1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Ukraine bị nghi kích nổ tuyến đường sắt nối Nga và Trung Quốc

Minh Phương

(Dân trí) - Ukraine được cho là đã kích nổ đoạn đường sắt ở Siberia, nối Nga với Trung Quốc.

Ukraine bị nghi kích nổ tuyến đường sắt nối Nga và Trung Quốc - 1

Hầm đường sắt Severomuysky (Ảnh: Pravda).

Reuters dẫn nguồn tin giấu tên từ Ukraine ngày 30/11 cho hay, lực lượng của Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã kích hoạt 4 thiết bị nổ khi một đoàn tàu chở hàng di chuyển qua hầm Severomuysky ở vùng Buryatia, trên tuyến đường sắt quan trọng giữa Nga và Trung Quốc.

Vụ tập kích xảy ra đêm 29/11 khiến đoàn tàu bốc cháy, song hiện chưa có thông tin về thiệt hại. Nguồn tin nói rằng, Nga cũng sử dụng tuyến đường sắt này cho mục đích quân sự.

Cơ quan Điều tra Nga nói rằng một đoàn tàu chở nhiên liệu đã bốc cháy trong hầm đường sắt, nhưng không có thiệt hại về người.

Theo Cơ quan Đường sắt Nga, đoàn tàu đã dừng lại khi phát hiện khói bốc lên từ một bồn chứa nhiên liệu.

Giới chức trách Nga đang điều tra nguyên nhân vụ việc. Nếu đây thực sự là một hoạt động của lực lượng an ninh Ukraine, nó sẽ cho thấy năng lực của họ tấn công vào sâu lãnh thổ Nga. Đường sắt trên cách biên giới Ukraine khoảng 4.000km.

Trước đó, năng lực tấn công tầm xa của Ukraine tương đối hạn chế và phải phụ thuộc vào viện trợ của phương Tây.

Ukraine bị nghi kích nổ tuyến đường sắt nối Nga và Trung Quốc - 2

Đồ họa: Sun

Trong một diễn biến liên quan khác, Reuters đưa tin, Mỹ hoãn cấp lô rocket dẫn đường tầm xa (GLSDB) đầu tiên cho Ukraine đến năm 2024.

GLSDB có tầm bắn khoảng 160km. Theo kế hoạch, Boeing sẽ hoàn tất sản xuất và bàn giao loại rocket này cho quân đội Mỹ vào cuối tháng 12 này, nhưng Mỹ vẫn cần thêm vài tháng thử nghiệm trước khi bàn giao cho Ukraine.

Nó sẽ cho phép quân đội Ukraine tấn công các mục tiêu ở khoảng cách gấp đôi so với tên lửa mà họ hiện bắn từ Hệ thống pháo cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp và buộc Nga phải di chuyển nguồn tiếp tế ra xa tiền tuyến hơn nữa.

GLSDB được vận hành với sự trợ giúp của GPS, có thể vượt qua các chướng ngại vật điện tử, sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết và cũng có thể dùng để chống lại xe bọc thép.

Mỹ và các đồng minh bắt đầu cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine, song vẫn có những giới hạn nhất định. Điều này là bởi phương Tây lo ngại rằng Kiev có thể sử dụng những vũ khí đó để tấn công vào sâu lãnh thổ Nga và kéo theo nguy cơ xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO.

Moscow cảnh báo, bất cứ tên lửa tầm xa nào mà phương Tây cấp cho Ukraine sẽ dẫn đến vòng xoáy căng thẳng hơn nữa trong xung đột Ukraine.

Hồi cuối tháng 10, Ngoại trưởng Nag Sergei Lavrov kêu gọi các quốc gia phương Tây ngừng viện trợ cho Ukraine ngay lập tức và bắt đầu đàm phán dựa trên tình hình thực tế.

"Tôi tái khẳng định quan điểm nhất quán của Nga, đó là các nước cần ngừng viện trợ cho Ukraine ngay lập tức và bắt đầu đàm phán dựa trên tình hình thực tế, lợi ích cốt lõi của Nga đã được nêu ra ngay từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt", ông Lavrov nhấn mạnh.

Ông cũng lưu ý rằng việc Washington chuyển tên lửa tầm xa ATACMS cho Kiev là nỗ lực vô ích và chỉ nối dài khổ đau cho người dân Ukraine.

Theo Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm