1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine xem xét rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân

(Dân trí) - Tức tối trước hành động thu hồi lãnh thổ của Nga, một nhóm nghị sĩ Ukraine đã đệ trình dự thảo rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và đang được Quốc hội nước này xem xét.

Các nghị sĩ Ukraine đang xem xét khả năng rút khỏi NPT để trả đũa Nga.
Các nghị sĩ Ukraine đang xem xét khả năng rút khỏi NPT để trả đũa Nga.

Dự thảo được nhóm nghị sĩ Valentin Korolyuk, Alexander Chernovolenko của đảng Batkivshina và  Sergey Kaplin của đảng UDAR xây dựng và trình Quốc hội Ukraine ngày 21/3.

Cùng ngày, Quốc hội nước này cũng đã bắt đầu tiến trình xem xét dự luật trong động thái nhằm trả đũa việc bị Nga lấy lại Cộng hòa tự trị Crimea, một bán đảo có vị trí chiến lược bên bờ Biển Đen vốn thuộc Liên Xô nhưng sau đó được tặng cho Ukraine cách đây hơn 60 năm.

Ukraine gia nhập NPT năm 1994 sau khi ký thỏa thuận với Nga về việc được Mátxcơva đảm bảo chủ quyền lãnh thổ nếu như giao nộp lại toàn bộ số vũ khí hạt nhân có từ thời Liên Xô. Đây cũng là hiệp ước đã được chính quyền lâm thời Ukraine và phương Tây viện dẫn để phản đối việc Nga sáp nhập lại Crimea vốn là một Cộng hòa tự trị thuộc Ukraine.

Tuy nhiên, Mátxcơva khẳng định việc sáp nhập không đi ngược lại thỏa thuận đã ký 20 năm trước vì được tiến hành thể theo nguyện vọng của đại đa số người dân Crimea trong cuộc trưng cầu dân ý hợp pháp ngày 16/3 và hoàn toàn không vi phạm luật pháp quốc tế cũng như Hiến chương Liên hợp quốc.

Việc Nga sáp nhập Crimea đang đẩy quan hệ Đông - Tây, đặc biệt là quan hệ Nga - Mỹ, vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Hiện Mỹ và châu Âu đã áp đặt 3 vòng trừng phạt đối với Mátxcơva, song về mức độ và quy mô trừng phạt không giống nhau. Trong khi Mỹ hướng tới các đối tượng là nhân vật thân tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin thì Liên minh châu Âu (EU) chỉ “đánh” vào các nhân vật cấp trung.

Dự khác biệt này không chỉ thể hiện rõ sự yếu kém về mặt chính trị và kinh tế của EU so với Mỹ, mà còn làm tăng thêm sức mạnh địa chiến lược của Nga, quốc gia ngày càng chứng tỏ được vị thế cường quốc của mình sau nhiều năm suy yếu kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

Vũ Anh
Tổng hợp