1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Uy lực đáng gờm của tàu ngầm “thợ săn đại dương” Nga

(Dân trí) - Dù là tàu ngầm phi hạt nhân, tàu ngầm Petropavlovsk-Kamchatsky sắp vào biên chế Nga vẫn được giới chuyên gia quân sự đánh giá rất cao với những tính năng mạnh mẽ khi tác chiến.

Uy lực đáng gờm của tàu ngầm “thợ săn đại dương” Nga - 1

Quân nhân Nga đứng trên thân tàu Petropavlovsk-Kamchatsky  (Ảnh: Sputnik)

Theo Sputnik, Hạm đội Thái Bình Dương Nga đã được nhận bàn giao tàu ngầm tấn công lớp Varshavyanka dự án 636.3 mang tên Petropavlovsk-Kamchatsky từ hồi cuối tháng trước. Vũ khí được trang bị khả năng phóng tên lửa hành trình Kalibr này dự kiến sẽ chính thức vào biên chế trong năm tới.

B-274 Petropavlovsk-Kamchatsky là tàu ngầm thông thường chạy bằng diesel-điện. Forbes gọi B-274 là vũ khí “không giống bất cứ tàu ngầm nào có trong hải quân Mỹ” vì lần cuối cùng mà Washington cho biên chế tàu ngầm phi hạt nhân là những năm 1950 thế kỷ trước.

Tuy nhiên, việc không chạy bằng năng lượng hạt nhân không có nghĩa là B-274 không phải là một vũ khí uy lực.

Theo Forbes, một trong những lợi thế của tàu ngầm hạt nhân là chúng có tầm hoạt động không giới hạn, có thể thực hiện tuần tra với thời gian tính bằng tháng, so với những tàu thông thường chỉ tính bằng tuần.

Tàu ngầm hạt nhân cũng nhanh hơn và có nhiều năng lượng dôi dư để  cung cấp năng lượng cho thiết bị sóng âm phản xả loại mảng. Tại các đại dương, điều này giúp cho các tàu có tính sát thương cao hơn vì các vũ khí này có thể phát hiện đối thủ ở khoảng cách xa hơn, từ đó di chuyển nhanh hơn để vào vị trí hoặc tránh xa rắc rối, theo Forbes.

Tuy nhiên, những tàu phi hạt nhân như lớp Varshavyanka cũng có điểm mạnh riêng khi tác chiến. Các tàu chạy diesel-điện có lợi thế lớn nhất chính là kích thước nhỏ hơn, giá thành chế tạo rẻ hơn, yêu cầu phi hành đoàn ít người hơn và có thể biến nó trở thành “thợ săn biển sâu” hoàn hảo. Ngoài ra, các tàu Varshavyanka có thể “tắt hầu hết toàn bộ hệ thống và nằm im lìm dưới đáy biển, khiến nó rất khó để có thể truy dò được dưới lòng đại dương”.

Với kích thước nhỏ, những tàu ngầm này có thể hoạt động ở khu vực nước nông, tiếp cận gần hơn với bờ, hỗ trợ các nhiệm vụ của đội thợ lặn hoặc tiến hành đặt mìn ở các kênh có kích thước hẹp.

Điều quan trọng hơn cả, khác với học thuyết hải quân Mỹ khi yêu cầu các tàu chiến phải có khả năng triển khai ở hàng trăm căn cứ quân sự của Mỹ trên toàn cầu, Nga hầu hết triển khai tàu ngầm tấn công ở khu vực gần căn cứ của họ trên Biển Đen, Biển Baltic, Biển Bắc và Thái Bình Dương trong kịch bản chiến tranh xảy ra.

Tàu ngầm lớp Varshavyanka là biến thể hiện đại hóa của lớp tàu Paltus dự án 877, vốn được Mỹ mệnh danh là “hố đen đại dương” do khả năng “ẩn thân” ấn tượng, rất khó để bị dò ra dưới lòng đại dương.

Với khả năng mang theo 52 thủy thủ đoàn, tàu ngầm Varshavyanka có thể đạt tới tốc độ tối đa 37 km/h và hoạt động được trong 45 ngày dưới biển. Nó được trang bị 18 quả ngư lôi, 24 quả mìn, 8 tên lửa. Nó cũng được bổ sung khả năng cho phép tấn công bằng tên lửa uy lực Kalibr.

Nga coi các tàu này là vũ khí chiến lược có khả năng dò tìm và tấn công tàu ngầm, tàu nổi của đối thủ trước khi các tàu địch có thể dò và định vị được.

Đức Hoàng

Theo Spunik