Ukraine nhượng bộ chưa từng có, bước đi nào cho các bên?
(Dân trí) - Lần đầu tiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng, Kiev sẵn sàng ký thỏa thuận hòa bình mà không nhất thiết ngay lập tức khôi phục lại toàn bộ lãnh thổ bị Nga kiểm soát.
Ukraine nhượng bộ chưa từng có
Trả lời phỏng vấn Sky News cuối tuần qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã vạch ra tầm nhìn nhằm chấm dứt "giai đoạn nóng" của xung đột với Nga.
Lần đầu tiên trong suốt gần 3 năm qua, ông đề cập đến khả năng tạm thời chấp nhận để Nga kiểm soát một phần lãnh thổ, đổi lấy việc được NATO đảm bảo an ninh cho các vùng lãnh thổ còn lại.
"Chúng tôi cần đưa phần lãnh thổ Ukraine đang kiểm soát vào ô bảo trợ của NATO. Chúng tôi phải hành động nhanh chóng. Với phần lãnh thổ Ukraine bị Nga kiểm soát, chúng tôi có thể giành lại thông qua con đường ngoại giao", ông nói.
Điều này đánh dấu sự thay đổi lập trường đáng kể của nhà lãnh đạo Ukraine. Trước kia, chính quyền của ông luôn khẳng định xung đột chỉ kết thúc khi Nga rút hết quân và Ukraine khôi phục toàn bộ lãnh thổ theo đường biên giới phân định năm 1991, bao gồm cả bán đảo Crimea. Nga hiện kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Kyodo News của Nhật Bản hôm 2/12, ông tiếp tục thừa nhận rất khó để giành lại những khu vực Nga đang kiểm soát bằng sức mạnh quân sự. "Quân đội của chúng tôi không đủ sức mạnh để làm điều đó. Đúng là như vậy. Chúng tôi phải tìm ra các giải pháp ngoại giao", ông nói.
Timothy Ash, một cộng sự trong chương trình Nga và Á - Âu tại Chatham House, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, nhận định: "Đây chắc chắn là một sự thỏa hiệp lớn của ông Zelensky về lãnh thổ, nhưng tôi nghĩ nó phản ánh thực tế khắc nghiệt".
Dư luận ở Ukraine cũng đang thay đổi. Xung đột kéo dài 3 năm qua kéo theo tâm lý mệt mỏi. Ngày càng có nhiều người Ukraine mong muốn chiến tranh kết thúc nhanh chóng hơn là một chiến thắng toàn diện.
Theo một cuộc thăm dò của Gallup công bố ngày 19/11, 52% người Ukraine muốn chiến tranh kết thúc "càng sớm càng tốt", kể cả phải nhượng bộ lãnh thổ. Chỉ có 38% muốn Ukraine "chiến đấu cho đến khi chiến thắng" - giảm đáng kể so với 73% vào năm 2022.
Điều kiện để Ukraine sẵn sàng chấp nhận nhượng bộ là có được đảm bảo an ninh từ phương Tây, đặc biệt là từ NATO. Tổng thống Zelensky nhấn mạnh, gia nhập NATO có ý nghĩa sống còn đối với Ukraine. Ông hối thúc NATO mời Ukraine gia nhập liên minh quân sự này càng sớm càng tốt.
Ukraine đang ngày càng thúc đẩy việc trở thành thành viên NATO với mức độ khẩn cấp ngày càng tăng trong những tháng gần đây. Tư cách thành viên trong liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt là một phần quan trọng trong "kế hoạch hòa bình" của ông Zelensky.
Hồi đầu tháng, ông kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden thuyết phục các đồng minh NATO mời Ukraine tham gia liên minh trong cuộc họp của NATO tại Brussels trong tuần này.
Các thành viên NATO nhiều lần khẳng định tương lai của Ukraine là ở NATO, nhưng họ cũng hoài nghi việc Ukraine được kết nạp khi xung đột với Nga chưa chấm dứt. Điều này là do nếu Ukraine là thành viên của NATO, ngay lập tức có nghĩa là toàn bộ liên minh sẽ có chiến tranh với Nga.
Giải mã nhượng bộ của Ukraine
Theo giới quan sát, sự thay đổi này đã manh nha từ vài tháng trước với việc giới chức Ukraine đưa ra những phát ngôn mềm mỏng hơn về khả năng đối thoại với Nga. Sau hội nghị thượng đỉnh hòa bình vào tháng 6 không có sự hiện diện của Nga, Ukraine liên tục hối thúc Moscow tham gia hội nghị lần hai, cho rằng đây là yếu tố quan trọng tiến tới chấm dứt xung đột.
Tuy nhiên, đến gần đây, sự thay đổi mới rõ rệt trong bối cảnh Nga giành những bước tiến nhanh trên chiến trường và ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ.
Sự trở lại Nhà Trắng của ông Trump đánh dấu sự thay đổi trong cách tiếp cận của Mỹ đối với Ukraine.
Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden là nước cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington đã cung cấp 64 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ tháng 2/2022. Mỹ đã cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí có độ chính xác cao như tên lửa tầm xa ATACM và gần đây cho phép Kiev dùng vũ khí này để tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga - một bước ngoặt quan trọng của cuộc xung đột.
Trong khi đó, trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống đắc cử Donald Trump chỉ trích các gói viện trợ hàng tỷ USD cho Ukraine và tuyên bố có thể chấm dứt cuộc xung đột trong vòng 24 giờ sau khi đắc cử. Tuy kế hoạch hòa bình của ông Trump vẫn còn mơ hồ, nhưng ở Kiev đã có những lo ngại rằng ông sẽ cắt giảm viện trợ hoặc thậm chí dừng hoàn toàn.
Theo các nhà phân tích, nếu không có viện trợ của Mỹ, các lực lượng Ukraine sẽ gặp khó khăn trong việc chống chọi với một cuộc chiến đang leo thang nhanh chóng.
Nga đang kiểm soát lãnh thổ ở Ukraine với tốc độ nhanh chưa từng có kể từ khi xung đột nổ ra. Ngoài ra, theo Ukraine và các đối tác, Nga còn được hỗ trợ bởi quân đội Triều Tiên. Bình Nhưỡng được cho là đã đưa hơn 12.000 binh sĩ đến Nga để huấn luyện và tham gia tác chiến ở tỉnh Kursk (Nga), nơi Ukraine đang kiểm soát một phần lãnh thổ.
Kế hoạch của ông Trump
Đặc phái viên về xung đột Nga - Ukraine mới được ông Trump đề cử, Keith Kellogg, hồi tháng 4 đưa ra kế hoạch kêu gọi cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết" đối với cuộc chiến Nga - Ukraine. Theo ông, Mỹ nên tham gia vào một cuộc đàm phán nhằm giúp các bên đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine.
Kế hoạch đề xuất Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự giúp Ukraine tự vệ. Tuy nhiên, viện trợ quân sự trong tương lai của Mỹ sẽ phụ thuộc vào việc Ukraine có tham gia đàm phán hòa bình với Nga hay không.
Kế hoạch cũng cho rằng các nhà lãnh đạo NATO nên đề nghị hoãn tham vọng của Ukraine gia nhập liên minh để thuyết phục Nga tham gia các cuộc đàm phán hòa bình.
Ngoài ra, Nga có thể được đề nghị giảm nhẹ một số biện pháp trừng phạt, tùy thuộc vào việc nước này ký thỏa thuận hòa bình với Ukraine.
Kế hoạch đề xuất sử dụng nguồn thu từ việc đánh thuế xuất khẩu năng lượng của Nga để phục vụ hoạt động tái thiết của Ukraine.
Tuy nhiên, những ý tưởng đó mâu thuẫn với "kế hoạch hòa bình" của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ông Keir Giles, một chuyên gia tư vấn cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Chatham House có trụ sở tại London, nói với Al Jazeera, cho rằng ý tưởng hoãn tham vọng của Ukraine gia nhập NATO là "một trong những cách Mỹ có thể tạo đòn bẩy đối với Ukraine, nhưng đó là một nỗ lực sai lầm". Theo ông Giles, việc Ukraine gia nhập NATO là giải pháp lâu dài duy nhất cho các vấn đề trong khu vực.
Kế hoạch của ông Zelensky cũng kêu gọi các đồng minh, đối tác cung cấp viện trợ kinh tế và quân sự bền vững cho Ukraine. Trong khi đó, theo kế hoạch của ông Kellogg, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine có kèm điều kiện
Hé lộ về kế hoạch hòa bình của ông Trump, Phó Tổng thống đắc cử Mỹ J.D Vance hồi tháng 9 tiết lộ, Tổng thống đắc cử sẽ bắt đầu đàm phán với cả lãnh đạo Nga, Ukraine và châu Âu.
"Và ranh giới phân định hiện nay giữa Nga và Ukraine có thể trở thành một khu vực phi quân sự", ông nói.
Ông Vance không nêu rõ vị trí chính xác của khu phi quân sự, nhưng cho biết khu vực này sẽ được củng cố nghiêm ngặt để đảm bảo Nga không thể tấn công Ukraine lần nữa.
Tuy nhiên, kế hoạch của ông Vance gợi ý Ukraine sẽ phải nhượng lại một số lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát gồm một phần Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia.
"Ukraine vẫn giữ chủ quyền độc lập của mình, Nga nhận được cam kết trung lập từ Ukraine - không gia nhập NATO, không tham gia liên minh quân sự nào. Một thỏa thuận cuối cùng sẽ kiểu như vậy", ông Vance chia sẻ.
Do các kế hoạch đều chưa rõ ràng, Tổng thống Ukraine Zelensky mong muốn làm việc và liên lạc trực tiếp với Tổng thống đắc cử Trump về giải pháp cho cuộc xung đột với Nga. Ông mô tả cuộc gặp hồi tháng 9 với ông Trump tại New York "tốt đẹp và mang tính xây dựng".
Theo nhà nghiên cứu Ash, vấn đề quan trọng đối với Ukraine là bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải bảo đảm lãnh thổ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Kiev. "Nếu không, Nga sẽ có cơ hội tấn công một lần nữa", ông lập luận.
Liệu Nga có chấp nhận?
Vấn đề đặt ra là liệu NATO có chấp nhận đề xuất của Ukraine, hay Nga có chấp nhận kế hoạch của đội ngũ ông Trump không.
Nga đang ở thế thượng phong và chắc chắn sẽ không chấp nhận kịch bản đóng băng xung đột. Moscow cho rằng, đóng băng xung đột chỉ tạo cơ hội cho phương Tây khôi phục lại sức mạnh cho Ukraine, chuẩn bị cho một cuộc phản công trong tương lai. Cơ quan tình báo Nga cuối tháng trước cáo buộc NATO đang chuẩn bị "cuộc chiến thứ hai ở Ukraine".
Nga không "ảo tưởng" vào các kế hoạch hòa bình của phương Tây. Thay vào đó, Moscow đặt ra một loạt điều kiện chấm dứt xung đột. Các điều kiện này gồm Ukraine rút quân khỏi 4 vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga là Donetsk, Lugansk, Zaporizhia, Kherson. Ngoài ra, Ukraine phải cam kết trung lập, phi quân sự hóa, phi phát xít hóa. Phương Tây phải dỡ các lệnh trừng phạt Nga và cắt viện trợ cho Kiev.
"Nga sẽ đàm phán khi họ cảm thấy ở thế thoải mái. Đối với Ukraine, việc ngừng chiến đấu có thể là thảm họa", ông Keir Giles tại tổ chức nghiên cứu Chatham House có trụ sở tại London, nói với Al Jazeera.
Ông giải thích: "Những nước phương Tây ủng hộ Ukraine chắc chắn sẽ coi lệnh ngừng bắn là chấm dứt xung đột. Trong khi đó, Nga có thể sẽ chuẩn bị cho bước đi tiếp theo của mình".
Ông Eugene Rumer, cựu nhà phân tích tình báo hàng đầu của Mỹ về Nga, hiện làm việc tại tổ chức tư vấn Carnegie Endowment for International Peace, cũng nhận định: "Ông Putin không có lý do gì phải vội vã".
Theo ông, Nga có thể sẽ chờ đợi thời cơ, kiểm soát thêm lãnh thổ Ukraine và chờ xem Ukraine và chính quyền tương lai của Tổng thống đắc cử Trump sẽ đưa ra thêm những nhượng bộ nào nữa để thuyết phục Moscow ngồi vào bàn đàm phán.
Với phương Tây, các nước này dường như bắt đầu thừa nhận một thực tế rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine chỉ có thể giải quyết bằng con đường ngoại giao và Kiev sẽ phải nhượng bộ lãnh thổ với Moscow.
Tuy nhiên, vấn đề là NATO khó đáp ứng điều kiện kết nạp Ukraine, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Về mặt lý thuyết, NATO hoàn toàn có thể kết nạp một phần Ukraine nhưng nó có nguy cơ lôi kéo liên minh này vào một cuộc chiến trực tiếp với Nga.
Lựa chọn của họ chỉ có thể là tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Một số đồng minh châu Âu bày tỏ sẵn sàng tăng cường viện trợ cho Kiev và Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tiếp tục gửi vũ khí cho Ukraine trong những tuần cuối cùng của nhiệm kỳ. Điều này có thể giúp Kiev có những đòn bẩy nhất định trước khi chấp nhận đàm phán.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố có khả năng chấm dứt xung đột Ukraine - Nga trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, chuyên gia Rumer chỉ ra, với tính chất phức tạp của cuộc chiến này, "khó ai có kế hoạch thực tế để chấm dứt xung đột một cách nhanh chóng".
Theo Aljazeera, Newsweek, New York Times, Reuters