1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ứng viên hạ viện California phản đối ông Trump định bỏ quyền "sinh ở Mỹ là có quốc tịch"

(Dân trí) - Bà Christy Smith, người đang tranh cử vào hạ viện California, bang đa dạng về sắc tộc và có cộng đồng người Việt đông đảo, cho biết bà phản đối kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald nhằm xóa bỏ chính sách cấp quốc tịch cho trẻ em sinh ra tại Mỹ.


Bà Christy Smith, hiện đang tranh cử vào Hạ viện bang California, và Thượng nghị sĩ bang California Kevin de León, hiện đang tranh cử vào Thượng viện Mỹ (trái) gặp gỡ các phóng viên quốc tế tại Calfornia ngày 1/11. (Ảnh: An Bình)

Bà Christy Smith, hiện đang tranh cử vào Hạ viện bang California, và Thượng nghị sĩ bang California Kevin de León, hiện đang tranh cử vào Thượng viện Mỹ (trái) gặp gỡ các phóng viên quốc tế tại Calfornia ngày 1/11. (Ảnh: An Bình)

“Tôi phản đối kế hoạch. Chúng tôi là một đất nước của những người nhập cư và chúng tôi chào đón họ. Tôi nghĩ rằng những người sinh ra tại đây được tự động có quốc tịch”, bà Christy Smith, ứng viên của đảng Dân chủ hiện đang tranh cử vào hạ viện California đại diện cho quận thứ 38, nói trong cuộc gặp gỡ đoàn nhà báo quốc tế tại California trước cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 6/11.

Trước đó, Tổng thống Trump ngày 30/10 đã công bố ý định đưa ra một sắc lệnh hành pháp để chấm dứt quyền được cấp quốc tịch của những trẻ em sinh tại Mỹ.

“Chúng ta là nước duy nhất trên thế giới nơi một người tới đây và sinh con, và đứa trẻ đó nghiễm nhiên trở thành công dân Mỹ với đầy đủ các quyền lợi”, ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn với trang tin Axios. “Điều đó thật lố bịch… và cần bị chấm dứt”.

Vào ngày 6/11 tới, nước Mỹ sẽ tiến hành cuộc bầu cử giữa kỳ, với tất cả 435 ghế tại Hạ viện, 36 ghế tại Thượng viện sẽ được bầu lại. Cử tri cũng bầu 36 ghế thống đốc và các cơ quan lập pháp tại từng bang trên khắp nước Mỹ. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump có nguy cơ mất quyền kiểm soát Hạ viện, một viễn cảnh có thể khiến chương trình nghị sự của ông bị gây khó dễ hoặc ngăn chặn.

Trên thực tế, Mỹ là một trong số vài quốc gia trên thế giới cho phép cấp quyền công dân đối với những trẻ em sinh tại Mỹ của công dân ngoại quốc. Trong số các quốc gia khác cũng cho phép quyền này có Mexico và Canada.

Ông Bob Schrum, Giáo sư về khoa chính trị tại Đại học Nam California, cho hay không có mấy học giả tin rằng Tổng thống Trump có thể ban hành một sắc lệnh hành pháp để bãi bỏ Tu chính án số 14 của Hiến pháp Mỹ, vốn quy định cấp quyền công dân cho bất kỳ ai sinh tại Mỹ.

Theo Giáo sư Schrum, ông Trump đang làm mọi cách để thu hút cử tri đối chính sách nhập cư của chính quyền mà không quan tâm tới việc liệu kế hoạch của ông có nhận được sự phê chuẩn của quốc hội Mỹ hay không.

“Tôi nghĩ rằng ông ấy không quan tâm tới điều đó. Ông ấy chỉ đang cố gắng đưa nó trở thành vấn đề lớn, có tính chất chi phối trong cuộc bầu giữa kỳ mà thôi”, ông Schrum nói với đoàn phóng viên quốc tế tại Đại học Nam California.


Giáo sư Bob Schrum trong cuộc trò chuyện với các phóng viên tại Đại học Nam California. (Ảnh: An Bình)

Giáo sư Bob Schrum trong cuộc trò chuyện với các phóng viên tại Đại học Nam California. (Ảnh: An Bình)

Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa, trong đó có Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, cho hay họ ủng hộ kế hoạch của ông Trump nhằm chấm dứt quyền công dân của trẻ em ngoại quốc sinh tại Mỹ. Ông Graham cũng có kế hoạch đề xuất một dự luật tương tự tại Thượng viện.

Tuy nhiên, đảng Dân chủ và những người theo chủ nghĩa tự do đã lên tiếng cảnh báo về kế hoạch của ông Trump, khi Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ và những người khác gọi kế hoạch này là “vi hiến”.

“Đây rõ ràng là một nỗ lực vi hiến nhằm gieo rắc chia rẽ và thổi bùng thù hận vào thời điểm ngay trước cuộc bầu cử giữa kỳ”, New York Times dẫn lời Omar Jadwat, giám đốc dự án Quyền của người nhập cư thuộc Liên đoàn tự do dân sự Mỹ (ACLU).

Nước Mỹ nóng vấn đề nhập cư trước thềm bầu cử


Tổng thống Trump đang đưa ra chính sách cứng rắn với người nhập cư. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Trump đang đưa ra chính sách cứng rắn với người nhập cư. (Ảnh: Reuters)

Việc Tổng thống Trump liên tiếp đưa ra những bình luận gây tranh cãi về vấn đề nhập cư như triển khai hàng nghìn binh sĩ tới với biên giới với Mexico hay chấm dứt quy định trẻ em sinh tại Mỹ được cấp quốc tịch khiến vấn đề nhập cư trở nên nóng hơn bao giờ hết, ngay trước thềm cuộc bầu giữa kỳ quan trọng.

Trong vài ngày qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở thành trung tâm của những tranh cãi liên quan tới vấn đề nhập cư. Trên thực tế, vấn đề nhập cư chưa bao giờ hết nóng kể từ khi ông Trump đắc cử tổng thống năm 2016 trong một chiến dịch tranh cử mà ông dùng vấn vấn đề nhập cư để "lấy lòng" cử tri. Trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa là tới cuộc bầu cử giữa kỳ, vốn quyết định xem đảng Cộng hòa của ông có giữ được quyền kiểm soát lưỡng viện của quốc hội hay không, ông chủ Nhà Trắng dường như đang đẩy vấn đề nhập cư lên cao độ để lấy lòng các cử tri vốn lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhập cư tại Mỹ.

Ngày 1/11, ông chủ Nhà Trắng đã đăng tải một video quảng cáo trong đó kịch liệt công kích đảng Dân chủ về vấn đề nhập cư, khiến những người chỉ trích gọi ông là “phân biệt chủng tộc”.

“Kẻ di cư bất hợp pháp, Luis Bracamontes, đã giết các công dân của chúng ta. Đảng Dân chủ cho phép hắn ở lại nước Mỹ”, đoạn quảng cáo dài 53 giây được Tổng thống Trump đăng tải trên Twitter viết, đề cập tới một di dân lậu từ Mexico từng sát hại 2 cảnh sát tại (Sacramento) California trong vụ tấn công hồi năm 2014.


Người nhập cư từ Trung Mỹ đang tiến về biên giới giữa Mexico và Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Người nhập cư từ Trung Mỹ đang tiến về biên giới giữa Mexico và Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Cũng trong tuần này, Tổng thống Trump thông báo, Mỹ có thể điều 15.000 quân tới biên giới với Mexico để ngăn chặn dòng người di cư từ Trung Mỹ, chỉ vài ngày sau tuyên bố có thể điều 5.000 binh sĩ tới khu vực này.

Ông chủ Nhà Trắng gọi những người di cư từ Trung Mỹ là một mối đe dọa an ninh đối với nước Mỹ. Họ là những người rời bỏ quê hương để tránh bạo lực và đói nghèo để tiến tới biên giới với Mỹ thông qua Mexico. Ông Trump ví đoàn người này là “một cuộc xâm chiếm”.

Giới chức Mexico ước tính quy mô của đoàn người di cư vốn rời Honduras hồi giữa tháng 10 vào khoảng từ 2.800-3.000 người. Các đoàn khác kể từ đó cũng tiếp tục tiến về biên giới Mỹ.

Tổng thống Trump một lần nữa đẩy cao vấn đề nhập cư khi nói rằng chính quyền của ông có kế hoạch yêu cầu những người nhập cư xin tị nạn tại Mỹ phải đến nước này thông qua con đường nhập cảnh hợp pháp.

“Những người di cư muốn xin tị nạn phải ra trình diện hợp pháp tại tại một cửa khẩu”, ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 1/11, gọi đoàn người di cư từ Trung Mỹ là “mối đe dọa nguy hiểm”. “Những ai chọn cách vi phạm luật pháp Mỹ và vào nước này bất hợp pháp sẽ không thể dùng những tuyên bố vô tích sự để được vào đất nước của chúng ta”.

Không rõ là kế hoạch có vượt qua được sự phê chuẩn của quốc hội hay không mặc dù ông Trump nói điều này là có thể. Ông nói thêm rằng một sắc lệnh hành pháp đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng không cung cấp các thông tin chi tiết.

Theo quy định của luật pháp liên bang, bất kỳ người nhập cư nào vào Mỹ đều có thể xin tị nạn, bất kể là người này có vào nước này thông qua một cửa khẩu hợp pháp hay không.

Theo ứng viên hạ viện bang California Christy Smith, nhập cư là cũng một vấn đề rất đáng chú ý tại bang miền tây nước Mỹ, nơi có nhiều cộng đồng gốc Á.

“California là bang đa dạng nhất về sắc tộc trong số toàn bộ 50 bang tại Mỹ. Chúng tôi là một cộng đồng đa dạng về văn hóa, tôn giáo, sắc tộc và chúng tôi kiểm soát tốt điều đó”, bà nói.

“Thật khó khăn khi chứng kiến giọng điệu chỉ trích kịch liệt đối với người nhập cư từ Washington, D.C. Tôi mong rằng ông ấy (Tổng thống Trump) sẽ không có cơ hội tái đắc cử sau 2 năm nữa”, bà Christy nói.

An Bình