1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine công bố thiệt hại sau gần hai tháng chiến sự

Minh Phương

(Dân trí) - Xung đột gần hai tháng qua giữa Nga và Ukraine khiến khoảng 30% cơ sở hạ tầng của Ukraine bị phá hủy, thiệt hại vật chất ước tính 100 tỷ USD.

Ukraine công bố thiệt hại sau gần hai tháng chiến sự - 1

Lực lượng cứu hỏa dập đám cháy tại khu vực bị ảnh hưởng bởi các đợt tấn công của Nga nhằm vào thành phố Lviv, miền Tây Ukraine ngày 18/4 (Ảnh: Reuters).

Reuters dẫn lời Bộ trưởng Cơ sở Hạ tầng Ukraine Oleksander Kubrakov ngày 18/4 cho biết, chiến sự giữa Ukraine và Nga từ ngày 24/2 đã khiến khoảng 20-30% cơ sở hạ tầng của Ukraine bị phá hủy hoặc hư hại với các mức độ khác nhau. Theo lời Bộ trưởng Kubrakov, hơn 300 cây cầu trên đường quốc lộ của Ukraine đã bị phá hủy hoặc hư hại, hơn 8.000 km đường sá cần phải sửa chữa hoặc xây dựng lại, hàng chục cầu đường sắt bị nổ tung. Thiệt hại riêng về cơ sở hạ tầng ước tính khoảng 100 tỷ USD.

Trước đó, giới chức Ukraine từng công bố mức ước tính tổng thiệt hại do chiến sự khoảng 500 tỷ USD, bao gồm cả tổn thất về thương mại và kinh doanh, nhưng đây là lần đầu tiên đề cập chi tiết tác động của xung đột đến cơ sở hạ tầng.

Bộ trưởng Kubrakov cho biết, Ukraine đã bắt đầu công tác tái thiết ở một số khu vực nằm trong sự kiểm soát của quân đội. Nếu xúc tiến nhanh chóng, Nga có thể tái thiết cầu đường, nhà cửa trong vòng hai năm và ông hy vọng quá trình tái thiết có sự hỗ trợ của phương Tây.

"Có một số nguồn lực đang được cân nhắc. Trước tiên là tài sản của Nga đang bị đóng băng ở hầu hết các nước lớn", ông Kubrakov nói. Ông cho biết thêm rằng, Bộ Tư pháp Ukraine và một số đồng minh của Ukraine đang tìm cách sử dụng các tài sản của Nga bị đóng băng để phục vụ cho quá trình tái thiết.

Theo Reuters, Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc lập một quỹ tái thiết quốc tế, trong khi một số chính trị gia EU kêu gọi sử dụng tài sản của Nga bị phương Tây đóng băng, trong đó có 300 tỷ USD dự trữ của ngân hàng trung ương Nga, để dùng cho mục đích này.
Đầu tháng này, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, các doanh nghiệp, tổ chức của Nga bị trừng phạt sẽ đệ đơn kiện lên tòa án khắp thế giới để ngăn những nỗ lực chiếm đoạt tài sản của Nga ở nước ngoài.

"Các đối thủ của chúng tôi nên hiểu rằng họ sẽ phải đối mặt với một số lượng lớn vụ kiện tại tòa án, cả tại các tòa án quốc gia của Mỹ và châu Âu, cũng như tại các tòa án quốc tế", ông Medvedev cho biết hôm 6/4.

Xung đột Nga - Ukraine nổ ra từ ngày 24/2 sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự với tuyên bố nhằm "phi quân sự hóa", "phi phát xít hóa" nước láng giềng. Ngân hàng Thế giới (World Bank) mới đây dự báo, kinh tế Ukraine có thể giảm tới 45% trong năm nay. Theo cơ quan này, mức độ suy giảm thực tế sẽ phụ thuộc vào việc chiến sự kéo dài bao lâu, khốc liệt đến mức nào. Các chuyên gia của World Bank nhận định, tương lai nền kinh tế Ukraine vẫn rất mờ mịt do cục diện chiến sự chưa rõ ràng trong khi đàm phán hòa bình chưa có nhiều tiến triển.

"Ukraine sẽ cần rất nhiều hỗ trợ tài chính ngay lập tức để duy trì nền kinh tế cũng như đảm bảo giúp đỡ người dân đang sống trong tình trạng vô cùng nguy cấp", Anna Bjerde, phó chủ tịch World Bank phụ trách khu vực châu Âu và Trung Á, nhận định.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine