Ukraine trước sức ép phản công "không được phép sai lầm"
(Dân trí) - Ukraine đang đứng trước cơ hội phản công, giành lại lãnh thổ từ Nga nhưng cũng đối mặt với sức ép phải thành công vì nhiều lý do.
Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia và Quốc phòng Ukraine Oleksiy Danilov hôm 27/5 cho rằng, Ukraine đang đứng trước "một cơ hội lịch sử không được phép đánh mất" để giành lại các vùng lãnh thổ đã bị Nga kiểm soát.
Ông cho biết, chiến dịch phản công của Ukraine có thể diễn ra ngày nay, ngày mai, hay sau một tuần nữa, nhưng điều quan trọng là Kiev "không được phép mắc sai lầm".
Đó là sức ép cực lớn đòi hỏi Ukraine phải lên kế hoạch kỹ lưỡng cho cuộc phản công được kỳ vọng từ nhiều tháng qua.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, họ đã đẩy lùi đợt phản công quy mô lớn của Ukraine hôm 4/6 tại 5 mặt trận ở vùng Donbass. Tuy nhiên, Ukraine chưa xác nhận liệu chiến dịch phản công của họ đã thực sự bắt đầu hay chưa.
CHỜ "THIÊN THỜI, ĐỊA LỢI, NHÂN HÒA"
Vài tháng trở lại đây, Ukraine được cho là chuẩn bị tung ra chiến dịch phản công quy mô lớn nhằm tạo đột phá cho cuộc xung đột đã ở thế bế tắc và tiêu hao kéo dài. Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 29/5 tuyên bố, quân đội nước này đã ấn định thời điểm phản công và đây cũng chính là yếu tố quan trọng nhất.
Mặc dù vậy, cuộc phản công chính xác diễn ra vào lúc nào, ở đâu vẫn là một bí ẩn và gây nhiều tranh cãi. Trước đó, ông Zelensky thừa nhận, quân đội của ông cần thêm thời gian cho kế hoạch phản công.
Theo các chuyên gia, kế hoạch phản công của Ukraine bị trì hoãn do nhiều nguyên nhân, từ thời tiết đến nguồn lực.
Thời điểm băng tan vào mùa xuân khiến địa hình ở hầu hết Ukraine lầy lội cũng là lúc những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard của Đức được chuyển đến Ukraine. Những cỗ máy hạng nặng này không thể phát huy tác dụng trong điều kiện như vậy.
Trong vài tuần qua, nhiều lữ đoàn pháo binh của Ukraine đã phải kéo toàn bộ pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 do Đức viện trợ ra khỏi chiến trường. Họ lo ngại, nếu bị phát hiện, các tổ hợp pháo này sẽ chôn chân, phơi mình trước hỏa lực của Nga.
Theo các chỉ huy Ukraine, trong tất cả các yếu tố mà họ phải xem xét trước khi phản công, thời tiết là yếu tố khó đoán nhất. Những cơn mưa mùa xuân năm nay dữ dội hơn nhiều so với bình thường.
Khi thời tiết bắt đầu thuận lợi dần, Ukraine tiếp tục phải đối mặt với bài toán về nguồn nhân lực và nguồn cung vũ khí. Giới chức Ukraine thừa nhận, họ đang phải chờ thêm viện trợ vũ khí của phương Tây.
Mặc dù Mỹ và các đồng minh khẳng định nguồn vũ khí mà họ cung cấp đã đủ để Kiev phản công, song giới chức Ukraine nói rằng họ cần nhiều hơn thế nhằm đảm bảo thành công.
"Chúng tôi, với tư cách là một đội quân, muốn có tất cả vũ khí ngay bây giờ, nhưng tất nhiên điều đó là không thể trong tình hình hiện tại. Chúng tôi cần máy bay chiến đấu hiện đại, nhưng đây không phải là vấn đề có thể bàn đến trong những tháng tới", một quan chức quân sự Ukraine giấu tên cho biết.
Bất chấp hàng tỷ USD viện trợ quân sự, Ukraine vẫn bị cho là thiếu vũ khí tầm xa và hạn chế về khả năng kiểm soát vùng trời. Phía Kiev cho rằng chính sự thiếu hụt này khiến họ không thể tiến xa hơn sau khi giành lại Kherson hồi cuối năm ngoái.
Các nước phương Tây đang linh hoạt dần trong chính sách viện trợ với việc cung cấp cho Ukraine những vũ khí hiện đại như xe tăng chiến đấu chủ lực, tên lửa tầm xa, hệ thống phòng không. Tuy vậy, nhiều người cho rằng, quy mô viện trợ còn quá ít và cũng đến quá muộn.
Ví dụ, giới chức Mỹ thừa nhận phải mất nhiều tháng nữa xe tăng Abrams của họ mới có thể đến Ukraine. Trong khi đó, chưa quốc gia phương Tây nào xác nhận đáp ứng đề nghị viện trợ máy bay chiến đấu F-16, loại vũ khí Kiev rất cần để kiểm soát bầu trời.
Tương quan lực lượng cũng là một thách thức với Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov cho biết, Nga hiện có ít nhất 300.000 binh sĩ ở Ukraine cùng 200.000 lính dự bị. Về phía Ukraine, đội hình tấn công thứ nhất về cơ bản đã sẵn sàng nhưng một số lực lượng đặc biệt vẫn còn huấn luyện tại nước ngoài.
SỨC ÉP TỪ KỲ VỌNG QUÁ LỚN
Tại hội nghị G7 diễn ra ở Hiroshima, Nhật Bản hồi giữa tháng 5, Tổng thống Ukraine Zelensky đã nhận được những cam kết ủng hộ mạnh mẽ của các đồng minh, đối tác. Đây được coi là một thắng lợi ngoại giao quan trọng của Kiev, nhưng đi kèm theo đó là sức ép phản công thành công.
Các đồng minh và đối tác của Ukraine kỳ vọng rằng, lượng vũ khí và những hỗ trợ khác của họ đã đủ giúp Kiev phản công giành lại một phần lãnh thổ, phá vỡ thế bế tắc trên chiến trường hiện này.
Những kỳ vọng cao này bắt nguồn từ kết quả ngoài mong đợi của Ukraine trong cuộc phản công mùa thu năm 2022 khi họ đã giành lại vùng Kharkov và thành phố Kherson.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã có nhiều khác biệt. Tại Kharkov khi đó, Ukraine có lợi thế bất ngờ, trong khi phía Nga lơ là phòng thủ. Ở Kherson, Ukraine có lợi thế địa lý lớn khi Moscow gặp trở ngại trong việc tiếp tế cho các đơn vị đóng ở bờ tây sông Dnipro. Lần này, Kiev không còn lợi thế bất ngờ.
Moscow đã dày công xây dựng tuyến phòng thủ nhiều lớp hoàn thành hàng nghìn km công sự, đồng thời tập trung phòng thủ, thay vì tiến công.
Sức ép phản công lên Ukraine cũng có liên hệ chặt chẽ với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. Mỹ đã cam kết viện trợ 113 tỷ USD cho Ukraine. Sự ủng hộ của Washington dành cho Kiev vẫn mạnh mẽ hơn so với những ý kiến phản đối, song nhiều người lo ngại, tình hình có thể thay đổi nhanh chóng.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cần thấy một bước tiến đáng kể của Ukraine trên chiến trường để chứng minh viện trợ của Washington không phải lãng phí. Trong khi đó, việc cựu Tổng thống Donald Trump hiện là ứng viên sáng giá của đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024 làm dấy lên lo ngại tổng thống tiếp theo của Mỹ sẽ thay đổi đáng kể chính sách về Ukraine.
Ông Trump nhiều lần tuyên bố có khả năng chấm dứt xung đột ở Ukraine trong vòng 24 giờ nếu tái đắc cử, thay vì phát đi thông điệp "hỗ trợ Ukraine đến khi cần".
Điều này có thể sẽ cho Nga có lý do để hy vọng rằng, chỉ cần duy trì chiến dịch quân sự ở Ukraine thêm 18 tháng nữa, họ sẽ đạt được các mục tiêu đề ra.
Mỹ hiện là nước viện trợ nhiều nhất cho Ukraine, do vậy quan điểm của Washington rất quan trọng đối với cuộc chiến ở Ukraine. Sự thay đổi bầu không khí chính trị ở Mỹ chắc chắn sẽ lan truyền đến châu Âu.
Khi đó, câu hỏi đặt ra là nguồn cung vũ khí cho Kiev sẽ ra sao. Các kho dự trữ đạn pháo của phương Tây gần như cạn kiệt sau hơn một năm cung cấp cho Ukraine. Nếu không chuyển sang nền kinh tế thời chiến, các nhà máy sản xuất vũ khí của họ khó theo kịp tốc độ tiêu thụ của Ukraine.
"Có nhiều quan điểm ở NATO lo ngại về việc cuộc xung đột này sẽ kéo dài trong những năm tới và phương Tây sẽ phải tiếp tục đổ tiền vào nếu không có nhiều tiến triển", ông Mark Cancian, cựu Đại tá Thủy quân Lục chiến Mỹ nhận định. Vì vậy, phương Tây cần sự đột phá của Ukraine trên chiến trường trước khi đưa ra những quyết định tiếp theo.
Theo các chuyên gia quân sự, nếu cuộc phản công xảy ra sai sót, Ukraine khó có thể nhanh chóng bổ sung nguồn cung đạn dược. Quân đội Ukraine gần như phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ quân sự nước ngoài, bao gồm các vũ khí quan trọng như đạn cối, đạn pháo 122mm, 152mm và 155mm, hệ thống chống tăng và hộp đạn cho vũ khí nhỏ.
Do đó, nếu cuộc phản công trở nên căng thẳng hơn, Ukraine sẽ không đủ nguồn lực để vượt qua mặt trận có đến 3-5 tuyến phòng thủ.
Một số quan chức quốc phòng Ukraine, thậm chí cả Tổng thống Zelensky, đang tìm cách hạ thấp kỳ vọng vào chiến dịch phản công sắp tới. Ông Zelensky liệt kê ra danh sách những phương tiện Ukraine không có đủ cho cuộc phản công, đồng thời kêu gọi phương Tây hỗ trợ nhiều vũ khí, đạn dược và hệ thống phòng không hơn.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cũng cho biết: "Sự kỳ vọng trên thế giới đối với chiến dịch phản công của chúng tôi đã bị đẩy lên quá cao. Hầu hết mọi người đều đang chờ đợi điều gì đó to lớn".
Giới chức Ukraine nêu rõ, để giành lại toàn bộ lãnh thổ, Ukraine có thể cần nhiều hơn một chiến dịch phản công.
"QUÁ NHIỀU ÁP LỰC"
Tổng thống Séc Petr Pavel hồi tháng 3 nói rằng, Ukraine cần phản công lớn trong những tháng tới và nếu thất bại, họ sẽ khó kêu gọi thêm viện trợ. Các nước phương Tây đang mong chờ kết quả cụ thể của Ukraine để chứng minh việc đổ hàng chục tỷ USD viện trợ cho nước này không hề lãng phí và họ nóng lòng muốn thấy cuộc chiến chấm dứt.
Với việc quân đội Ukraine chịu hàng trăm thương vong mỗi tuần ở khu vực Donbass, không ít ý kiến cho rằng, mỗi ngày Kiev chờ đợi để bắt đầu một cuộc phản công, sức mạnh quân sự của họ lại bị suy giảm thêm bởi cuộc chiến tiêu hao, đặc biệt ở Bakhmut.
"Mỗi ngày trôi qua, Ukraine chỉ càng tiêu hao còn Nga lại được củng cố thêm. Do đó, cuộc phản công này cần phải bắt đầu càng sớm càng tốt", Jim Townsend, cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách NATO và châu Âu, nhận định.
Trái lại, theo một số chuyên gia, Ukraine nên chờ đợi thêm. Ông Michael Kofman, một chuyên gia về quân đội Nga của tổ chức tư vấn CNA có trụ sở tại Virginia, cho biết: "Tôi nghĩ rằng Ukraine càng chờ đợi lâu, tỷ lệ thành công càng cao".
Cựu chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu Ben Hodges cảnh báo, sức ép quá lớn từ phương Tây có thể "làm hỏng" bất kỳ nỗ lực phản công nào của Ukraine trước khi nó đạt được tiến triển trên thực địa.
"Điều duy nhất tôi nghĩ có thể làm hỏng việc này là nếu phương Tây gây quá nhiều áp lực lên Ukraine và điều đó khiến họ dừng lại trước một chiến thắng toàn diện", ông Hodges nói.
Ông bác bỏ luận điệu cho rằng Ukraine "chỉ có một phát súng tấn công và nếu không đạt được đòn hạ gục đối phương thì phương Tây sẽ ngừng ủng hộ Kiev". Theo ông, lý thuyết này được thúc đẩy bởi những người "không muốn thấy Ukraine chiến thắng".
John Allen, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ ở Afghanistan, cũng nhận định nếu các đồng minh phương Tây thúc ép Ukraine phản công quá sớm, họ nhận về kết quả không như mong đợi.
"Hãy để họ tự quyết định. Để họ làm điều đó khi sẵn sàng. Điều tồi tệ hơn có thể xảy ra là nếu chúng ta buộc họ hành động quá sớm và kết quả không như kỳ vọng, thì người có lỗi chính là chúng ta", ông Allen nhấn mạnh.
Trong khi nhiều người kỳ vọng Ukraine cuối cùng sẽ giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ bị Nga kiểm soát, bao gồm cả bán đảo Crimea, thì một số người, trong đó có ông Allen, cảnh báo Ukraine có thể phải cần nhiều hơn một cuộc phản công.
Vào cuối tháng 3, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley tỏ ra hoài nghi về kế hoạch phản công của Ukraine và cho rằng họ sẽ gặp khó khăn trong việc đánh bật toàn bộ lực lượng Nga trong các vùng lãnh thổ mà họ tuyên bố là của mình.
Hiện chưa rõ Ukraine sẽ nhắm đến mục tiêu nào trong kế hoạch phản công, nhưng tháng trước, Washington Post dự đoán một trong các mục tiêu chiến lược của Kiev là cắt đứt đoạn đường bộ duy nhất nối liền lãnh thổ Nga với bán đảo Crimea.
Điều này sẽ làm gián đoạn tuyến đường tiếp tế cho lực lượng Nga ở vùng Zaporizhia, đồng thời cô lập Crimea. Thành phố Melitopol, nơi Nga chọn làm thủ phủ của Zaporizhia sau khi giành quyền kiểm soát, được coi là mục tiêu quan trọng để Ukraine thực hiện kế hoạch trên.
Mục tiêu hàng đầu khác là tái chiếm các cơ sở hạ tầng quan trọng, trong đó có nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia hay nhà máy thủy điện Kakhovka ở Kherson.
Ngoài ra, không loại trừ kịch bản Ukraine tấn công thẳng vào Crimea bằng đường biển. Ảnh vệ tinh cho thấy phía Nga đã tính đến kịch bản đó và cho xây dựng công sự phòng thủ dọc bờ biển.
Một kịch bản khác là Ukraine tấn công về phía đông qua "chảo lửa" Bakhmut hoặc thị trấn Kupiansk để làm bàn đạp giành lại vùng Lugansk.
Cho dù là kịch bản nào, trong những tuần qua, Ukraine dường như đã bắt đầu các hoạt động định hình phản công, bao gồm các cuộc tấn công thăm dò phòng tuyến của Nga.
Minh Phương
Theo Business Insider, The National, Reuters, Washington Post