1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine tưởng niệm thảm hoạ Chernobyl

Đúng 1h23 giờ địa phương sớm nay (5h23' giờ Hà Nội), Ukraine dành một phút mặc niệm vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất thế giới xảy ra tại nhà máy điện Chernobyl 20 năm trước.

Thời điểm xảy ra vụ nổ ngày 26/4/1986 được tưởng nhớ bằng 20 tiếng chuông. Tổng thống Viktor Yushchenko tham dự lễ đốt nến cầu nguyện tại một nhà thờ Chính thống giáo ở Kiev, nơi được xây làm nơi cầu nguyện cho các nạn nhân của thảm họa.

 

Hàng trăm người tham gia buổi lễ, mỗi người mang một bông cẩm chướng đỏ và cây nến đang cháy. Ông Yushchenko đặt vòng hoa tưởng niệm những người được đưa tới hiện trường khắc phục hậu quả và rất nhiều nạn nhân khác bị nhiễm xạ.

 

Một buổi lễ tương tự cũng được tổ chức trước đó một tiếng, đúng 1h23' theo giờ Moscow, tại Slavutych, thành phố dành cho các công nhân nhà máy Chernobyl sơ tán đến sau vụ tai nạn. Trong tiếng chuông ngân vang, mọi người đặt hoa và nến tại đài tưởng niệm 31 người thiệt mạng ngay trong vụ nổ.

 

Một người dự lễ có tên Mykola Ryabushkin chỉ vào những bức chân dung tại đài tưởng niệm và nói trong nước mắt: "Tôi biết tất cả những người này".

 

Người đàn ông 59 tuổi đang trong giây phút xúc động nói trên từng làm nhân viên vận hành tại nhà máy điện Chernobyl khi vụ nổ xảy ra.

 

"Tôi nhìn vào họ và muốn cầu xin sự tha thứ. Có lẽ tất cả chúng tôi đều có lỗi dẫn đến tai nạn này", ông Ryabushkin bày tỏ.

 

Một nhân chứng khác là Mykola Malyshev, 66 tuổi, cũng từng làm việc tại phòng điều khiển lò phản ứng số 1 của nhà máy Chernobyl nhớ lại, vào giây phút đó tất cả đèn phụt tắt rồi lại sáng còn căn phòng thì rung lên bần bật. Các công nhân được lệnh tới lò phản ứng bị nổ, nhưng khi tới nơi các đồng nghiệp yêu cầu họ chạy đi để tự cứu mình.

 

Vụ nổ vào sáng sớm ngày định mệnh năm 1986 đã thổi bay phần nóc của lò phản ứng số 4 trong nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Nguy hiểm hơn là tai nạn này phát tán khối lượng bụi phóng xạ khổng lồ vào khí quyển, ảnh hưởng tới một khu vực rộng lớn của Liên Xô và châu Âu vào thời điểm đó.

 

Cho đến nay vẫn còn tranh cãi xung quanh số nạn nhân thiệt mạng trong thảm hoạ. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc có khoảng 9.000 người chết vì bệnh ung thư liên quan đến vụ Chernobyl. Nhưng tổ chức Hoà bình Xanh cho rằng, con số này phải là 93.000 người.

 

Hiện nay, một khu vực cách ly có bán kính 30 km vẫn được áp dụng nghiêm ngặt xung quanh lò phản ứng bị phá huỷ. Còn hiện trường vụ nổ vốn đang ẩn chứa những hiểm hoạ khó lường thì được bao bọc bằng một khối bên tông khổng lồ để tránh tiếp xúc với môi trường.

 

Theo Đình Chính

Vnexpress/AFP, BBC