1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine lo ngại chiến thuật "bắn bồi" tên lửa của Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới quan sát Ukraine bày tỏ sự lo ngại về chiến thuật "bắn bồi" tên lửa của Nga vào một mục tiêu, khiến phía Kiev chịu thiệt hại lớn hơn.

Ukraine lo ngại chiến thuật bắn bồi tên lửa của Nga - 1

Tiêm kích MiG-31K của Nga mang theo tên lửa Kinzhal (Ảnh: Quân đội Nga).

Chuyên trang quân sự Ukraine Defense Express đưa tin, vào sáng ngày 24/3, Nga đã tấn công một trong những cơ sở hạ tầng quan trọng ở khu vực Lviv của Ukraine bằng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm phóng từ trên không Kh-47M2 Kinzhal.

Cuộc tập kích diễn ra sau một cuộc tấn công lớn trước đó của Nga cũng nhằm vào mục tiêu này bằng tên lửa hành trình và UAV tự sát. Khoảng cách giữa 2 cuộc tấn công là vài giờ đồng hồ.

Theo Defense Express, đây chính là khoảng thời gian mà Nga có thể thực hiện hoạt động tình báo sơ bộ để xem xét hiện trường vụ tấn công đầu tiên. Sau đó, Nga quyết định cho tiêm kích MiG-31K cất cánh, phóng tên lửa Kinzhal một lần nữa vào mục tiêu quan trọng của đối phương.

Giới quan sát Ukraine cảnh báo đây là một chiến thuật nguy hiểm vì nó có thể tăng mức độ thiệt hại cho mục tiêu chiến lược của Ukraine lên cao.

Vài giờ đồng hồ sau cuộc tấn công đầu tiên, Ukraine có thể điều lực lượng tới điều tra hiện trường, cứu hộ, phản ứng nhanh với tình hình. Một cuộc tấn công "bồi" của Nga sẽ khiến đối phương không kịp trở tay và hứng chịu thiệt hại kép.

Đặc biệt, Nga sử dụng tên lửa Kinzhal với độ chính xác và khả năng vượt qua hệ thống phòng không đối phương hiệu quả dường như nhằm đảm bảo cuộc tấn công "bồi" sẽ đạt được mục tiêu đề ra ban đầu.

Để thu thập thông tin nhằm cung cấp cho các vụ bắn "bồi", Nga thường sử dụng UAV như một công cụ tình báo, giám sát và trinh sát (ISR). Một trong những UAV tiêu biểu của Nga là Sirius. UAV nói trên nặng 2,5 tấn, lớn nhất trong kho vũ khí nước này.

Đây không phải lần đầu Nga dùng chiến thuật này. Vào ngày 15/3, Nga cũng bắn "bồi" tên lửa vào mục tiêu của Ukraine ở Odessa, gây ra thêm thiệt hại lớn cho đối phương.

Cuối năm 2023, truyền thông Nga từng nói về chiến thuật này. Vào thời điểm đó, Nga thường dùng Iskander để tấn công đợt 1, sau đó chờ đợi đối thủ tập hợp lực lượng ở hiện trường để tấn công đợt 2 cũng bằng loại tên lửa này.

Đây là chiến thuật gây tối đa rủi ro cho đối phương, đồng thời cũng yêu cầu phía tấn công phải có đủ vũ khí để tập kích. Trong thời gian qua, Nga nhiều lần tuyên bố tăng cường sản xuất vũ khí, đặc biệt là tên lửa chiến thuật, trong bối cảnh Moscow đang hứng chịu hơn 17.500 lệnh trừng phạt của phương Tây. 

Vào cuối tháng 1, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Nga sẽ đẩy mạnh sản xuất trang bị quân sự, đặc biệt là tên lửa với sản lượng gấp vài lần hiện tại.

Thông báo này được ông Sergei Shoigu đưa ra sau chuyến thăm các cơ sở sản xuất công nghiệp - quân sự, bao gồm nhiều khu vực sản xuất tên lửa hành trình Kalibr và tên lửa đạn đạo Iskander, ở thành phố Yekaterinburg.

"Chúng tôi đã có chuyến tham quan thực tế tất cả các cơ sở sản xuất. Qua quá trình trao đổi với các kỹ sư trưởng, chúng tôi nắm bắt được tình hình rất nhiều thiết bị mới đã sẵn sàng. Đây là yếu tố giúp khối lượng sản xuất tăng lên đáng kể", quan chức này chia sẻ.

Theo Defense Express
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine