1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine đàm phán thỏa thuận an ninh song phương với Mỹ

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo Kiev và Washington đã bắt đầu thảo luận về một thỏa thuận hợp tác an ninh song phương.

Ukraine đàm phán thỏa thuận an ninh song phương với Mỹ - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

"Các nhóm của chúng tôi, Ukraine và Mỹ, đã bắt đầu làm việc về một thỏa thuận an ninh song phương", Tổng thống Zelensky nói trong bài phát biểu vào tối 22/4, đồng thời nói thêm rằng đây có thể là một thỏa thuận "thực sự mẫu mực".

Tuyên bố của Tổng thống Zelensky được đưa ra sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ông Zelensky cũng xác nhận rằng, kế hoạch gửi thêm tên lửa tầm xa cho lực lượng vũ trang Ukraine đã được hoàn tất.

Ukraine đã ký một số thỏa thuận an ninh 10 năm với các nước thành viên NATO, trong đó nêu rõ sự hỗ trợ lâu dài của phương Tây dành cho Ukraine trước chiến dịch quân sự của Nga.

Mặc dù các thỏa thuận được ký với các nước NATO như Anh, Pháp và Đức không phải là hiệp ước phòng thủ chung, nhưng chúng có tầm quan trọng mang tính biểu tượng đáng kể.

Các thỏa thuận thể hiện cam kết của phương Tây trong việc hỗ trợ Ukraine về quân sự, chính trị và tài chính trước chiến dịch quân sự của Nga, hiện đã bước sang năm thứ ba.

Chính phủ Ukraine đang đàm phán một loạt hiệp ước nhằm thúc đẩy mối quan hệ với các nước phương Tây cho đến khi Kiev được cấp tư cách thành viên đầy đủ của NATO. Các quan chức ở Kiev cho biết các thỏa thuận này sẽ đảm bảo sự hỗ trợ quân sự lâu dài từ Mỹ và các đồng minh, bất chấp những thay đổi chính trị có thể khiến các nhà tài trợ cắt giảm viện trợ.

Tổng thống Zelensky đã bày tỏ sự thất vọng sau khi Mỹ và các đồng minh dồn lực bảo vệ Israel trước cuộc tấn công lớn của Iran, đồng thời nêu bật những giới hạn trong sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Kiev.

Ông Zelensky nói rằng Ukraine cũng cần được bảo vệ như Israel, quốc gia không phải thành viên của NATO. "Điều này không nhất thiết phải là kích hoạt Điều khoản 5, chỉ cần ý chí chính trị là đủ", ông nói.

Điều 5 trong Hiến chương NATO là điều khoản về phòng thủ tập thể. Theo điều khoản này, bất cứ cuộc tấn công hay mối đe dọa nào nhằm vào một thành viên của NATO đều bị coi là tấn công hay đe dọa toàn liên minh. Khi đó, NATO có thể cân nhắc các biện pháp đáp trả tập thể.

Ông Andrey Yermak, Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine, tuần trước cho biết Kiev muốn được phương Tây đảm bảo an ninh tương tự mức độ bảo vệ mà Mỹ đã cung cấp cho Israel.

Tuy nhiên, các quan chức phương Tây nói rõ rằng Ukraine không nên kỳ vọng kiểu can thiệp như phương Tây dành cho Israel trong trận không kích gần đây của Iran.

Giới chuyên gia phương Tây cho rằng, vì đối thủ của Israel và Ukraine là 2 nước khác nhau, nên phản ứng của Mỹ và đồng minh trong 2 trường hợp là điều có thể dễ hiểu.

Ngoại trưởng Anh David Cameron cảnh báo việc đưa lực lượng NATO trực tiếp xung đột với lực lượng Nga sẽ là "sự leo thang nguy hiểm".

Phương Tây đã viện trợ quân sự cho Ukraine ngay từ những ngày đầu xung đột. Tuy nhiên, đến nay, các nước này vẫn tìm cách tránh nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga.

Theo AFP