1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine bắt đầu phản công lực lượng Nga từ nhiều hướng

Minh Phương

(Dân trí) - Giới chức Ukraine cho biết, quân đội nước này bắt đầu phản công lực lượng của Nga từ nhiều hướng khác nhau, làm thay đổi đáng kể tương quan của hai bên.

Ukraine bắt đầu phản công lực lượng Nga từ nhiều hướng - 1

Một binh sĩ Ukraine chỉ hướng cho một xe tăng Nga bị lực lượng Ukraine thu giữ sau một cuộc giao tranh gần Kiev ngày 10/3 (Ảnh: Reuters).

"Quân đội Ukraine đã tìm cách giáng đòn vào lực lượng của Nga và bắt đầu phản công ở một số khu vực", hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/3 dẫn thông tin của Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine đăng tải trên Facebook cho biết.  

Thông tin cho biết thêm, quân đội Ukraine đã khai hỏa tên lửa và thả bom vào các lực lượng của Nga với 9 đợt tấn công trên không nhằm vào đoàn xe quân sự và nhóm binh sĩ Nga.

Quân đội Ukraine tuyên bố đã phá hủy 430 xe tăng chủ lực, gần 1.400 xe bọc thép các loại, 190 hệ thống pháo, 70 hệ thống phóng rocket, 84 máy bay, 108 trực thăng và 11 máy bay không người lái cùng các khí tài khác của Nga.

Cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, cùng ngày cho biết: "Quân đội Ukraine đang bắt đầu phản công lực lượng Nga từ nhiều hướng. Điều này đã đang thay đổi đáng kể tương quan của hai bên".

Tuy nhiên, chi tiết về hoạt động phản công của Ukraine chưa thể kiểm chứng độc lập.

Tuyên bố trên được đưa ra giữa lúc chiến sự ở Ukraine có xu hướng leo thang bất chấp hai bên đang đàm phán nhằm tháo ngòi xung đột. Nga được cho là đang thay đổi chiến thuật, mở rộng tấn công sang các khu vực phía Tây của Ukraine và tăng cường vây ép các thành phố lớn, trong đó có thủ đô Kiev.

Trong bài phát biểu trực tuyến trước quốc hội Mỹ ngày 16/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng, vận mệnh của Ukraine đang được quyết định. Ông kêu gọi Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục cung cấp khí tài quân sự giúp Kiev đối phó với chiến dịch quân sự của Moscow. Ông Zelensky nói, nếu phương Tây không thể lập vùng cấm bay hay cung cấp máy bay chiến đấu, thì có thể cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraine.

Đáp lại, Mỹ tiếp tục bác bỏ ý tưởng thiết lập vùng cấm bay và cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, nhưng tăng cường hỗ trợ các loại khí tài khác cho Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 16/3 đã thông báo khoản viện trợ quân sự trị giá một tỷ USD dành cho Ukraine nhằm hỗ trợ an ninh và triển khai các vũ khí tầm xa hơn cho nước này, và coi đây là sự hỗ trợ "chưa từng có tiền lệ" đối với Ukraine trong cuộc xung đột giữa nước này với Nga.

Liên quan đến các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine, Tổng thống Zelensky cho biết, các đàm phán đã trở nên thực tế hơn, có tiến triển nhưng vẫn còn nhiều gập ghềnh. Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky cho hay, tính trung lập của Ukraine là điểm trọng tâm trong các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa hai bên nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột. Moscow muốn Ukraine theo mô hình trung lập và phi quân sự nhưng vẫn có lục quân và hải quân riêng giống như Áo, Thụy Điển - hai quốc gia trung lập ở Tây Âu. Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ đề xuất này.

Theo NYTimes, Anadolu
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine