1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine đối mặt thảm họa hóa học

(Dân trí) - Ukraine đang đối mặt nguy cơ thảm họa môi trường trong bối cảnh quân đội tiếp tục nã pháo khu vực Donestk, gần trúng nhà máy hóa học lớn nhất cả nước, vốn chứa các hóa chất chết người. Nếu xảy ra thảm họa hóa học, vùng ảnh hưởng tối thiểu sẽ là 300 km.

Stirol, nhà máy hóa chất lớn nhất Ukraine, tọa lạc tại vùng Donetsk.
Stirol, nhà máy hóa chất lớn nhất Ukraine, tọa lạc tại vùng Donetsk.
 
Trong 3 tuần qua, quân đội Ukraine đã liên tục nã pháo vào thành phố Gorlovka, thuộc vùng Donetsk, nơi có nhà máy hóa chất lớn nhất cả nước - Stirol.
 
“Do các hành động vô trách nhiệm của quân đội Ukraine, các công dân Ukraine, Nga và Belarus đối mặt với mối đe dọa chết người từ thảm họa sinh thái học hàng ngày, với quy mô có thể không dự đoán trước được”, Pavel Brykov, phát ngôn viên nhà máy, cho biết hôm 10/8.
 
Các bức ảnh được cắt từ đoạn video trên Youtube do đài truyền hình SputnikTV công bố cho thấy đạn pháo đã rơi bên trong khuôn viên nhà máy hóa chất ở miền đông Ukraine.
 
Theo ông Brykov, một sự cố tại nhà máy có thể gây rò rỉ nitrochlorobenzene, một hóa chất độc hại mà nếu đi vào cơ thể con người có thể gây tổn thương gan, tim, tủy xương và dẫn tới chết người.
 
Bức ảnh được cắt từ video cho thấy đạn pháo rơi trúng khuôn viên của nhà máy Stirol
Bức ảnh được cắt từ video cho thấy đạn pháo rơi trúng khuôn viên của nhà máy Stirol.
 
Vùng ảnh hưởng tối thiểu có thể lên tới ít nhất 300 km, ông Brykov nói, cho biết thêm rằng truyền thông Ukraine hoàn toàn im lặng trước nguy cơ về một sự cố như vậy.

Nhà máy Stirol thuộc công ty cổ phần OSTCHEM, do doanh nhân Ukraine Dmitry Firtash đứng đầu.

Trước đó, ông Dmitry Firtash khẳng định rằng không có nguy cơ về một thảm họa vì không có hóa chất chết người nào được lưu giữ tại nhà máy. Hồi tháng 5, khi pháo liên tục bị nã xuống khu vực, nhà máy đã ngừng hoạt động và sơ tán toàn bộ các công nhân.

Trong chiến dịch chống lại lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine, các binh sĩ Kiev đã sử dụng các bệ phóng đa rocket, như Grad và Uragan - các vũ khí mạnh được thiết kế để tiêu diệt các lực lượng đối phương. Nếu bị bắn vào thành phố Gorlovka mà thiếu chính xác, nó có thể dẫn tới thương vong của nhiều dân thường, làm tăng nguy cơ về một thảm họa hóa học.

Chỉ mới hôm 7/8, một nhà thờ được xây dựng bằng gỗ tại thành phố Gorlovka đã bị thiêu rụi sau khi bị trúng pháo.

Giao tranh ở miền đông Ukraine đã khiến hơn 1.300 người thiệt mạng, bao gồm cả các dân thường và các binh sĩ chính phủ. Hơn 4.000 người khác cũng bị thương. 118.000 người bị mất nhà cửa và 740.000 phải lánh sang Nga.
 
Bức ảnh được cắt từ video cho thấy đạn pháo rơi trúng khuôn viên của nhà máy Stirol

Nhà máy Stirol từng liên quan tới một vụ tai nạn vốn làm 6 người thiệt mạng và 26 người khác bị thương 1 năm trước.

Ukraine là nơi xảy ra tai nạn hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử thế giới.

Vụ việc xảy ra vào ngày 26/4/1986 tại một lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine, khi đó thuộc Liên bang Xô Viết. Nhà máy nằm gần thành phố Pripyat, cách thủ đô Kiev khoảng 100 km về phía bắc.

Sau vụ cháy nổ, đám mây bụi phóng xạ khổng lồ thoát ra từ nhà máy đã phát tán vào bầu không khí, lan rộng hàng nghìn km ra các lãnh thổ của Liên Xô và các quốc gia châu Âu. Khoảng 100.000 km đất đai đã bị ô nhiễm nghiêm trọng.
 
31 trong tổng số 237 người được chẩn đoán nhiễm phóng xạ cấp tính đã thiệt mạng trong vòng 3 tháng sau khi xảy ra tai nạn. Tổng cộng, có tới 985.000 người đã thiệt mạng vì vụ tai nạn, chủ yếu do bệnh ung thư gây ra do nhiễm phóng xạ, theo tổ chức Global Research.

An Bình
Theo RT