1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine chế tạo tên lửa bắn tới Nga, Moscow dựng "lưới lửa" đánh chặn

Thành Đạt

(Dân trí) - Giới chức Ukraine liên tục tiết lộ thông tin về loại tên lửa tầm xa, có thể tấn công lãnh thổ Nga giữa lúc xung đột leo thang.

Ukraine chế tạo tên lửa bắn tới Nga, Moscow dựng lưới lửa đánh chặn - 1

Hệ thống phòng không Pantsir-S1 của Nga (Ảnh: Sputnik).

Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine, tuyên bố tên lửa do Ukraine sản xuất đã được chế tạo từ năm 2020 và có thể sớm đạt tầm bắn khoảng 1.000-1.500km vào lãnh thổ Nga.

Ông Danilov không nêu tên loại tên lửa mới và không đưa ra mốc thời gian rõ ràng cho việc triển khai vũ khí này.

Tuy nhiên, ông cho biết tên lửa và máy bay không người lái của Ukraine sẽ chỉ nhắm mục tiêu vào các nhà máy và cơ sở quân sự của Nga, chứ không nhắm vào các mục tiêu dân sự.

Quan chức Ukraine khẳng định, các vụ đánh bom cơ sở dầu khí hoặc những công trình khác là do các nhóm du kích ở Nga thực hiện và Ukraine không liên quan tới các vụ việc này.

Trước đó, ông Danilov cũng tuyên bố Ukraine đã sử dụng một loại tên lửa mới, vận hành "không một chút sai sót nào" để phá hủy tổ hợp phòng không S-400 của Nga trên bán đảo Crimea hồi tháng 8. Ông nói rằng đây là "tên lửa hiện đại, hoàn toàn mới".

Theo ông Danilov, Ukraine đã và đang phát triển chương trình tên lửa và máy bay không người lái của riêng họ từ lâu nên việc tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, ngay cả khi chúng ở cách xa 1.500 km, không còn là vấn đề.

Cuối tháng trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiết lộ nước này đã thử thành công vũ khí tấn công với tầm bắn tới 700km. Nếu được biên chế, vũ khí này sẽ gia tăng đáng kể sức mạnh quân sự của Ukraine. Tuy nhiên, ông cũng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Nếu Ukraine phát triển thành công vũ khí tấn công tầm xa, điều này có thể tạo nên sự thay đổi trên chiến trường khi Kiev có thể mở rộng năng lực nhằm vào những mục tiêu xa hơn của Nga trong tương lai mà không phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn viện trợ từ phương Tây. 

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn tổng thống Ukraine, ngày 30/8 tuyên bố các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gần đây vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga là dấu hiệu cho thấy chiến sự đang "ngày càng dịch chuyển sang lãnh thổ Nga".

Nga được cho là đã triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ thủ đô Moscow trước các đòn tập kích của UAV.

Hôm 3/9, truyền thông Nga đã đưa tin về việc xây dựng địa điểm đặt hệ thống tên lửa phòng không Pantsir S-1 ở thủ đô Moscow, cách nơi ở của Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa đầy 10km.

Trước đó, các kênh tin tức của Ukraine cho biết, hồi tháng 1, Điện Kremlin đã triển khai các hệ thống phòng không trên nóc một số tòa nhà ở Moscow.

Chính quyền thành phố Moscow và Bộ Quốc phòng Nga đang xây dựng các địa điểm phòng thủ tên lửa mới để bảo vệ thủ đô khỏi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Theo truyền thông Nga, trong nhiều năm qua, nhằm bảo vệ thủ đô Moscow, Nga triển khai hàng loạt các hệ thống phòng vệ như S-500, S-400, S-300, Pantsir-S, S-350. Các tổ hợp này sẽ hoạt động bọc lót cho nhau, chuyên nhận nhiệm vụ đánh chặn các mục tiêu từ tầm gần cho tới tầm xa. Hệ thống phòng thủ đa tầng giúp cho Nga nhận được thông tin cảnh báo sớm về mối đe dọa nhằm vào Moscow và có phương án đánh chặn cụ thể.

Với mục tiêu tấn công bán kính ngoài 200km, Nga sử dụng các bệ phóng tên lửa, tầm xa S-400 và S-500 để ngăn chặn mối đe dọa từ xa. Với phạm vi trung bình 40-200km, Nga điều động các hệ thống S-300 và S-350 để bảo vệ các cơ sở công nghiệp, hành chính và quân sự. Các tổ hợp Pantsir-S hay Buk nhận nhiệm vụ đánh chặn các mục tiêu tầm ngắn.

Nga không chỉ có các hệ thống phòng không đảm nhận nhiệm vụ phòng thủ ở Moscow, mà còn sử dụng hệ thống tác chiến điện tử để đánh chặn mối đe dọa này.

Trên thực tế, khí tài tác chiến điện tử (EW) có thể có hiệu quả đánh chặn tương đối hiệu quả với các mục tiêu bay tầm thấp như UAV. Hồi tháng 5, Viện RUSI (Anh) công bố báo cáo cho biết, EW của Nga dường như đang gây ra thiệt hại đáng kể cho dàn UAV của Ukraine mà không cần phải sử dụng tới bất cứ một viên đạn nào.

Theo Business Insider, Pravda