1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Ukraine đối mặt thách thức lớn từ trực thăng "Cá sấu" Ka-52 của Nga

Thanh Thành

(Dân trí) - Ngoài bẫy xe tăng, bãi mìn và công sự nhiều lớp "răng rồng" của Nga, Ukraine còn đối mặt với thách thức khác là trực thăng Ka-52 Alligator có biệt danh "Cá sấu".

Ukraine đối mặt thách thức lớn từ trực thăng Cá sấu Ka-52 của Nga  - 1

Máy bay trực thăng Ka-52 Alligator của Nga bắn vào mục tiêu Ukraine (Ảnh: AP).

Trong trận chiến đầu tiên của chiến dịch phản công gần Orikhiv, thuộc tỉnh Zaporizhzhia, một đại đội bộ binh Ukraine lái xe vào một bãi mìn và được cho là đã bị Ka-52 Alligators tấn công. Phía Kiev đã mất một số xe chiến đấu bộ binh Bradley do Mỹ cung cấp và một xe tăng Leopard 2 chủ lực do Đức chế tạo.

Không rõ có bao nhiêu phương tiện đã bị phá hủy và được phục hồi sau đó. Kiev cũng không nói rõ số binh sĩ thương vong.

Tuy nhiên, những hình ảnh về trận chiến đó, được truyền thông Nga và các blogger chia sẻ, đã cho thấy những trở ngại lớn mà lực lượng Ukraine sẽ phải vượt qua.

Quân đội Ukraine và các nhà phân tích và quan chức phương Tây từ lâu đã nhấn mạnh sức mạnh của không quân Nga, bao gồm cả máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công của nước này, nhất là trong năng lực tiêu diệt tăng thiết giáp của Ukraine. Ngoài ra, Kiev cũng thiếu hệ thống phòng không ở tiền tuyến để ngăn chặn máy bay Nga.

Stas, một binh sĩ thuộc đơn vị giám sát máy bay không người lái (UAV) tinh nhuệ giúp bộ binh phản công, cho biết đã chứng kiến máy bay chiến đấu của Nga đã ngay lập tức bắn vào đội quân đang tiến lên của chúng tôi bằng cách sử dụng bom dẫn đường bằng laser từ khoảng cách xa.

"Đó không phải là một sự cố cá biệt", anh nói.

Stas cho rằng, việc Nga sử dụng trực thăng vũ trang Ka-52 tấn công thiết giáp là một "chiến thuật rất mạnh mẽ". Và Ukraine không có khả năng đối phó kịp, nên đã khẩn thiết kêu gọi phương Tây cung cấp trực thăng tấn công Apache của Mỹ, ngoài máy bay chiến đấu tân tiến F-16.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tuần trước đã vinh danh các lực lượng quân đội vì đã tiếp tục tiến sâu vào lãnh thổ do Nga kiểm soát bất chấp "ưu thế về không quân và pháo binh" của Moscow.

Đầu tháng này, Nga đã triển khai thêm 20 trực thăng, trong đó có mẫu Ka-52, tới sân bay tại thành phố Berdyansk nằm cách Orikhiv khoảng 100km. Đây là một trong những căn cứ chính phục vụ cho các hoạt động của trực thăng Nga.

"Trong cuộc đua không ngừng giữa tác chiến trên không và các biện pháp đối phó, Nga dường như giành lợi thế tạm thời ở phía nam Ukraine, đặc biệt với trực thăng vũ trang sử dụng tên lửa tầm xa tập kích mục tiêu dưới mặt đất", Bộ Quốc phòng Anh nhận định hồi cuối tuần qua.

Mặc dù có ưu thế về kỹ thuật, lực lượng không quân Nga chưa thể giành quyền kiểm soát hoàn toàn bầu trời Ukraine do Kiev có hệ thống phòng không rộng lớn từ thời Liên Xô và sau này được phương Tây hỗ trợ thêm một số hệ thống tân tiến. Do đó, máy bay chiến đấu của Nga đi lạc quá xa trên chiến tuyến vào lãnh thổ Ukraine có nguy cơ bị bắn hạ.

Nhưng ở tuyến đầu thì khác. Các máy bay chiến đấu và trực thăng của Nga hiện đang khai thác những điểm yếu trong hệ thống phòng không của Ukraine ở tiền tuyến.

Kiev vận hành các hệ thống tên lửa đất đối không khác nhau từ thời Liên Xô, nhưng có quá ít hệ thống để cung cấp khả năng che phủ hoàn toàn, khiến nó phụ thuộc một phần vào các tên lửa vác vai tầm ngắn (Manpad) đòi hỏi xạ thủ phải nhìn thấy mục tiêu trước khi bắn.

"Manpad không hiệu quả lắm vào ban đêm. Chúng tôi cần các hệ thống phát hiện và dẫn đường - radar hoặc hệ thống quang-điện tử", một phi công của lực lượng không quân Ukraine cho biết.

Justin Bronk, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) có trụ sở tại London, cho biết các máy bay trực thăng của Nga được trang bị tên lửa dẫn đường chống tăng "luôn là mối đe dọa lớn hơn nhiều đối với lực lượng Ukraine trong một cuộc phản công so với trong các giai đoạn khác".

"Chúng có thể bay treo tại chỗ, phát hiện mục tiêu và phóng tên lửa chống tăng với tầm bắn vượt xa tên lửa phòng không vác vai hoặc pháo phòng không", chuyên gia Bronk nói.

Ukraine đối mặt thách thức lớn từ trực thăng Cá sấu Ka-52 của Nga  - 2

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) trong chuyến thăm một nhà máy sản xuất trực thăng ở Ulan-Ude, miền đông nước Nga (Ảnh: AP).

Ukraine lâm vào thế "tiến thoái lưỡng nan"

Mối đe dọa từ trực thăng tấn công của Nga đẩy lực lượng Ukraine vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Nếu không triển khai các tổ hợp phòng không hiện đại ra tiền tuyến, xe tăng và thiết giáp của họ sẽ dễ dàng hứng đòn không kích từ trực thăng Nga. Nhưng nếu đẩy các hệ thống phòng không hiện đại tới sát trận địa, chúng có nguy cơ bị tập kích bởi các loại UAV tự sát mà Nga đang sử dụng. 

Khi các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga nhằm vào nhiều thành phố của Ukraine đã tăng cường kể từ đầu tháng 5, các lực lượng vũ trang của Kiev đã phải nỗ lực đảm bảo các hệ thống tên lửa đất đối không của họ được giữ vững để bảo vệ dân thường thay vì chuyển chúng ra tiền tuyến.

Những tổn thất trong các trận mở màn phản công của lực lượng Ukraine đã khiến các đồng minh phương Tây gấp rút cung cấp thêm hệ thống phòng không và đạn dược cho Kiev.

Hồi tuần trước, Anh thông báo đang cùng Mỹ, Đan Mạch và Hà Lan "mua hàng trăm tổ hợp phòng không tầm ngắn và tầm trung", phần lớn là từ thời Liên Xô  để chuyển cho Ukraine vào những tuần tới.

Hôm 19/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, các hệ thống SAMP-T của Pháp-Italy đã cam kết trước đó hiện đã "hoạt động" ở Ukraine.

"Vấn đề quan trọng nhất đối với Ukraine là chúng tôi phải cùng lúc làm hai nhiệm vụ phòng không là bảo vệ các khu đô thị lớn cùng tổ hợp công nghiệp, cũng như trên tiền tuyến", Mykola Bielieskov, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia của Ukraine, cho biết.

Ông Bielieskov cảnh báo, đây là thách thức đối với lực lượng Ukraine trong lúc thiếu nhiều tổ hợp phòng không và những hệ thống này có thể trở thành mục tiêu của UAV tự sát như Lancet của Nga

Tuy nhiên, trực thăng Ka-52 không phải là không phạm sai lầm trên chiến trường. Bộ Quốc phòng Nga hồi đầu tháng 6 công bố video mẫu trực thăng "Cá sấu" này sử dụng cảm biến để phóng tên lửa vào vật thể được cho là xe tăng Leopard 2 trên cánh đồng trống, nhưng giới chuyên gia phương Tây sau đó nhận định mục tiêu bị hạ là xe phun thuốc trừ sâu.

"Cá sấu" cũng rất dễ bị tên lửa đất đối không tấn công khi ở trong tầm bắn. Nga đã mất ít nhất 35 chiếc kể từ tháng 2/2022, theo trang theo dõi thông tin tình báo mở Oryx. Đại tá Yuriy Ignat, phát ngôn viên của lực lượng không quân Ukraine, tuyên bố 4 chiếc đã bị bắn hạ trong tuần trước.

Đại tá Ignat cũng hạ thấp mối đe dọa từ trực thăng tấn công của Nga trong cuộc phản công. "Ka-52 hoàn toàn không phải là trực thăng thiết lập ưu thế trên không, nó cũng không cung cấp "loại hỏa lực có ý nghĩa quyết định trên chiến trường", ông nói.

Theo vị đại tá này, mối đe dọa hàng không lớn hơn đối với lực lượng Ukraine đến từ các máy bay chiến đấu của Nga, loại máy bay có radar mạnh hơn và tên lửa tầm xa hơn so với máy bay cũ thời Liên Xô của Ukraine. "Tình trạng dễ bị tổn thương của các lực lượng Ukraine đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có các máy bay phản lực do phương Tây sản xuất, chẳng hạn như F-16", ông nói thêm.

Binh sĩ Stas cũng nhấn mạnh, Ukraine đang thực sự rất cần F-16 và trực thăng Mỹ để bảo vệ lực lượng mặt đất.

Theo Financial Times