1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ủng hộ Indonesia thay cách gọi khu vực ở Biển Đông, Mỹ khiến Trung Quốc “nóng mặt”?

(Dân trí) - Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đồng ý với kế hoạch đổi tên vùng biển tranh chấp với Trung Quốc của Indonesia trên Biển Đông có thể sẽ khiến Bắc Kinh “nóng mặt”.

Ủng hộ Indonesia thay cách gọi Biển Đông, Mỹ khiến Trung Quốc “nóng mặt”?

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu (trái) tiếp người đồng cấp Mỹ Jim Mattis tại trụ sở Bộ Quốc phòng Indonesia ở Jakarta ngày 23/1 (Ảnh: Reuters)
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu (trái) tiếp người đồng cấp Mỹ Jim Mattis tại trụ sở Bộ Quốc phòng Indonesia ở Jakarta ngày 23/1 (Ảnh: Reuters)

“Là điểm tựa hàng hải ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, chắc chắn Indonesia sẽ đóng vai quan trọng”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Indonesia Ryamizard Ryacudu hôm 23/1. Ông Mattis cũng bày tỏ sự sẵn lòng của Mỹ trong việc chấp thuận kế hoạch đổi tên của Indonesia ở “điểm nóng” với Trung Quốc trên Biển Đông.

Tháng 7/2017, chính phủ Indonesia đã công bố bản đồ quốc gia mới được chỉnh sửa, trong đó đổi tên vùng đặc quyền kinh tế ở phía bắc quần đảo Natuna thành biển Bắc Natuna. Vùng biển này thuộc một phần của Biển Đông.

“Chúng tôi có thể giúp duy trì nhận thức hàng hải về Biển Đông, về biển Bắc Natuna. Đây là điều mà chúng tôi đang chờ đợi được làm”, Bộ trưởng Mattis phát biểu tại họp báo.

Trung Quốc và Indonesia đã xảy ra nhiều vụ việc căng thẳng khi lực lượng hải quân Indonesia tiến hành bắt giữ nhiều tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển quanh Natuna và triển khai các hoạt động đánh bắt trái phép tại đây.

Indonesia cho biết nước này không có tranh chấp lãnh thổ trực tiếp với Trung Quốc trên Biển Đông nhưng Jakarta phản đối việc Trung Quốc đưa quần đảo Natuna vào bên trong “đường lưỡi bò” phi lý mà Bắc Kinh tự vẽ ra nhằm đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết vùng biển này.

Mặc dù không thách thức quyền kiểm soát quần đảo Natuna của Indonesia nhưng Trung Quốc tuyên bố nước này có quyền hàng hải và lợi ích chồng lấn ở khu vực này với Indonesia và yêu cầu hai nước cùng giải quyết. Tuy nhiên, Indonesia bác bỏ lập trường này của Bắc Kinh.

Ngay sau khi Indonesia đổi tên vùng biển, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối, cho rằng việc thay đổi “một tên gọi đã được quốc tế chấp thuận” sẽ dẫn tới “sự phức tạp và mở rộng tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định”, đồng thời không mang lại lợi ích cho mối quan hệ hòa bình song phương. Đáp lại, Indonesia khẳng định quyền đổi tên vùng biển thuộc lãnh thổ của nước này và tuyên bố biển Bắc Natuna thuộc lãnh thổ của Indonesia.

Trong cuộc họp báo với người đồng cấp Indonesia, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis nhiều lần sử dụng cụm từ Ấn Độ - Thái Bình Dương thay cho châu Á - Thái Bình Dương như trước đây. Ông chủ Lầu Năm Góc cũng từng nhiều lần bày tỏ quan ngại về những động thái đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông và Hoa Đông.

Thành Đạt

Theo SCMP