1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ukraine trong vòng xoáy bất ổn

Quyết định từ chức của Thủ tướng Yatsenyuk diễn ra vào thời điểm chính trường Ukraine đứng trước nhiều bất ổn, trong khi Tổng thống Poroshenko phải hứng chịu một cú sốc từ tài liệu bị rò rỉ trong "Hồ sơ Panama" liên quan tới ông trước khi giữ chức Tổng thống Ukraine.

Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk đã thông báo quyết định từ chức. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk đã thông báo quyết định từ chức. (Ảnh: TTXVN)

Trong một tuyên bố được phát trên truyền hình, ông Yatsenyuk nói: "Tôi đã quyết định sẽ từ chức Thủ tướng Ukraine".

Ông cũng bày tỏ ủng hộ Chủ tịch Quốc hội Vladimir Groysman, một nhân vật thân cận của Tổng thống Petro Poroshenko, lên thay ông.

Nhưng sau đó, hàng loạt các nghị sĩ trong Quốc hội Ukraine đều cho biết, Chủ tịch Quốc hội Vladimir Groysman, người được đề cử giữ chức Thủ tướng, đã từ chối tiếp quản chức vụ này.

Ông Mustafa Nayem, nghị sĩ thuộc "Khối Poroshenko" (BPP) cho biết, sau cuộc họp giữa đảng BPP và đảng Mặt trận nhân dân (NF), ông Groysman từ chối giữ cương vị là người đứng đầu Chính phủ Ukraine vì bất đồng ý kiến với Thủ tướng đương nhiệm Yatsenyuk và Tổng thống Petro Poroshenko về thành phần chính phủ mới.

Một nghị sĩ khác cũng thuộc BPP, ông Alexey Goncharenko, cho biết thêm, ông Groysman đã phản đối bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Vitaly Kovalchuk vào cương vị Phó Thủ tướng. Chánh Văn phòng Tổng thống Borys Lozhkyn cũng đã từ chối làm Phó Thủ tướng thứ nhất trong chính phủ mới.

Trong khi đó, bà Viktoria Syumar, nghị sĩ thuộc đảng NF (đảng của Thủ tướng Yatsenyuk), cho biết đảng này đã nhượng bộ, đồng thời nhất trí bãi nhiệm Thủ tướng Yatsenyuk và đề cử ông Groysman tiếp quản chức vụ này, cũng như sẵn sàng ở lại liên minh do Thủ tướng thuộc đảng BPP lãnh đạo.

Ông Yatsenyuk giữ vị trí đứng đầu Chính phủ Ukraine từ tháng 2/2014, sau chính biến của “cuộc cách mạng Maidan”. Tuy nhiên, sự bất mãn của người dân với chính sách của Chính phủ mới bùng nổ từ cuối năm 2015 tại quốc gia Đông Âu này. Tình hình càng phức tạp hơn sau khi các nghị sĩ trong Quốc hội đánh giá hoạt động của chính phủ không hiệu quả nhưng lại chưa thể bãi nhiệm Thủ tướng đương nhiệm Yatsenyuk. Điều này khiến một số đảng phái rút khỏi liên minh cầm quyền trong Quốc hội Ukraine.

Không chỉ riêng giới cầm quyền, một kết quả thăm dò dư luận công bố mới đây cho thấy, có tới 77% người dân Ukraine phản đối “thủ lĩnh” cuộc “Cách mạng cam” Yatsenyuk tiếp tục giữ chức Thủ tướng do mất niềm tin đối với ông trong cuộc chiến chống tham nhũng và khắc phục tình trạng trì trệ của nền kinh tế Ukraine.

Để tránh một cuộc khủng hoảng chính trị chìm sâu hơn, trung tuần tháng 2 vừa qua, Tổng thống Poroshenko đã yêu cầu Thủ tướng Yatsenyuk phải từ chức, đồng thời đề xuất cải tổ liên minh và thành lập chính phủ mới.

Tuy nhiên, tranh cãi đã nổ ra tại Ukraine sau khi Tổng thống Poroshenko lên tiếng bác bỏ việc giải tán Quốc hội, đồng thời tuyên bố vẫn muốn tiếp tục làm việc với Quốc hội hiện tại.

Trong khi đó, theo đảng “Khối đối lập” Ukraine, việc Thủ tướng Yatsenyuk quyết định từ chức có nghĩa là chính quyền đương nhiệm đã sụp đổ và việc thay thế chính phủ cũng sẽ không xoay chuyển được tình hình. Vì thế, quốc gia Đông Âu này cần tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn nhằm thành lập một chính phủ mới có thể giúp Ukraine thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Đảng “Khối đối lập” cũng chỉ ra rằng, trong một năm rưỡi qua, Quốc hội và Chính phủ Ukraine đã gây thiệt hại to lớn cho mỗi người dân và cả đất nước Ukraine, như lạm phát lên tới 50%, đồng nội tệ hryvnia mất giá, thuế tăng gấp 7 lần, trong khi nợ quốc gia tăng lên 1.500 tỷ hryvnia.

Có lẽ trong bối cảnh đấy, ông Yatsenyuk không thể không từ chức. Một cái kết đã được dự báo trước.

Quyết định từ chức của Thủ tướng Yatsenyuk diễn ra vào thời điểm chính trường Ukraine đứng trước nhiều bất ổn, trong khi Tổng thống Poroshenko phải hứng chịu một cú sốc từ tài liệu bị rò rỉ trong "Hồ sơ Panama" liên quan tới ông trước khi giữ chức Tổng thống Ukraine. Trên mặt trận đối ngoại, Tổng thống Poroshenko cũng gặp không ít thách thức khi đầu tháng 3 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) thông qua quyết định không thực hiện quy chế miễn thị thực cho công dân Ukraine.

Phải thừa nhận rằng đối với Ukraine, triển vọng gia nhập EU và được hưởng quy chế miễn thị thực rất mù mịt. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ được hứa hẹn nhiều điều trong cuộc đàm phán về vấn đề di cư thì Ukraine vẫn bị bỏ mặc cho số phận. Chính phủ ngập trong cơn khủng hoảng nặng nề đang cản trở các cuộc cải cách cần thiết.

Động thái này cho thấy giấc mơ hội nhập châu Âu vẫn quá xa vời với người dân Ukraine. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, sở dĩ EU đưa ra quyết định này là do Kiev không thực hiện các cam kết chống tham nhũng. Ông Jean-Claude Juncker thậm chí còn khẳng định, Ukraine sẽ không "có cửa" gia nhập EU hoặc NATO trong vòng 20-25 năm nữa.

Hơn 2 năm kể từ cuộc đảo chính lật đổ cựu Tổng thống Viktor Yanukovych vào ngày 20/2/2014, sóng gió vẫn chưa yên trên chính trường Ukraine. Những bất đồng giữa Chính phủ, Quốc hội và người dân khiến xuất hiện quan ngại nguy cơ về một cuộc đảo chính mới. Chưa ai dám khẳng định tương lai Ukraine sẽ đi về đâu dù thay đổi cả hệ thống chính trị nước này, song quyết định từ chức vào thời điểm này của Thủ tướng Yatsenyuk cho thấy nước cờ cuối cùng của “thủ lĩnh” cuộc “Cách mạng Maidan” trong cuộc "đối đầu" thầm lặng với Tổng thống Poroshenko.

Các nhà phân tích cho rằng, dù ai sẽ nắm giữ chức Thủ tướng Ukraine thì những vấn đề của quốc gia này vẫn khó có thể thay đổi ngay một sớm một chiều. Đó là phải vực dậy nền kinh tế trì trệ, lấy lại lòng tin của người dân, đàm phán với các chủ nợ quốc tế để được giải ngân những khoản tín dụng mới và ổn định tình hình ở miền Đông./.

Theo Tấn Vũ (tổng hợp)

Đảng Cộng sản Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm