Ukraine không đàm phán với Tổng thống Putin bất chấp nguy cơ mất lãnh thổ
(Dân trí) - Quan chức Ukraine tuyên bố Kiev vẫn duy trì lệnh cấm đàm phán trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong cuộc phỏng vấn với báo European Pravda được công bố hôm 15/1, khi được hỏi liệu Nga có nên tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng hay không, Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga tuyên bố, hiện tại, "phương thức" như vậy vẫn chưa được xem xét.
"Chúng ta hãy chờ các cuộc tiếp xúc chính thức với Mỹ, nơi chúng ta sẽ thảo luận các bước tiếp theo", nhà ngoại giao Ukraine nói thêm.
Ngoại trưởng Sibiga tuyên bố, cách tiếp cận "hòa bình thông qua sức mạnh" của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phù hợp với "công thức hòa bình" của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Công thức này bao gồm việc Nga rút quân khỏi mọi vùng lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền, trả tiền bồi thường do chiến tranh và chịu trách nhiệm trước tòa án xét xử tội ác chiến tranh. Moscow đã bác bỏ kế hoạch này, gọi điều này "tách biệt với thực tế".
Cuối năm 2022, ông Zelensky đã ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nga đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán về Ukraine, miễn là tính đến "thực tế trên thực địa" về lãnh thổ, một cách tiếp cận gần đây được Tổng thống Pháp Emmanual Macron nhắc lại.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Ukraine gần đây đã chuyển hướng từ việc nhấn mạnh "chiến thắng" sang yêu cầu một "nền hòa bình công bằng", được hỗ trợ bởi các đảm bảo an ninh từ phương Tây, bao gồm tư cách thành viên NATO, trong khi vẫn giữ nguyên tình trạng của các khu vực do Nga kiểm soát.
Tuần trước, Tổng thống Zelensky bày tỏ mong muốn đạt được một thỏa thuận hòa bình với Nga trong năm nay, nhấn mạnh nhu cầu đảm bảo an ninh mạnh mẽ từ phương Tây.
Ông Trump nhiều lần tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng ông có thể chấm dứt xung đột trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, tổng thống đắc cử gần đây cho biết có thể mất tới 6 tháng sau khi nhậm chức để tạo điều kiện cho một thỏa thuận giữa Moscow và Kiev.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đầu tuần này cho biết Moscow sẵn sàng thảo luận về các đảm bảo an ninh cho Ukraine trong khuôn khổ Á - Âu rộng hơn để giải quyết các vấn đề địa chính trị lớn hơn.
Tổng thống Nga đã nhắc lại vào tháng trước rằng Moscow sẵn sàng đàm phán với Kiev mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào khác ngoài những điều kiện đã thỏa thuận tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2022, bao gồm việc Ukraine đồng ý về quy chế trung lập và hạn chế triển khai vũ khí nước ngoài trên lãnh thổ.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 15/1, ứng viên Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio thừa nhận Kiev không thể đẩy quân đội Nga trở lại vị trí mà họ đã nắm giữ trước khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
"Ukraine không thể đẩy Nga trở lại nơi họ đã hiện diện vào đêm trước của chiến dịch quân sự đặc biệt", ông Rubio nói.
"Sự khác biệt về quy mô ở đây rất quan trọng. Không thực tế khi tin rằng bằng cách nào đó một quốc gia có quy mô như Ukraine có thể đẩy lùi lực lượng Nga, bất kể Nga đã phải chịu bao nhiêu tổn thất", ứng viên Ngoại trưởng Mỹ nhận định.
Ông Rubio nói thêm rằng "vấn đề mà Ukraine đang phải đối mặt không phải là cạn kiệt tiền bạc, mà là cạn kiệt nhân lực".
Năm 2022, Nga tuyên bố sáp nhập 4 khu vực ở Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia, mặc dù không kiểm soát hoàn toàn các khu vực này. Moscow cũng kiểm soát toàn bộ bán đảo Crimea ở phía nam Ukraine, sau khi sáp nhập khu vực này vào năm 2014.