Ukraine “lo sốt vó” nguy cơ rơi vào thảm kịch “Hy Lạp 2”
Giáo sư Sestanovich cho biết, Kiev phải tự dựa vào mình để vượt qua khủng hoảng và cần có chính sách “dân túy” hơn để tránh 1 thảm kịch "Hy Lạp 2".
Kinh tế “chết đứng”, Ukraine sẽ vỡ nợ trong tháng 7?
Tổng nợ công của Ukraine gần 70 tỷ USD, trong đó có 40 tỷ là nợ nước ngoài. Kiev dự định tái cơ cấu từ 22-23 tỷ khoản vay của các chủ nợ tư nhân, có liên quan đến khoản nợ Nga trên trái phiếu 3 tỷ euro. Đồng thời Kiev cũng tính kết quả cuộc tái cơ cấu tiết kiệm trong vòng 4 năm chỉ còn 15,3 tỷ USD.
Chính Thủ tướng Ukraine Yasenyuk đã buộc phải tuyên bố, Kiev không thể trả nổi khoản nợ khổng lồ đã tích tụ trong vòng 3 năm qua. Những dự báo mang màu sắc ảm đạm khi Cơ quan thẩm định tài chính Fitch đã dự đoán về sự suy giảm kinh tế Ukraine năm 2015 ở mức 9%.
Tờ báo phân tích kinh tế nổi tiếng Bloomberg đã khảo sát và dự báo, kết thúc quý 2 năm 2015, kinh tế Ukraine giảm 4% so với cùng kỳ năm trước, mức tệ nhất trong 47 nền kinh tế được Bloomberg khảo sát từ tháng 4 đến tháng 6/2015.
Liên quan tới lĩnh vực kinh tế và năng lượng, Nga cũng đã cắt nguồn cung khí đốt sang Ukraine càng đẩy Kiev vào tình cảnh khốn đốn. Bất ổn về chính trị, suy giảm trầm trọng về kinh tế là những gì mà báo chí phương Tây miêu tả về tình hình Ukraine.
EU đã đồng ý hỗ trợ 5,5 tỷ USD cho Ukraine và Mỹ đã phê chuẩn khoản vay nợ 3 tỷ USD cho Kiev, tuy nhiên, điều này dường như không thấm vào đâu so với khoản nợ mà Kiev đang gánh phải.
Hiện các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) đang dồn mọi sự tập trung vào giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp. Còn Tổng thống Mỹ Barack Obama đang chú tâm vào các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.
Bởi thế, những khó khăn ập đến lúc này chỉ có một mình Kiev chống đỡ. Nhiều nhà nghiên cứu lo ngại, liệu trong thời gian tới, Ukraine có đi vào “vết xe đổ” giống như Hy Lạp?
Ukraine phải “chạy vạy” khắp nơi để trả nợ
Chuyên gia nghiên cứu kinh tế Ukraine tại Hội đồng Đại Tây Dương, ông Anders Aslund nhận định, để sống sót trong 2 năm tới, Ukraine cần thêm một khoản hỗ trợ tài chính trị giá 10 tỷ USD.
Với sự hỗ trợ từ IMF, Ukraine đang thúc ép để buộc các chủ nợ nước ngoài, trong đó có quỹ trái phiếu khổng lồ Franklin Templeton (trụ sở tại California), chấp nhận thiệt hại để cứu trợ tài chính lần đầu cho nước này.
Quỹ Franklin Templeton nắm giữ khoảng 8, 9 tỷ USD khoản nợ của Ukraine và đã từ chối về yêu cầu xóa một phần nợ cho Kiev. Thay vào đó, quỹ Franklin Templeton cho biết sẽ gia hạn nợ đến năm 2019, theo kết quả của cuộc đàm phán vào tuần trước tại Washington.
Các chủ nợ đã lập luận rằng, sở dĩ họ không cắt giảm nợ cho Ukraine, vì họ cho rằng nền kinh tế Kiev sẽ phục hồi nhanh chóng sau khi giãn nợ, bằng dự trữ vàng và ngoại tệ, chính phủ hoàn toàn có khả năng trả nợ.
Tuy nhiên, Ukraine không chấp nhận đề nghị này và muốn được cắt giảm ngay tức khắc 40% số nợ gốc với lý do rằng đây là những khoản nợ cũ của chính phủ Yanukovych và họ sẽ không chịu trách nhiệm về khoản nợ đó.
Trong một động thái nhằm thể hiện sự ủng hộ chính quyền Ukraine, hôm 2/7, IMF tuyên bố đã đạt được một thỏa thuận ở cấp chuyên viên với Kiev về các chính sách cần thiết để giải ngân một khoản cho vay trị giá 1,7 tỷ USD.
IMF khẳng định sẽ giúp Ukraine trì hoãn việc thanh toán nợ, đồng thời cũng tuyên bố sẽ bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư Ukraine.IMF gợi ý thêm rằng, các chủ nợ phải chấp nhận thua lỗ, với lý do cần giữ tỷ lệ nợ/DGP của Ukraine không được vượt khỏi tầm kiểm soát.
Trong một tuyên bố, IMF cho biết đã đưa ra cho Ukraine “một đề xuất tái cơ cấu toàn diện và đầy đủ nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của IMF để được nhận khoản cứu trợ gần 16 tỷ USD”.
Muốn phục hồi kinh tế, Ukraine cần “dân túy” hơn
Mặc dù lên tiếng hứa hẹn nhiều lần, nhưng phương Tây tỏ ra “không mấy mặn mà” với việc giang tay cứu vớt nền kinh tế đang ngắc ngoải của Ukraine.
Tuy nhiên, Liên minh Châu Âu chỉ đề nghị cam kết viện trợ cho Ukraine 5,5 tỷ USD trong khi con số mà EU muốn dùng để cứu giúp cho Hy Lạp lên tới 222 tỷ USD. Mỹ cung cấp 20 tỷ USD đề cứu Mexico thoát khỏi cảnh bị phá sản và 18 tỷ USD để tái thiết lại Iraq nhưng chỉ thông qua 3 tỷ USD tiền viện trợ cho Ukraine.
Rõ ràng, muốn vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện tại, điều Ukraine cần là sự “tự lực, tự cường” ở bản thân. Giáo sư Stephen Sestanovich, đến từ Đại học Columbia đã viết một bài phân tích trên trang Wall Street Journal rằng, nếu muốn phục hồi đất nước, Kiev cần có những chính sách “dân túy” hơn.
Ông Stephen Sestanovich lo ngại, những khoản cứu trợ từ phía EU sẽ liên quan đến nhiều điều kiện nghiêm ngặt, và điều này có thể sẽ gây ra nguy cơ phản ứng dữ dội trong công chúng.
“Liệu nhân dân (Ukraine) có sẵn sàng chấp nhận những cải cách đau đớn này, hay họ sẽ bị lôi kéo sang những kẻ mị dân đang hắt hủi họ?”, Giáo sư Stephen Sestanovich viết.
Ông Stephen Sestanovich cũng chỉ ra trong bài viết của mình rằng, nguyên nhân khiến nền kinh tế Ukraine không bền vững là bởi nạn tham nhũng. Đây là một vấn đề nghiêm trọng tại Ukraine.
Dù rằng chính quyền ông Petro Poroshenko đã có những cải cách kinh tế nhất định nhưng nạn tham nhũng vẫn chưa được diệt trừ. Ông Stephen Sestanovich cho biết, hầu hết những “ông trùm” ở Ukraine đã xây dựng đế chế của mình bằng cách thâu tóm các chính quyền, hối lộ thẩm phán, công tố viên, thậm chí kiểm soát cả hải quan cùng nhiều cơ quan nhà nước khác có lợi cho việc kinh doanh của họ.