1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine nêu mục tiêu chiến lược, từ chối đóng băng xung đột với Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức Ukraine tuyên bố một trong những mục tiêu chiến lược của Ukraine là giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát.

Ukraine nêu mục tiêu chiến lược, từ chối đóng băng xung đột với Nga - 1

Cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak (Ảnh: Reuters).

Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hôm nay 13/8 tuyên bố "mục tiêu chiến lược của Ukraine, ngoài việc (buộc Nga) phải trả lại vô điều kiện các vùng lãnh thổ, là tạo ra các điều kiện khiến hành động gây hấn không thể lặp lại trong tương lai".

"Ngược lại, bất kỳ "kịch bản đóng băng xung đột" nào với việc sáp nhập các vùng lãnh thổ như Nga tuyên bố và việc không Ukraine không được trao tư cách thành viên NATO (vì xung đột chưa kết thúc) sẽ càng khiến cho Moscow mạnh hơn và quay trở lại xung đột sau một thời gian ngắn nghỉ ngơi", ông Podolyak nhận định.

"Đó là lý do không có giải pháp thay thế nào cho công thức hòa bình của Ukraine, gồm củng cố quân đội, đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí, giành lại lãnh thổ, thay đổi chế độ ở Nga, bồi thường từ chính phủ mới và bắt buộc trừng phạt tội phạm chiến tranh", cố vấn của tổng thống Ukraine nêu rõ.

Giới chức Ukraine nhiều lần nêu rõ quan điểm về điều kiện tiên quyết cho các cuộc hòa đàm với Nga. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba từng nêu rõ các điều kiện này gồm Nga phải rút quân, khôi phục đường biên giới cho Ukraine và không đóng băng xung đột.

Kiev lập luận, đóng băng xung đột sẽ giúp Nga có thời gian tập hợp thêm lực lượng để tiến hành một chiến dịch tấn công thậm chí lớn hơn nữa.

Giới chức phương Tây cho rằng, Ukraine chỉ nên chấp nhận một thỏa thuận hòa bình với Nga theo các điều khoản của Kiev. Cuối năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã công bố một công thức hòa bình, trong đó kêu gọi Nga trao trả lại 4 vùng lãnh thổ mới sáp nhập cũng như bán đảo Crimea.

Tuy nhiên, Moscow nhiều lần bác bỏ những yêu cầu này và tuyên bố hòa bình chỉ có thể đạt được nếu Ukraine trở thành quốc gia trung lập, từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, công nhận việc Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ từ Ukraine. Tháng 10/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh sáp nhập 4 vùng của Ukraine gồm Zaporizhia, Kherson, Donetsk và Lugansk.

Nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Brazil, Indonesia, đã đưa ra các đề xuất hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến II. Hầu hết các đề xuất này đều bao gồm kêu gọi hai bên ngừng bắn ngay lập tức.

Theo Kiev, thời gian dành cho các bên hòa giải như Trung Quốc, Brazil, Vatican đã hết, trong khi sáng kiến của Indonesia (ngừng bắn ngay lập tức và theo đuổi kịch bản như bán đảo Triều Tiên) sẽ chỉ "câu giờ" cho Nga. Ukraine cho biết, họ sẵn sàng thảo luận các đề xuất hòa bình của châu Phi, nhưng tất nhiên không phải là giải pháp đóng băng xung đột.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuần trước tuyên bố, hòa bình bền vững ở Ukraine chỉ có thể đạt được nếu "chính quyền Kiev ngừng các hành động thù địch và tấn công khủng bố", trong khi các nước phương Tây ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Bà Zakharova nói thêm rằng, Kiev cũng cần cam kết duy trì một quốc gia trung lập, từ chối lấy lại tình trạng hạt nhân của nước này, đồng thời công nhận "thực tế lãnh thổ mới", đề cập đến 4 khu vực tại Ukraine mà Nga đã tuyên bố sáp nhập vào mùa thu năm ngoái.

Theo Guardian