1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine trước nguy cơ một mặt trận xung đột mới

Các vụ tấn công ở Mariupol, thành phố cuối cùng ở miền Đông còn dưới sự kiểm soát của chính phủ Ukraine, đã đẩy cuộc khủng hoảng ở nước này lên nấc thang nguy hiểm mới.

Nó không chỉ cho thấy một cuộc chiến không lối thoát tại Ukraine, mà còn là cuộc đối đầu chưa có hồi kết giữa Nga và phương Tây.
 
Quân đội Ukraine tại khu vực miền Đông (ảnh: AFP)
Quân đội Ukraine tại khu vực miền Đông (ảnh: AFP)

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua khẳng định, tình trạng bạo lực hiện nay xuất phát từ các vụ tấn công “thường xuyên” của quân đội Ukraine nhằm vào các khu dân cư. Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, tại cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nêu rõ, tình hình an ninh xuống cấp nghiêm trọng tại miền Đông Ukraine là hậu quả trực tiếp của các vụ pháo kích thường xuyên của quân đội Ukraine nhằm vào các khu dân cư, vi phạm các thỏa thuận đạt được tại Minsk.

Theo ông, Tổng thống Ukraine Poroshenko vẫn từ chối trả lời đề xuất của Tổng thống Nga Putin rút các loại vũ khí hạng nặng  ra khỏi đường ranh giới được thiết lập giữa Quân đội Ukraine và lực lượng đối lập. Chính quyền Ukraine cũng không thực hiện các nghĩ vụ khởi động một tiến trình hiến pháp toàn diện với sự tham dự của tất cả các khu vực và tất cả các lực lượng chính trị trong nước. Ông cũng kêu gọi Mỹ sử dụng ảnh hưởng đối với chính quyền Ukraine để nước này không hướng tới một kịch bản quân sự.

Cũng tại cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các vụ không kích và pháo kích tại miền Đông và rút các loại vũ khí hạng nặng, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm của Nga và Mỹ đóng góp cho việc tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng.

Trong lúc này, Mỹ và các đồng minh cũng không ngừng gia tăng sức ép với Nga. Đang ở thăm Ấn Độ, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố muốn gia tăng sức ép với Nga sau các vụ không kích tại Mariupol, song loại trừ khả năng đối đầu quân sự: “Đối đầu quân sự với Nga liên quan tới vấn đề Ukraine sẽ không mang lại hiệu quả, song chúng ta có thể tiếp tục hỗ trợ Ukraine tăng cường khả năng kiểm soát lãnh thổ, cũng như duy trì các sức ép về kinh tế và ngoại giao đối với Nga. Và điều quan trọng hơn cả là đảm bảo rằng chúng ta vẫn tiếp tục cung cấp những hỗ trợ mà Ukraine cần để vực dậy nền kinh tế trong giai đoạn chuyển tiếp và hỗ trợ quân sự Ukraine với các trang thiết bị cơ bản.”

Một số nước châu Âu cũng đã bắt đầu kêu gọi gia tăng các lệnh trừng phạt mới với Nga, vốn lâu nay vẫn bị những nước này cáo buộc là hậu thuẫn cho lực lượng đối lập tại miền Đông Ukraine. Tổng thống Pháp Hollande hôm 25/1 lần lượt có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Poroshenko và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, trong đó đặc biệt bày tỏ lo ngại về tình hình bạo lực leo thang tại Ukraine. Ngoại trưởng 28 nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ nhóm họp bất thường vào ngày 29/1 tới để thảo luận về vấn đề này.

Xung đột tại Mariupol đã đẩy cuộc khủng hoảng tại Ukraine lên một nấc thang nguy hiểm mới. Việc kiểm soát thành phố này có thể tạo ra một hành lang trên bộ nối Nga với Crimea, sáp nhập vào Liên bang Nga từ tháng 3 năm ngoái, một trong những lý do mà Mỹ và các nước phương Tây viện dẫn để chỉ trích vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Theo đề xuất của Litva, nước Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc hôm nay sẽ tổ chức phiên họp đặc biệt về vấn đề này. Trước đó, cuối tuần qua, 15 nước thành viên của cơ quan LHQ này đã không thể nhất trí được về một tuyên bố chung lên án các vụ tấn công tại Mariupol./.

Theo Thu Hoài/VOV- Trung tâm Tin