1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ước nguyện dang dở của gia đình Shinawatra (Kỳ 1)

Ít người biết được rằng gia đình Shinawatra đầy quyền lực tại Thái Lan lại là người Trung Quốc nhập cư.

Năm 2003, trong một buổi diễn thuyết ở Manila, Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra tâm sự: “Tuy sinh ra trong một gia đình trung lưu nhưng tôi biết những đau khổ của người nghèo nông thôn, tôi đã học được nhiều điều từ những vất vả của họ”. Đúng vậy, mọi người thường chỉ biết anh em nhà Shinawatra sinh ra trong một gia đình giàu có, quyền lực được trọng vọng trong xã hội nhưng ít người biết được gốc gác của gia đình quyền lực này là người Trung Quốc nhập cư.

Bà Pasuk Phongpaichit - Giáo sư của trường đại học kinh tế Chulalongkorn của Thái Lan và chồng bà - học giả quốc tế Chris Baker đã giành nhiều năm tâm huyết để nghiên cứu mối quan hệ tương tác giữa giới doanh nhân và đời sống chính trị - xã hội Thái Lan. Trong con mắt của họ, gia tộc trăm năm của dòng họ Shinawatra chính là hình ảnh thu nhỏ, đại diện cho những biến động về chính trị và xã hội Thái Lan hơn 100 năm qua.

Niềm vui của đại gia đình Shinawatra khi ông Thaksin đắc cử Thủ tướng Thái Lan năm 2001
Niềm vui của đại gia đình Shinawatra khi ông Thaksin đắc cử Thủ tướng Thái Lan năm 2001

Sự phát triển của một gia tộc Hoa Kiều di cư

Vào thập niên 60 của thế kỷ 19, một người đàn ông gốc gác ở huyện Phong Thuận - thành phố Mai Châu - tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc tên là Khâu Xuân Thịnh đã mang cả gia đình di cư đến Bangkok, sau đó lại chuyển đến sinh sống ở Chiang Mai vào năm 1908. Bắt đầu từ năm 1921, tuyến đường sắt được mở nối liền tỉnh lỵ biên viễn này đến với trung tâm thương mại của đất nước là thủ đô Bangkok và con đường phát triển của gia tộc họ Khâu cũng bắt đầu đi lên từ đó.

Năm 1932 người con trai cả là ông Khâu Xương mở một nhà máy, nhập khẩu tơ lụa từ Trung Quốc, Iran và Myanmar, tham khảo những thợ thiết kế giỏi và các mẫu mốt thịnh hành nhất ở Bangkok. Các sản phẩm của gia đình họ Khâu dần trở nên nổi tiếng, thậm chí họ còn nhận được sự ưu ái của Hoàng gia Thái Lan. Vị thương nhân thành đạt Khâu Xương này chính là ông nội của nguyên Thủ tướng Thaksin Shinawatra và đương kim Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra.

Khâu Xương cũng như cha mình, lấy một bà vợ người Thái và không bao giờ trở lại Trung Quốc. Căn cứ vào luật pháp lúc đó của Thái Lan, người Hoa sinh sống 3 thế hệ ở quốc gia này có thể được nhập quốc tịch và mang họ Thái Lan. Năm 1938, ông Khâu Xương đã lấy họ Shinawatra và từ đó gia đình này ngày càng thắt chặt quan hệ với các gia tộc thương gia khác ở Chiang Mai, mở rộng kinh doanh các ngành nghề xay xát, vận tải và bán lẻ.

Cha của ông Thaksin và bà Yingluck là ông Lert Shinawatra, sinh năm 1919, kết hôn với bà Yindi Ramingwong và sinh ra được 9 người con, trong đó ông Thaksin là con trai trưởng và bà Yingluck là con gái út, kém anh mình 18 tuổi. Khi ông Thaksin chào đời năm 1949, dòng họ Shinawatra đã trở thành gia tộc lớn nhất nhì ở tỉnh này. Tuy nhiên, phát triển kinh doanh không phải là mục đích duy nhất của dòng họ này vì xã hội Thái lan vốn có truyền thống “trọng quan, khinh thương”.

Sự nghiệp chính trị của gia tộc Shinawatra

Kể từ năm 1932, khi bắt đầu chế độ quân chủ lập hiến, quân đội trở thành lực lượng mạnh nhất trên vũ đài chính trị Thái Lan, lãnh đạo chính phủ đều xuất thân từ quân đội. Bắt đầu từ đời cha, chú của Thủ tướng Yingluck, các thành viên của gia tộc đều nỗ lực gia nhập quân đội, thậm chí bác ruột của bà Yingluck đã đeo đến hàm tướng, 2 con trai cũng là sĩ quan cao cấp, hầu như cả dòng họ Shinawatra đều đảm nhận các chức vụ cao trong chính giới Chiang Mai.

Đến năm 1950, ông Lert Shinawatra bắt đầu tiếp quản sản nghiệp của dòng họ, sau đó mở thêm một tiệm cà phê. Bước vào thập niên 60, ông Lert cũng bắt đầu đi theo con đường chính trị. Đến năm 1967, ông được bầu làm nghị sĩ của Chiang Mai, năm tiếp theo được bầu làm Chủ tịch hạ viện tỉnh này, đến năm 1970, ông đắc cử nghị sĩ quốc hội. Năm 1976, hết nhiệm kỳ chính phủ do Hoàng Tử Kukrit Pramoj đứng đầu, ông chính thức rời bỏ chính trị.

Năm 1975, sau khi du học ở Mỹ về, ông Thaksin Shinawatra được nhận vào làm công tác bảo vệ Quốc hội. Đây cũng chính là xuất phát điểm đầu tiên của ông trên con đường sự nghiệp chính trị và cựu Thủ tướng Thaksin đã nỗ lực phát triển song song cả sự nghiệp chính trị và sản nghiệp thương mại. Năm 1997, cơ nghiệp của dòng họ Shinawatra vẫn đứng vững sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á thì đến tháng 7/1998, ông cùng một số bạn bè thành lập "Đảng người Thái yêu người Thái” (Thai Rak Thai).

Trong cuộc tuyển cử tháng 1/2001, Đảng này đã giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện và ông Thaksin đã trở thành người đầu tiên của dòng họ Shinawatra nắm giữ chức vụ Thủ tướng Thái Lan. Tính đến thời điểm này, gia sản của dòng họ Shinawatra đã lên tới khoảng 5,5 tỷ baht trong các lĩnh vực kinh doanh truyền hình, điện thoại di động, máy tính, bệnh viện tư nhân... Năm 2005, Thai Rak Thai tiếp tục thắng cử giúp ông trở thành Thủ tướng liên nhiệm kỳ 23 và 24 của Thái Lan.

Sau khi Thủ tướng Thaksin bị lật đổ trong một cuộc binh biến do giới quân đội cầm đầu, khi ông đang sang Mỹ tham dự một Hội nghị của Liên hợp quốc vào năm 2006, những tưởng sự nghiệp chính trị của gia tộc Shinawatra đã chấm dứt vì lúc đó trong gia đình này duy nhất chỉ có ông là bộc lộ thiên hướng và đam mê chính trị, đồng thời cũng là người có khả năng nhất. Tuy nhiên, người anh cả đã lựa chọn cô em gái út để thay mình bước vào vũ đài chính trị.

(Còn tiếp)
 
Theo Toàn Thắng

Petrotimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm