UNESCO phê phán danh sách 7 kỳ quan mới của thế giới
(Dân trí) - Tổ chức văn hóa Liên hợp quốc đã kịch liệt lên án ý tưởng của một tổ chức tư nhân, thu hút được gần 100 triệu người tham gia qua mạng internet và điện thoại di dộng, bình chọn <a href="http://www11.dantri.com.vn/Thegioi/2007/7/186689.vip">7 kỳ quan mới</a> của thế giới.
Người phát ngôn của Tổ chức Giáo dục - khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Sue Williams, thẳng thừng rằng: “Cuộc bình chọn này đáp ứng những tiêu chí và mục đích khác với UNESCO trong lĩnh vực di sản”.
Và bà khẳng định: “Chúng tôi có cái nhìn bao quát hơn”.
Cuộc bầu chọn 7 kỳ quan mới của thế giới do một tổ chức tư nhân của Thụy Sỹ phát động vào đầu năm 2007, cho phép người tham gia chọn 7 trong số 21 “ứng cử viên” đã được một ủy ban đánh giá của tổ chức này chọn lọc từ 77 “ứng cử viên” trên khắp thế giới.
Hôm thứ bảy vừa qua 7/7, nam diễn viên người Anh Ben Kingsley và nữ diễn viên Mỹ Hillary Swank đã công bố danh sách 7 kỳ quan mới của thế giới, trong một buổi lễ tại Sân vận động Ánh sáng ở Lisbon, Bồ Đào Nha, và được truyền hình tới khoảng 1,6 tỷ khán giả trên hơn 170 quốc gia.
Danh sách 7 kỳ quan mới của thế giới gồm có: Vạn lý trường thành của Trung Quốc, Đền Taj Mahal của Ấn Độ, thành cổ Petra ở Jordan, Đấu trường Colosseum của La Mã cổ đại, tượng chúa Jesus nhìn ra Rio de Janeiro, Brazil, Machu Picchu ở Peru và Chichen Itza ở Mexico.
Tuy nhiên, Christian Manhart, nhân viên phụ trách báo chí của UNESCO, lên án cuộc bình chọn trên, và cho rằng nó đã gửi một “thông điệp tiêu cực tới đất nước mà địa danh của họ không được lọt vào danh sách” 7 kỳ quan mới của thế giới.
“Tất cả những kỳ quan này đều đáng được hưởng một vị trí trong danh sách, nhưng điều làm chúng tôi không hài lòng là danh sách chỉ giới hạn có 7 kỳ quan”. Ông chỉ ra rằng, “thời xưa 7 kỳ quan là đủ, nhưng thế giới cổ đại nhỏ hơn thế giới của chúng ta ngày nay rất nhiều”.
Cuộc bình chọn trên là ý tưởng của nhà làm phim kiêm phụ trách bảo tàng Bernard Weber, sau khi những bức tượng Phật khổng lồ của Afghnistan tại Bamiyan bị quân Taliban phá hủy vào năm 2001. Một phần tiền thu được từ buổi lễ hôm thứ bảy sẽ dùng cho việc xây dựng lại những bức tượng trên.
Tuy nhiên theo Manhart, “UNESCO không ủng hộ việc xây dựng lại tượng Phật”, bởi chính những gì còn sót lại của các bức tượng mới làm nên giá trị của nó. Và nếu xây dựng những bức tượng mới, những gì còn sót lại sẽ bị phá hủy. Ngoài ra, theo Manhart, cũng rất khó có thể xây dựng lại được “tượng thần” của một đất nước.
Còn đối với cuộc bình chọn 7 kỳ quan mới của thế giới, Ai Cập, nước có Kim tự tháp Giza, kỳ quan của thế giới cổ đại duy nhất còn tồn tại, cũng lên án kịch liệt. Họ cho rằng danh sách kỳ quan mới hoàn toàn không có giá trị gì. “Cuộc bình chọn không có giá trị gì bởi số đông không làm nên lịch sử”, Zahi Hawass một quan chức phụ trách các di tích của Ai Cập nhận xét.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng không phát sóng lễ công bố 7 kỳ quan mới hôm 7/7 vừa qua, khiến hàng ngàn khách du lịch tới thăm Vạn lý trường thành hoàn toàn không hay gì về “danh hiệu” mới của nó.
“Như thường lệ, có rất nhiều khách tham quan tới đây vào ngày hôm nay, nhưng tôi không nghĩ họ đến là do Vạn lý trường thành được bầu chọn là một trong những kỳ quan mới của thế giới”, Hu Yang, một quan chức phụ trách đoạn Vạn lý trường thành gần Bắc Kinh cho biết.
Tuy nhiên, người dân Ấn Độ lại mở tiệc, bắn pháo hoa ăn mừng bên ngoài Taj Mahal, ngôi đền có từ thế kỷ 17 do vua Mughal xây dựng để tưởng nhớ đến người vợ quá cố của mình.
Còn tại Jordan, Faruq Hadidi, Bộ trưởng du lịch cho biết, khách du lịch đến thăm thành cổ Petra tăng “gấp đôi”. Và tại Peru, hàng trăm người tụ tập thành hàng dài gần 2,5km ở gần Machu Picchu để mừng chiến thắng.
Hàng ngàn người Mexico hò reo, vẫy cờ và đổ về kim tự tháp ở Chichen Itza, hân hoan trong niềm vui khi địa danh được xướng tên trong danh sách 7 kỳ quan mới của thế giới.
Và ở Rio de Janeiro, hàng trăm ngàn người nhảy múa, hát mừng bức tượng chúa Jesus của họ được bầu chọn là một trong 7 “kỳ quan” mới của thế giới.
Nguyên Hạ
Theo AFP