1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine nêu điều kiện đàm phán với Nga ở Ấn Độ

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tin rằng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có thể làm trung gian giúp chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine.

Ukraine nêu điều kiện đàm phán với Nga ở Ấn Độ - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Getty).

Trả lời phỏng vấn Times of India ngày 28/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết: "Ông Narendra Modi là Thủ tướng của một đất nước thực sự lớn. Thủ tướng Modi có thể dùng ảnh hưởng để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Giá trị to lớn của Ấn Độ, quốc gia với 1 tỷ rưỡi dân số, có tác động thực sự đến điều này".

Theo ông, việc cản trở nền kinh tế Nga, năng lượng giá rẻ và hoạt động của tổ hợp công nghiệp quân sự Nga sẽ hạn chế khả năng Moscow tiến hành xung đột và rút ngắn thời gian xung đột với Kiev.

Ông Zelensky cũng nhấn mạnh: "Chắc chắn đàm phán có thể diễn ra ở Ấn Độ và Thủ tướng Modi có thể làm được điều đó. Nhưng chúng tôi cần tự chuẩn bị và đàm phán phải diễn ra theo thể thức của chúng tôi vì xung đột đang diễn ra trên đất nước chúng tôi. Chúng tôi đã có nền tảng là hội nghị thượng đỉnh hòa bình".

Ông hối thúc chính quyền của Thủ tướng Modi thực hiện những hành động cụ thể hơn là chỉ nói.

Ấn Độ vẫn duy trì mối quan hệ kinh tế và ngoại giao chặt chẽ với Nga sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2/2022. Ngoài Ấn Độ, ông Zelensky tin rằng lãnh đạo nhóm quốc gia phát triển G20 cũng có khả năng gây sức ép buộc Nga chấm dứt xung đột.

Theo giới quan sát, sau gần 3 năm xung đột, Ukraine có xu hướng kêu gọi Nga đàm phán, tìm một giải pháp ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc chiến.

Hồi tháng 6, hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine đã diễn ra tại Thụy Sĩ không có sự tham gia của Nga, song Kiev có kế hoạch tổ chức hội nghị lần 2 trước cuối năm nay và nhiều lần đề nghị Moscow tham dự. Tuy vậy, đến nay, Nga tiếp tục từ chối tham dự những hội nghị như vậy.

Ngoài ra, Ukraine cũng để ngỏ điều chỉnh "công thức hòa bình" do Tổng thống Zelensky đưa ra sau khi tiếp thu các sáng kiến hòa bình từ các nước khác như Trung Quốc, Brazil, Nam Phi. Công thức này bao gồm các điều khoản chấm dứt xung đột như Nga phải rút hết quân, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine theo đường biên giới được công nhận năm 1991, trao trả tù binh, bồi thường chiến tranh.

Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định: "Moscow quan tâm đến việc chấm dứt xung đột ở Ukraine càng sớm càng tốt bằng các biện pháp hòa bình". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, bất kỳ giải pháp cuối cùng nào cũng phải dựa trên dự thảo được chuẩn bị trong quá trình đàm phán vốn bị hủy bỏ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa xuân năm 2022.

Theo đó, Moscow đề nghị Ukraine cam kết trung lập, không gia nhập liên minh quân sự, đặc biệt là NATO, và hạn chế quy mô quân đội. Ngoài ra, Moscow yêu cầu Kiev phải chấp nhận thực tế trên thực địa, ngầm ám chỉ việc công nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga.

Theo TASS
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine