1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ba Lan có thể đưa quân đến Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Ngoại trưởng Ba Lan cho biết, nước này không loại trừ khả năng đưa quân đến Ukraine trong bối cảnh Kiev đang chật vật đối phó đà tiến công của Moscow.

Ba Lan có thể đưa quân đến Ukraine - 1

Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski (Ảnh: Reuters).

Trả lời phỏng vấn truyền thông ngày 28/5 về việc liệu Ba Lan có sẵn sàng đưa quân đến Ukraine hay không, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski nói: "Chúng tôi không loại trừ phương án này. Chúng tôi sẽ để ông (Tổng thống Nga) Putin đoán ý của chúng tôi".

Tuy nhiên, ông Sikorski không nêu rõ liệu lực lượng quân sự Ba Lan có thể đóng vai trò nào ở Ukraine.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 2 cho biết, các lãnh đạo phương Tây đã bàn đến kịch bản đưa quân vào Ukraine. Ông nhấn mạnh, dù hiện tại chưa có sự đồng thuận về vấn đề này, song không loại trừ việc phương Tây triển khai quân đội ở Ukraine.

Trong khi hầu hết các nước, gồm Mỹ, Anh, Đức, phản đối sự hiện diện quân sự của phương Tây ở Ukraine, một số quan chức tỏ ra đồng tình với quan điểm của ông Macron.

Ngoại trưởng Sikorski khi đó nói rằng, sự hiện diện của lực lượng NATO ở Ukraine "không phải là không thể nghĩ đến" và ông ủng hộ ý tưởng của Tổng thống Macron.

"Phương Tây nên đáp trả hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine bằng sự leo thang bất đối xứng. Theo quan điểm này, sự hiện diện của lực lượng NATO ở Ukraine không phải là điều không thể nghĩ tới", nhà ngoại giao Ba Lan nêu quan điểm.

Ông Sikorski mới đây cũng cho biết, ông cũng ủng hộ việc chấm dứt các lệnh cấm Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra cách đây hơn 2 năm, cùng với các đồng minh NATO, Ba Lan đã tích cực hỗ trợ cho Kiev. Trong các tuyên bố công khai, giới chức phương Tây khẳng định không đưa quân đến Ukraine và muốn tránh xung đột trực tiếp với Nga. Quan điểm chung của các nước này là tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine như cung cấp vũ khí, hỗ trợ huấn luyện quân đội.

Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, liên minh phương Tây bắt đầu xuất hiện rạn nứt do bất đồng quan điểm về cách thức hỗ trợ Ukraine, trong khi một số nước ủng hộ đưa quân vào Ukraine và cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga, số khác phản đối.

Bất đồng này xuất hiện trong bối cảnh Ukraine rơi vào thế bất lợi trên chiến trường trong cuộc xung đột với Nga. Moscow đang mở rộng kiểm soát lãnh thổ ở Ukraine, mở mũi tiến công mới ở vùng Kharkov, đông bắc Ukraine trong khi Kiev chuyển sang phòng thủ ở hầu hết chiến tuyến do tình trạng cạn kiệt đạn dược, nhân lực.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, phương Tây đưa quân vào Ukraine sẽ châm ngòi cho một cuộc xung đột hạt nhân. Đáp lại, ông Sikorski cho biết, Mỹ đã nói, nếu Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân, Washington sẽ đáp trả bằng cách sử dụng vũ khí thông thường nhằm vào lực lượng Nga ở Ukraine.

Ba Lan là một thành viên NATO và có chung đường biên giới với Ukraine. Căng thẳng giữa Nga và Ba Lan ngày càng leo thang kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.

Tuần trước, Ba Lan tuyên bố đang cân nhắc về việc sử dụng hệ thống phòng không của nước này nhằm bắn tên lửa Moscow bay trên không phận Ukraine.

Tháng trước, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cũng cho biết, nước này sẵn sàng cho phép Mỹ lưu trữ vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ. Ông giải thích, sở dĩ Ba Lan có lập trường như vậy là do Nga ngày càng quân sự hóa khu vực Kaliningrad giáp Ba Lan và Lithuania, và nhấn mạnh thêm rằng Moscow cũng đã triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine