1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ukraine ký hàng chục hợp đồng mua bán vũ khí mới

(Dân trí) - Song song với việc tìm kiếm sự trợ giúp vũ khí từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, chính quyền Ukraine hôm qua đã ký 20 hợp đồng mua bán vũ khí của nhiều nước nhân Triển lãm vũ khí IDEX-2015 diễn ra tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Ukraine ký hàng chục hợp đồng mua bán vũ khí mới
Tổng thống Ukraine (đứng giữa) chứng kiến lễ ký văn kiện hợp tác kỹ thuật quân sự với nước chủ nhà UAE (Ảnh: Sensor)

Tổng thống Ukraine Petr Poroshenko đã tiết lộ thông tin trên khi tới thăm Triển lãm vũ khí IDEX-2015.

“Những vũ khí được mua lần này là sản phẩm của các công ty châu Âu, Mỹ và Trung Đông. Ngoài ra, chúng tôi cũng ký hợp đồng bán một số sản phẩm quân sự của Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Ukraine với tổng trị giá hàng chục triệu USD để có thêm ngoại tệ cho hiện đại hóa quân đội”, nhà lãnh đạo Ukaine cho biết.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ danh mục các loại vũ khí, số lượng và thời hạn bàn giao những vũ khí được Ukraine giao dịch này.

Tháp tùng Tổng thống Poroshenko trong chuyến đi mua sắm vũ khí có nhiều quan chức quân sự cấp cao, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Stepan Poltorak và Tổng Tham mưu trưởng quân đội Viktor Muzenko.

Thông tin Ukraine mua thêm vũ khí được tung ra vào thời điểm nước này đang khao khát được nhận viện trợ quân sự của Mỹ và một số nước châu Âu nhằm nâng cao khả năng chiến đấu với lực lượng ly khai đang được trang bị tốt từ Nga.

Vì vậy, trong khuôn khổ chuyến thăm triển lãm tại UAE, phái đoàn Ukraine cũng đã có cuộc gặp với phái đoàn Mỹ do Thứ trưởng Quốc phòng Frank Kendall dẫn đầu để thảo luận về khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine. Chi tiết cuộc gặp không được tiết lộ.

Ukraine là một trong những nước sản xuất vũ khí hàng đầu nhưng lại thiếu các thiết bị quân sự cần thiết phục vụ cho một cuộc chiến tranh hiện đại. Trước những diễn biến bất lợi của quân đội Ukraine tại chiến trường miền Đông thời gian qua, nhiều nước đã lên tiếng về khả năng cung cấp vũ khí, kể cả vũ khí sát thương, cho chính quyền Kiev nếu thỏa thuận Mink 2 về hòa bình cho Ukraine bị phá vỡ. Trong số này có Mỹ, Canada và Anh.

Tuy nhiên, Đức và Pháp -  hai quốc gia đầu tàu châu Âu làm trung gian cho thỏa thuận Minsk 2 - lại kiên quyết phản đối kế hoạch này vì lo ngại sẽ đẩy châu Âu vào một cuộc chiến khốc liệt với Nga.  

Vũ Anh
Theo TASS

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm