1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine sa thải tư lệnh không quân sau vụ mất tiêm kích F-16 đầu tiên

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã sa thải Tư lệnh Không quân Mykola Oleshchuk sau khi Ukraine mất máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên.

Ukraine sa thải tư lệnh không quân sau vụ mất tiêm kích F-16 đầu tiên - 1

Tư lệnh Không quân Mykola Oleshchuk (Ảnh: Kyiv Independent).

"Tôi đã quyết định thay tư lệnh không quân... Tôi vô cùng biết ơn tất cả các phi công quân sự của chúng ta", Tổng thống Volodymyr Zelensky thông báo tối 30/8.

Ông Zelensky không đưa ra lý do sa thải Tư lệnh Không quân Mykola Oleshchuk, nhưng đề cập rằng nhân sự phải được bảo vệ và cần phải tăng cường cấp chỉ huy.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết Trung tướng Anatoliy Kryvonozhka sẽ tạm thời đảm nhiệm nhiệm vụ chỉ huy của ông Oleshchuk.

Quyết định thay tư lệnh không quân Ukraine được đưa ra không lâu sau khi Bộ Tổng tham mưu Ukraine ngày 29/8 xác nhận, một tiêm kích F-16 của quân đội nước này đã rơi khi tham gia đối phó với cuộc không kích lớn chưa từng có của Nga hôm 26/8.

Vụ việc khiến phi công Oleksiy Mes thiệt mạng. Đây là một trong số ít phi công Ukraine được phương Tây huấn luyện để lái F-16.

Ukraine đã lập ủy ban đặc biệt để điều tra nguyên nhân vụ việc. Hiện có nhiều đồn đoán về nguyên nhân khiến Ukraine mất tiêm kích F-16 đầu tiên không lâu sau khi tiếp nhận từ các đồng minh phương Tây. Một trong những giả thuyết được đưa ra là hệ thống phòng không Patriot của Ukraine đã bắn nhầm.

Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine, vào thời điểm đó, một số máy bay F-16 và các hệ thống phòng không của Ukraine tìm cách đối phó cuộc tấn công của Moscow.

Trang tin quân sự Avia-Pro dẫn các nguồn tin quân sự nhận định, nguyên nhân khiến F-16 của Ukraine bị rơi có thể là lỗi radar do việc sử dụng hệ thống tác chiến điện tử mới trên chiến đấu cơ này.

Cụ thể, theo thông tin ban đầu, hệ thống tác chiến điện tử lắp đặt trên máy bay đã tạo ra sự can thiệp khiến hệ thống nhận dạng bị lỗi. Kết quả là hệ thống phòng không của Ukraine không thể xác định chính xác F-16 và phân loại nó là tên lửa hành trình dẫn đến việc hệ thống khai hỏa bắn hạ.

Một nguồn tin khác cho hay, vấn đề nảy sinh chính là do bản thân hệ thống tác chiến điện tử đã triệt tiêu tín hiệu nhận dạng bạn hay thù, khiến radar của hệ thống phòng không Ukraine không thể nhận ra F-16 là mục tiêu của địch hay ta.

F-16 do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ chế tạo, có thể mang phóng được nhiều loại bom và tên lửa hiện đại.

Các đồng minh phương Tây đã cam kết cung cấp ít nhất 79 tiêm kích loại này cho Ukraine. Tuy nhiên, hiện tại, Ukraine dường như mới nhận khoảng 10 chiếc đầu tiên hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8.

Kiev hy vọng phi đội F-16 do phương Tây viện trợ sẽ giúp họ chiếm ưu thế trên chiến trường. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Wall Street Journal, nhiều chiếc trong số này đã quá cũ sau hàng chục năm biên chế, do vậy dễ tổn thương trước các tên lửa phòng không của Nga.

Trong khi đó, phi công Ukraine thiếu kinh nghiệm vận hành an toàn những chiếc F-16.

Khóa đào tạo cho phi công Ukraine bị đẩy nhanh do nhu cầu chiến trường. "Thành thật mà nói, vẫn còn rủi ro", Wall Street Journal dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết.

Theo Reuters