Ukraine lên tiếng về đề xuất nhượng lãnh thổ để gia nhập NATO
(Dân trí) - Ngoại trưởng Ukraine tuyên bố Kiev phản đối ý tưởng nhượng lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát để đổi lấy tư cách thành viên NATO.
"Những người ủng hộ kế hoạch này nên yêu cầu các quốc gia khác đưa ra những nhượng bộ tương tự. Nếu họ làm như vậy, tôi sẵn sàng lắng nghe lập luận của họ", Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba nói với các phóng viên bên lề cuộc họp của NATO ở Brussels hôm 30/11.
Ý tưởng cho rằng Ukraine có thể nhượng lại các vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát để đổi lấy tư cách thành viên NATO đã được các cựu quan chức cấp cao của NATO đưa ra, trong đó có cựu Tổng thư ký Anders Fogh Rasmussen và cựu Tư lệnh Đồng minh Tối cao châu Âu James Stavridis. Ngoại trưởng Kuleba đã phản đối đề xuất này trước Hội đồng ngoại trưởng NATO - Ukraine.
Ngoại trưởng Kuleba cũng bác bỏ quan điểm cho rằng phương Tây "mệt mỏi" với cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời nhấn mạnh việc thiếu nguồn cung vũ khí không liên quan đến tâm lý này.
Tuần trước, báo Bild của Đức đưa tin, các quan chức Mỹ và Đức muốn Kiev thỏa hiệp và tổ chức đàm phán hòa bình với Moscow. Bild cho biết, với tư cách là nhà cung cấp viện trợ lớn nhất cho Ukraine, hai quốc gia này đang hạn chế nguồn cung vũ khí mới ở mức tối thiểu cần thiết để tránh sự sụp đổ hoàn toàn của quân đội Ukraine.
Thảo luận về việc cung cấp vũ khí tại trụ sở NATO, Ngoại trưởng Kuleba cho biết ông "không có lý do gì" để tin rằng việc phương Tây không cung cấp nhiều vũ khí như Kiev mong đợi là do "thiếu ý chí chính trị".
"Nhưng tôi có lý do chính đáng để tin rằng cần phải thực hiện rất nhiều (công việc kỹ thuật) để đạt được mục tiêu trong lĩnh vực này", ông Kuleba nói thêm.
Ngoại trưởng Kuleba lưu ý rằng trong số 1 triệu quả đạn pháo mà EU cam kết gửi cho Ukraine vào năm 2023, chỉ có khoảng 300.000 quả đã đến Ukraine.
Quan chức Ukraine cho biết Kiev vẫn kiên định với các mục tiêu xung đột, đồng thời khẳng định "không gì có thể ngăn cản chúng tôi". Ông Kuleba gọi việc viện trợ cho Ukraine thay vì gửi quân để đối phó Nga là một "thỏa thuận công bằng" đối với phương Tây.
"Các bạn cung cấp cho chúng tôi tất cả những gì chúng tôi cần, chúng tôi sẽ chiến đấu. Chúng tôi không yêu cầu các bạn hy sinh mạng sống của mình", ông Kuleba nhấn mạnh.
Moscow đã gọi cuộc xung đột Ukraine là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm do Mỹ dẫn đầu chống lại Nga.
Tại cuộc họp báo ngày 29/11, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định các nước NATO không gây sức ép buộc Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga như đồn đoán.
Lãnh đạo NATO nhấn mạnh quan điểm rằng viện trợ quân sự cho Ukraine là "con đường dẫn đến hòa bình" và Ukraine càng mạnh trên chiến trường, vị thế trên bàn đàm phán càng mạnh.
Ông Stoltenberg cũng cho biết, NATO không thấy bất kỳ dấu hiệu nào về việc Moscow có thiện chí tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine.
Theo lãnh đạo NATO, phương Tây cần cho Nga thấy rằng họ không thể giành chiến thắng trên chiến trường, điều đó có nghĩa là các đồng minh, đối tác cần tiếp tục viện trợ quân sự nhiều hơn nữa cho Ukraine.
Về phía Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov nhận định không có triển vọng ngừng bắn ở Ukraine trong năm 2024, bất chấp có thông tin rằng Mỹ có thể thúc đẩy Kiev ngồi vào bàn đàm phán với Moscow.
Ông Ryabkov lý giải, điều này là do Kiev và phương Tây đã đưa ra quan điểm hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Moscow.