1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine lo phương Tây giảm quyết tâm trong việc đối phó Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ukraine đang tỏ ra lo ngại rằng sự kiên nhẫn chiến lược của phương Tây nhằm gây áp lực cho Nga đang giảm dần, sau 2 động thái nhượng bộ của Canada và EU đối với Moscow trong tuần qua.

Ukraine lo phương Tây giảm quyết tâm trong việc đối phó Nga - 1

Một phụ nữ ngồi trước tòa nhà bị phá hủy tại thành phố Mariupol, Ukraine (Ảnh: Reuters).

Theo Newsweek, Nga trong tuần qua được cho đã giành được 2 "chiến thắng" quan trọng trong cuộc chiến lệnh trừng phạt với phương Tây, sau khi Canada chấp nhận chuyển tua-bin cho đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức, cũng như việc EU nêu rõ quan điểm trong việc Lithuania đưa ra biện pháp phong tỏa lãnh thổ Kaliningrad của Nga.

Các lãnh đạo EU và NATO đều nhấn mạnh 2 quyết định nói trên đều có quy mô giới hạn và sẽ không làm ảnh hưởng tới sự ủng hộ dành cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga kéo dài hơn 5 tháng qua.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, đây có thể là 2 dấu hiệu khiến Ukraine lo ngại về cái gọi là "sự mệt mỏi vì lệnh trừng phạt" Nga trong lòng phương Tây. Kiev lo ngại, đây có thể là tiền lệ cho những động thái nhượng bộ Nga sau này từ EU và NATO.

"Sự thật là một số chính trị gia châu Âu dường như chú ý tới khí đốt của Nga hơn là chiến thắng của Ukraine", nghị sĩ Ukraine Oleksandr Merezhko, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của quốc hội Ukraine, nói với Newsweek.

Tuần trước, Canada quyết định giao tua-bin cho đường ống khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 1". Trước đó, Canada đã tung lệnh hạn chế để ngăn việc giao tua-bin này tuy nhiên, Nga đã viện dẫn đây là lý do mà họ buộc phải cắt một phần khí đốt sang Đức trong thời gian qua. Vì vậy, Canada đã đưa ra quyết định mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mô tả là "yếu đuối" và "không thể chấp nhận được".  

Đức hiện vẫn đang phụ thuộc lớn vào khí đốt Nga, và đây được xem là một trong những "lá bài" mạnh nhất của Kremlin với EU và NATO - các tổ chức mà Đức đều là thành viên chủ chốt.

Phía Canada thừa nhận họ hiểu được sự không hài lòng từ Ukraine, nhưng nhấn mạnh mấu chốt của lệnh trừng phạt là không làm tổn hại tới đồng minh và không thể làm kinh tế Đức bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Canada cũng nói rằng họ chịu áp lực từ Đức và EU khi đưa ra quyết định trên.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết quyết định gây tranh cãi này "đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cần thiết của chúng tôi, giúp cho Đức và châu Âu tiếp tục đủ năng lực nhằm viện trợ nhân đạo, tài chính và quân sự cho Ukraine.

Ukraine lo phương Tây giảm quyết tâm trong việc đối phó Nga - 2

"Lá bài" năng lượng của Nga được xem là hiệu quả để đối phó với lệnh trừng phạt phương Tây (Ảnh: Reuters).

Ngoài vấn đề tua-bin khí đốt, tuần qua, Nga được xem cũng đã giành được lợi thế trong vấn đề Kaliningrad. Trước đó, Lithuania đã ban hành lệnh cấm chuyển một số mặt hàng bằng đường bộ và đường sắt tới lãnh thổ của Nga ở biển Baltic nhằm tuân thủ lệnh trừng phạt của EU. Nga cáo buộc đây là nỗ lực phong tỏa Kaliningrad.

Tuy nhiên, sau khi Nga đã đưa các tuyên bố gây áp lực, Ủy ban châu Âu EC cho biết rằng, các hàng hóa bị trừng phạt của Nga - ngoại trừ sản phẩm sử dụng trong quân sự, công nghệ hoặc lưỡng dụng dân sự và quân sự - đều không nên bị cấm vận chuyển bằng tàu hỏa.

Lithuania sau đó tuyên bố họ sẽ tôn trọng khuyến nghị từ EC.

Ukraine ngay lập tức chỉ trích động thái trên, cho rằng Nga đang tận dụng tâm lý mệt mỏi vì trừng phạt Moscow của phương Tây. Kiev kêu gọi các lệnh trừng phạt Nga cần được siết chặt hơn nữa.

Sau nhiều tháng trừng phạt Nga, châu Âu nhận ra không chỉ Moscow bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lệnh cấm vận mà chính phương Tây cũng đang chịu tác động ngược từ các động thái trên. Giá dầu tăng phi mã kéo theo lạm phát liên tục vượt mốc kỷ lục khiến nhiều quốc gia phương Tây cảnh báo một cuộc khủng hoảng tiềm tàng.

Những điều đó dường như đang gây ra sự tranh cãi trong lòng châu Âu về việc họ nên tiếp tục trừng phạt Nga như thế nào, trong bối cảnh lợi ích chiến lược của mỗi nước đều đang bị ảnh hưởng.

Thực tế này khiến Ukraine lo ngại, vì nếu phương Tây không duy trì được sự kiên nhẫn để trừng phạt Nga, áp lực đặt lên Moscow là sẽ không đủ lớn để họ dừng chiến dịch quân sự.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine