"Siêu tên lửa" Sarmat mới được Nga đưa vào trực chiến có uy lực ra sao?
(Dân trí) - Cơ quan hàng không vũ trụ Nga (Roscosmos) vừa thông báo đã đưa hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Sarmat, được xem là "siêu vũ khí" của nước này, vào trực chiến.
RS-28 Sarmat là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) thế hệ tiếp theo của Nga, được thiết kế để trở thành "xương sống" trong hệ thống răn đe chiến lược lấy hầm phóng (silo) làm trung tâm của nước này.
Với tầm bắn và sức công phá đáng kể, Sarmat được coi là một trong những tên lửa hạt nhân nguy hiểm nhất thế giới.
Theo Independent, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhiều lần nhắc tới tên lửa "Satan II", cho rằng loại tên lửa này khiến những người muốn đe dọa đất nước Nga phải "suy nghĩ lại".
Ông Putin tuyên bố loại tên lửa này không giống bất kỳ loại tên lửa nào hiện có trong tay các siêu cường đối thủ và tất cả bộ phận đều được sản xuất trong nước.
RS-28 Sarmat là gì?
RS-28 Sarmat là tên lửa đạn đạo liên lục địa 3 giai đoạn sử dụng nhiên liệu lỏng, được trang bị nhiều đầu đạn hồi quyển độc lập (MIRV). Phạm vi hoạt động của RS-28 Sarmat lên tới 18.000 km, cho phép nhắm tới hầu hết mọi vị trí trên Trái Đất.
Loại tên lửa có thể được trang bị 10-15 đầu đạn hoặc kết hợp giữa đầu đạn và các công cụ chống đánh chặn như đầu đạn giả, nhằm đánh lừa hệ thống phòng thủ của đối phương.
Mỗi đầu đạn của Sarmat ước tính có sức công phá lên tới 500 kiloton, có khả năng san bằng một khu đô thị lớn. Để so sánh, các quả bom hạt nhân được thả xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945 có sức nổ lần lượt là 15 và 21 kiloton.
Ngoài ra, Sarmat có thể mang theo tới 20 phương tiện lướt siêu vượt âm Avangard (HGV), biến nó trở thành một vũ khí đáng gờm hơn nữa.
Sự ra đời của Sarmat
Quá trình phát triển tên lửa Sarmat bắt đầu từ năm 2011, khi Viện Thiết kế tên lửa Makeyev khởi xướng giai đoạn đầu của loại vũ khí đột phá này.
Tuy nhiên, chính các sự kiện chính trị năm 2014 như biến động ở Kiev đã đẩy nhanh dự án một cách đáng kể. Biến động chính trị ở Kiev đã cắt đứt sự hợp tác của Nga với công nghiệp quốc phòng Ukraine, nơi trước đây vẫn phụ trách nhiệm vụ chế tạo các tên lửa chiến lược tầm xa hạng nặng.
Tháng 4/2022, tên lửa Sarmat được phóng thử thành công từ Sân bay vũ trụ Plesetsk. Tháng 8 cùng năm, một hợp đồng cấp nhà nước đã được ký kết, cho phép loại tên lửa này được sản xuất hàng loạt. Nhà máy cơ khí - chế tạo Krasnoyarsk (KrasMash) chịu trách nhiệm sản xuất.
Những tên lửa Sarmat đầu tiên dự kiến được giao cho quân đội và triển khai nhiệm vụ chiến đấu vào cuối năm 2023.
Là phản ứng trước khái niệm của Lầu Năm Góc
Theo Sputnik, hệ thống tên lửa Sarmat là phản ứng của Nga trước khái niệm "Đòn tấn công nhanh toàn cầu" (PGS) do các nhà hoạch định quân sự của Lầu Năm Góc phát triển. Khái niệm PGS chủ trương tiến hành tấn công phủ đầu bằng tên lửa hành trình thông thường quy mô lớn để vô hiệu hóa vũ khí đối thủ và loại bỏ bộ máy lãnh đạo.
Khái niệm này, được công bố sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo với Nga năm 2002, đã thúc đẩy Moscow phát triển các loại vũ khí tiên tiến, bao gồm tên lửa siêu vượt âm, phương tiện lướt, và tên lửa Sarmat.
Thông qua việc phô diễn khả năng đáp trả mạnh mẽ, Nga đặt mục tiêu răn đe ngăn chặn các cuộc tấn công bất ngờ tiềm ẩn.
Ai đặt ra cái tên "Satan II"?
Trong khi NATO đặt mã định danh cho tên lửa Sarmat là "SS-X-29" hoặc "SS-X-30", truyền thông phương Tây thường gọi nó là "Satan II".
Theo Sputnik, cái tên này bắt nguồn từ định danh "SS-18 Satan" mà NATO đặt cho hệ thống tên lửa R-36M - vốn là hệ thống dự kiến được thay thế bởi Sarmat. Cái tên "Satan II" gợi mối liên hệ với quỷ Satan, từ đó thu hút sự chú ý của truyền thông và công chúng.
So sánh Minuteman của Mỹ và Sarmat của Nga
Nếu so sánh với hệ thống tên lửa chiến lược của Mỹ, Minuteman III LGM-30 sẽ là đối thủ gần nhất với Sarmat.
RS-28 Sarmat có khả năng mang đầu đạn phân hướng (MIRV) nặng tới 10 tấn đến bất kỳ điểm nào trên thế giới qua Bắc Cực và Nam Cực.
Mỗi quả đạn Sarmat dài 35,5m, có đường kính 3m, mang được 10-15 đầu đạn hạt nhân hồi quyển độc lập (MIRV) với tổng sức mạnh tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ TNT, kèm theo nhiều loại mồi bẫy để đánh lừa hệ thống phòng thủ đối phương.
Nga tin chắc rằng do đặc điểm vượt trội, nó có thể vượt qua tất cả các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại và được coi là vũ khí có tầm bắn lớn nhất thế giới. Theo dữ liệu chính thức của Nga, tên lửa Sarmat có tầm bắn hơn 11.000km (có nguồn ước tính lên tới 18.000km) và có thể mang đầu đạn nặng 10 tấn.
Sarmat cũng có thể lắp đầu đạn siêu vượt âm Avangard hoặc nhiều loại phương tiện lướt siêu vượt âm trong tương lai.
Minuteman III là loại tên lửa 3 tầng, sử dụng nhiên liệu rắn. Nó có trọng lượng 36 tấn, chiều dài 18,3m, đường kính thân 1,67m, tầm bắn tối đa lên tới 13.000km với tốc độ 7km/s. Tên lửa Minuteman III có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn hơn 9.700km, vận tốc hơn 24.000km/h và bán kính sai số hồng tầm mục tiêu là 240m.
Sarmat mang lại lợi thế cho Nga về tầm bắn và tải trọng lớn hơn.