùng biển tranh chấp trên Biển Đông và tuyên bố sẽ gửi công hàm "mỗi ngày" cho đến khi "các tàu của Trung Quốc rời đi". Bộ Quốc phòng Philippines ngày 8/4 cho biết, nước này sẽ "để ngỏ mọi quyết định ở Biển Đông bao gồm hợp tác với các quốc gia khác như Mỹ".
Với vai trò trung tâm khu vực, tại hội nghị trực tuyến Quan chức Cao cấp (SOM), ngày 7/4, ASEAN nhấn mạnh lập trường nguyên tắc, yêu cầu kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, đề cao luật pháp quốc tế, đảm bảo hòa bình, ổn định, tự do an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông.