1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine phát hiện điều đặc biệt trên tên lửa không thể bị bắn hạ của Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Khi mổ xẻ phần xác tên lửa siêu vượt âm Oreshnik của Nga, Ukraine đã phát hiện ra một số chi tiết đặc biệt.

Ukraine phát hiện điều đặc biệt trên tên lửa không thể bị bắn hạ của Nga - 1

Xác tên lửa Oreshnik của Nga (Ảnh: Reuters).

Khi nghiên cứu các mảnh vỡ của tên lửa siêu vượt âm Oreshnik do Nga sử dụng để tấn công thành phố Dnipro của Ukraine vào ngày 21/11, các nhà nghiên cứu của Kiev phát hiện ra một trong những bộ phận của vũ khí có số seri và dấu ngày sản xuất: Ngày 12/4/2017.

Theo Defense Express, việc bên trong tên lửa này có một bộ phận đã 7 năm tuổi dẫn tới một giả thuyết rằng Oreshnik có thể đã được lắp ráp vào khoảng năm 2017-2018. Kể từ đó, tên lửa có khả năng đã nằm trong kho lưu trữ.

Chuyên trang quân sự của Ukraine chỉ ra, năm 2017 trùng với kế hoạch của Nga nhằm bắt đầu sản xuất hàng loạt tên lửa đạn đạo RS-26 Rubezh. Tuy nhiên, vào tháng 3/2018, Moscow được cho là đã quyết định hủy bỏ việc phân phối RS-26 cho lực lượng vũ trang nước này.

Vì vậy, Defense Express tin rằng, Nga dường như đã phát triển Oreshnik từ rất lâu trước đó vì năm 2017 là năm sản xuất của một bộ phận. Điều đó có nghĩa là các bản thiết kế của tên lửa có thể đã xuất hiện từ đầu thập niên 2010.

Tuy nhiên, đây chỉ là một giả thuyết có tính phỏng đoán vì Nga vẫn có thể dùng bộ phận từ năm 2017 để lắp vào tên lửa mới sản xuất nếu nó phù hợp và không lỗi thời về mặt công nghệ. Rất khó để kết luận chính xác thông tin trong trường hợp này khi chỉ dựa vào một manh mối duy nhất.

Ngoài ra, theo Defense Express, trên bộ phận mà Ukraine nghiên cứu có dãy mã EFIT 302811.002. Nhãn "EFIT" liên quan đến doanh nghiệp phát triển tên lửa và không gian của Nga là NPTsAP (tên đầy đủ: Trung tâm Sản xuất Khoa học về Tự động hóa và Xây dựng Công cụ mang tên Viện sĩ N.A. Pilyugin), thuộc tập đoàn Roscosmos.

NPTsAP đứng sau hệ thống điều khiển cho các phương tiện phóng như Zenit, Proton-M, cũng như các tầng đẩy Fregat. Đặc biệt, đối với tên lửa Zenit, hệ thống tích hợp có mã EFIT 377513.008, và đối với tầng đẩy Fregat, mã là EFIT.378111.003.

NPTsAP cũng nổi tiếng với việc phát triển hệ thống điều khiển cho tên lửa quân sự xuyên lục địa Topol-M. Ngoài ra, một hệ thống điều khiển tầng đẩy có mã EFIT.373868.064 dành cho Bộ Quốc phòng Nga cũng được đề cập trong một quyết định của Tòa án Trọng tài Moscow vào tháng 7/2023.

Bằng chứng nói trên cho thấy NPTsAP có khả năng tham gia sản xuất Oreshnik bằng cách cung cấp thiết bị điều khiển, chế tạo toàn bộ tên lửa, hoặc các giai đoạn cuối của tên lửa. Thực tế, các chuyên gia từ trước đã giả định rằng Nga chỉ đơn giản lắp ráp nhiều bộ phận có sẵn để tạo ra Oreshnik, dẫn đến một tên lửa kết hợp từ các tầng của tên lửa xuyên lục địa Yars, vốn là phiên bản hiện đại hóa của tên lửa Topol thời Liên Xô.

Từng được giữ bí mật tuyệt đối nhưng ngày 21/11 vừa qua Moscow đã quyết định triển khai tên lửa Oreshnik để tấn công một nhà máy vũ khí của Ukraine tại Dnepr (hay Dnipro theo cách gọi của Ukraine).

Hành động được Điện Kremlin tuyên bố là để đáp trả các cuộc tấn công của Ukraine vào sâu bên trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa do nước ngoài sản xuất.

Theo các quan chức Nga, tên lửa Oreshnik được thiết kế bay ở vận tốc Mach 10 (khoảng 12.200km/h), tức gấp 10 lần vận tốc âm thanh. Nga tuyên bố đây là tên lửa không thể bị bắn hạ bởi bất cứ hệ thống phòng không nào trong thời điểm hiện tại. 

Theo Defense Express
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine